Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 6/7 thông báo sẽ hạn chế các cơ quan Chính phủ mua thiết bị y tế có xuất xứ từ Liên minh châu Âu (EU) nếu hợp đồng vượt quá 45 triệu NDT (tương đương 6,3 triệu USD). Động thái này được xem là đòn đáp trả sau khi Brussels áp đặt lệnh cấm với các công ty Trung Quốc hồi tháng trước.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Brussels leo thang chưa từng thấy sau khi EU áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, còn Trung Quốc đáp trả bằng cách điều tra và áp thuế đối với rượu mạnh nhập khẩu từ châu Âu.
Tháng trước, EU tuyên bố cấm các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đấu thầu công khai trong lĩnh vực thiết bị y tế tại châu Âu – thị trường có quy mô khoảng 60 tỷ euro/năm (70 tỷ USD) – sau khi kết luận rằng các công ty EU không được tiếp cận công bằng tại thị trường Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên EU kích hoạt công cụ “Cơ chế mua sắm quốc tế” (International Procurement Instrument) có hiệu lực từ năm 2022, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thị trường mang tính đối ứng.
Phía Trung Quốc đã báo trước việc áp dụng các biện pháp đáp trả từ cuối tháng trước. “Đáng tiếc là dù Trung Quốc đã thể hiện thiện chí, EU vẫn đơn phương hành động, áp đặt các biện pháp hạn chế và dựng lên những rào cản bảo hộ mới”, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu trong tuyên bố riêng cùng ngày. “Vì vậy, Trung Quốc buộc phải áp dụng biện pháp hạn chế mang tính đối ứng”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ hạn chế nhập khẩu các thiết bị y tế từ các quốc gia khác nếu sản phẩm có linh kiện do EU sản xuất chiếm hơn 50% giá trị hợp đồng, theo Bộ Tài chính. Những biện pháp này có hiệu lực ngay trong ngày 6/7.
Bộ Thương mại Trung Quốc lưu ý các sản phẩm của doanh nghiệp châu Âu sản xuất tại Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi quy định mới.
Hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc vào cuối tháng 7.
Trước đó vào ngày 4/7, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên tới 34,9% trong vòng 5 năm đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, chủ yếu là rượu cognac từ Pháp. Động thái được cho là nhằm trả đũa việc EU áp thuế với xe điện Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn như Pernod Ricard, LVMH và Rémy Cointreau được miễn áp thuế nếu đáp ứng mức giá sàn tối thiểu – điều kiện mà phía Trung Quốc không công bố cụ thể.
Theo CNBC