Ngày 19/5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá lên tới 75% đối với sản phẩm nhựa kỹ thuật copolymer polyformaldehyde nhập khẩu từ Mỹ. Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 20/5 và được áp dụng bất chấp thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong thông báo, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cuộc điều tra kết luận rằng các sản phẩm copolymer polyformaldehyde nhập khẩu từ Mỹ Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản đã bị bán phá giá tại thị trường Trung Quốc, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Kết quả điều tra xác định mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi bán phá giá và những tổn thất mà ngành công nghiệp Trung Quốc phải gánh chịu. Cơ quan này cho biết mức thuế chống bán phá giá sẽ dao động từ 3,8% đến 74,9%.
Theo đó, ngoài Mỹ, các công ty sản xuất nhựa kỹ thuật từ EU và Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá từ 32,6% đến 35,5%.
Đáng chú ý, quyết định này được công bố chỉ vài tuần sau khi Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” thương mại trong vòng 90 ngày, trong đó hai bên đồng ý tạm dừng áp đặt thêm thuế để tạo điều kiện cho đàm phán. Tuy nhiên, việc Trung Quốc vẫn tiến hành các biện pháp thuế quan mới làm dấy lên lo ngại về khả năng căng thẳng thương mại giữa hai bên sẽ tiếp tục leo thang.
Copolymer polyformaldehyde là một loại nhựa kỹ thuật có giá trị cao, có đặc tính nhẹ, bền, thường được sử dụng để thay thế các kim loại như đồng và kẽm trong ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dược phẩm và thiết bị gia dụng nhờ đặc tính bền, chịu nhiệt và kháng hóa chất. Việc áp thuế cao đối với mặt hàng này có thể làm gia tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông báo áp thuế được đưa ra chỉ một tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm thời nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại, bao gồm việc gỡ bỏ phần lớn các mức thuế quan được công bố trong tháng trước. Theo thỏa thuận, hai bên cũng cam kết thiết lập kênh liên lạc chặt chẽ hơn, đồng thời tăng cường tham vấn định kỳ và đột xuất nhằm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại song phương.
Tuy nhiên, động thái mới của Trung Quốc được cho là có thể gây thêm bất ổn trong mối quan hệ với Liên minh châu Âu – khu vực vốn thường xuyên bày tỏ quan ngại về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc, gây áp lực cạnh tranh không công bằng đối với các doanh nghiệp châu Âu.
Những căng thẳng này từng đạt đỉnh điểm vào năm ngoái khi EU quyết định áp thuế cao đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ.
Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá đối với nhựa nhiệt dẻo kỹ thuật sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày 20/5. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu mới từ các quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng – bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Đài Loan – có thể nộp đơn yêu cầu xem xét lại nếu cho rằng mức thuế áp dụng không phù hợp hoặc gây thiệt hại không công bằng.
Giới quan sát nhận định quyết định này không chỉ là một biện pháp bảo hộ kinh tế thuần túy, mà còn phản ánh chiến lược thương mại ngày càng chủ động và cứng rắn của Trung Quốc trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang có nhiều biến động.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)