Cách đây đúng một thế kỷ, hai nhà hóa học người Đức đã phát minh ra một quy trình biến than thành nhiên liệu lỏng. Sau khi được công bố vào năm 1925, quá trình này – mang tên Phản ứng tổng hợp Fischer-Tropsch – trở nên tai tiếng: Đức Quốc xã dùng nó để tiếp nhiên liệu cho cỗ máy chiến tranh, và Nam Phi thời Apartheid sử dụng nó để đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ trong những năm 1980.
Người sử dụng cuối cùng, với quy mô rất lớn, của công nghệ này chính là Trung Quốc.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một nhánh ít được chú ý của ngành than Trung Quốc – chuyên chuyển đổi than thành nhiên liệu lỏng và hóa chất – hiện đang tiêu thụ khoảng 380 triệu tấn than mỗi năm. Nếu được coi như một quốc gia độc lập, mảng này sẽ trở thành nước tiêu thụ than lớn thứ ba thế giới, chỉ sau phần còn lại của Trung Quốc và Ấn Độ, vượt qua Mỹ, Nhật Bản, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây không còn là một “bí mật nhỏ và bẩn” – mà là một bí mật khổng lồ, với những hệ quả nghiêm trọng cho chính sách năng lượng và khí hậu toàn cầu.
Chừng nào Trung Quốc còn phụ thuộc vào than, việc cắt giảm phát thải CO₂ toàn cầu sẽ càng khó khăn hơn. Dù Trung Quốc đã có bước tiến lớn trong năng lượng xanh – từ xe điện đến pin mặt trời – nước này vẫn tiêu thụ lượng than nhiều hơn tất cả các quốc gia còn lại cộng lại.
Đáng lo hơn, ngành công nghiệp này đang tiếp tục mở rộng, bù đắp cho sự sụt giảm ở các lĩnh vực khác như xi măng hay thép. Theo dự báo của ông Carlos Fernandez Alvarez – trưởng bộ phận than của IEA, tăng trưởng mảng này sẽ vào khoảng 5–10% trong những năm tới. Tuy nhiên, ngành này như một “lỗ đen” dữ liệu vì Trung Quốc công bố rất ít số liệu thống kê liên quan.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã chuyển hóa một phần than thành các sản phẩm hóa học và nhiên liệu – gọi là ngành công nghiệp hóa chất than truyền thống – chủ yếu dùng than luyện kim để tạo ra coke, sau đó là phân đạm và hóa chất dựa trên acetylene.
Nhưng trong 20 năm qua, Trung Quốc đã phát triển một lớp thứ hai: ngành hóa chất than hiện đại – áp dụng các biến thể của quy trình Fischer-Tropsch và công nghệ mới như tổng hợp methanol để sản xuất các sản phẩm hóa dầu như olefin (dùng để làm nhựa).
Ban đầu, những công nghệ này chỉ mang tính thử nghiệm đầu những năm 2000, nhưng đến thập niên 2010, các dự án thương mại quy mô lớn đã mọc lên như nấm, đặc biệt là ở các vùng nội địa nơi tập trung các mỏ than. Nhiều nhà máy hiện đại đến mức than không còn nhìn thấy đâu – vì được khai thác ngay dưới nhà máy, đưa thẳng lên bằng băng chuyền rồi khí hóa và chuyển đổi thành sản phẩm như chai nhựa hay vải sợi tổng hợp.
Trung Quốc là ông vua của ngành than
Bắc Kinh tiêu thụ hơn một nửa lượng than toàn cầu.

Đối với Bắc Kinh, ngành chuyển đổi than đóng vai trò ở hai khía cạnh:
- An ninh năng lượng: Trung Quốc giàu tài nguyên than, nên việc dùng than để sản xuất nhiên liệu, phân bón và hóa chất giúp giảm phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu – yếu tố được xem là rủi ro an ninh quốc gia.
- Tạo đầu ra mới cho than nội địa: Khi các khách hàng truyền thống như nhà máy điện, lò luyện thép, và công ty xi măng giảm nhu cầu, việc mở rộng ngành chuyển hóa than giữ việc làm cho khoảng 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng.
Ngay cả khi điện mặt trời và gió phát triển, lượng điện sản xuất từ than vẫn chiếm phần lớn. Dù tiêu thụ điện từ than có thể đang chững lại, thì mảng hóa chất than lại tăng mạnh. Các tỉnh sản xuất than lớn như Sơn Tây, Nội Mông, Tân Cương và Thiểm Tây phụ thuộc vào việc duy trì nhu cầu này.
Tại Tân Cương, tập đoàn nhà nước China Energy Investment Corp đang rót hàng tỷ USD để phát triển các nhà máy sử dụng công nghệ Fischer-Tropsch hiện đại hơn.
Tại các hội nghị ngành, các tập đoàn chuyển hóa than của Trung Quốc tự hào trưng bày chai “dầu diesel tổng hợp từ than”. Báo chí nhà nước gọi các nhà máy này là “mỏ dầu khổng lồ nằm trên biển than”.
Dù đóng vai trò quan trọng với kinh tế và khí hậu toàn cầu, than lại không xuất hiện nhiều trong các cuộc thảo luận về năng lượng. Ngành chuyển hóa than của Trung Quốc chính là một điểm mù như vậy. Ngoại trừ Mỹ, các nước phương Tây thường tuyên bố đang “khai tử than”. Nhưng điều đó xa rời thực tế: Nhu cầu than toàn cầu đã đạt kỷ lục trong năm ngoái, và mọi dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ còn kéo dài.
Một thế kỷ sau khi quy trình Fischer-Tropsch được phát minh, thế giới vẫn tìm ra những cách mới để tiêu thụ than.
>> Các ngân hàng lớn đổ gần 400 tỷ USD cho ngành công nghiệp bị cả thế giới lên án