Theo công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 13/1, thặng dư thương mại nước này đã chạm mốc kỷ lục 990 tỷ USD trong năm qua, vượt xa con số 838 tỷ USD của năm 2022.
Số liệu chi tiết cho thấy kim ngạch xuất khẩu đạt 3,58 nghìn tỷ USD, trong khi nhập khẩu ở mức 2,59 nghìn tỷ USD. Đặc biệt, tháng 12 ghi nhận thặng dư cao nhất trong một tháng với 104,8 tỷ USD, một phần do doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trước thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, mức thặng dư này được đánh giá là cao nhất trong một thế kỷ qua, vượt xa các cường quốc xuất khẩu như Đức, Nhật Bản và Mỹ.
Tình trạng hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường đã vấp phải phản ứng từ nhiều đối tác thương mại. Nhiều quốc gia công nghiệp và đang phát triển đã áp dụng các biện pháp thuế quan để kiểm soát dòng chảy hàng hóa. Bắc Kinh cũng đã có động thái trả đũa tương tự, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến thương mại có thể đe dọa sự ổn định của kinh tế toàn cầu.
Dù đang phải nhập khẩu dầu mỏ và nhiều loại tài nguyên thiên nhiên, thặng dư thương mại trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc vẫn chiếm tới 10% GDP.
Xuất khẩu đa dạng từ ô tô đến tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm cho công nhân với mức lương tăng gấp đôi trong 10 năm qua, mà còn mang lại cơ hội việc làm cho đội ngũ kỹ sư, nhà thiết kế và chuyên gia nghiên cứu có thu nhập cao.
Chính sách “Made in China 2025” với khoản đầu tư 300 tỷ USD đã giúp Trung Quốc giảm đáng kể nhập khẩu và hướng tới tự chủ công nghiệp. Điển hình là việc vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu ô tô, vượt qua cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Nước này cũng đang phát triển máy bay thương mại một lối đi nhằm cạnh tranh với Airbus và Boeing, đồng thời thống lĩnh thị trường sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế nội địa khó khăn với thị trường bất động sản suy thoái và niềm tin tiêu dùng sụt giảm, thặng dư thương mại đang đóng vai trò quan trọng giúp bù đắp thiệt hại. Hàng triệu công nhân xây dựng thất nghiệp cùng tầng lớp trung lưu mất tiền tiết kiệm khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu và nội địa suy yếu.
Làn sóng phản đối thặng dư thương mại Trung Quốc đang lan rộng từ các nước phát triển đến đang phát triển, khi nhiều Chính phủ lo ngại về nguy cơ đóng cửa nhà máy và thất nghiệp do không thể cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ nước này.
EU và Mỹ đã tăng thuế đối với ô tô Trung Quốc trong năm qua. Đáng chú ý, các rào cản thương mại mạnh mẽ nhất lại đến từ các nước đang phát triển như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia – những quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa và lo ngại về tương lai ngành sản xuất nội địa.
Mặc dù khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc tăng hơn 12%, giá trị bằng USD chỉ tăng một nửa con số đó do giá bán giảm mạnh khi nguồn cung vượt cầu. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc R. Nicholas Burns chỉ trích Bắc Kinh đang sản xuất vượt gấp 2-3 lần nhu cầu nội địa trong nhiều lĩnh vực như thép, robot, xe điện và pin năng lượng mặt trời.
Chính quyền tổng thống Joe Biden cùng các thành viên Quốc hội nước này cho rằng Trung Quốc đang lạm dụng hệ thống ngân hàng nhà nước để đầu tư quá mức vào công suất sản xuất. Khoản cho vay ròng cho ngành công nghiệp đã tăng vọt từ 83 tỷ USD năm 2019 lên 670 tỷ USD năm 2023. Tuy nhiên, Cục phó Cục Hải quan Trung Quốc Vương Linh Quân bác bỏ chỉ trích này, cho rằng đây chỉ là “chủ nghĩa bảo hộ nhằm chống lại sự phát triển của Trung Quốc”.
Theo ông Brad Setser, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, thặng dư thương mại của Trung Quốc hiện gấp đôi mức kỷ lục mà Nhật Bản (185 tỷ USD theo giá trị hiện tại) và Đức (326 tỷ USD) từng đạt được. Ông nhận định: “Kể từ năm 2021, Trung Quốc đã chuyển hướng mạnh mẽ sang xuất khẩu, gây tổn hại ngày càng lớn đến các nền kinh tế sản xuất khác trên thế giới”.
Theo dự kiến trong báo cáo sẽ công bố vào ngày 17/1 tới, nền kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm qua, trong đó thặng dư thương mại đóng góp tới một nửa. Phần tăng trưởng còn lại chủ yếu đến từ đầu tư vào các nhà máy mới phục vụ xuất khẩu.
Số liệu từ Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc cho thấy Trung Quốc hiện chiếm khoảng 1/3 sản lượng hàng hóa toàn cầu, vượt xa tổng sản lượng của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.
Thành công này có được nhờ chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và nhà máy, đồng thời duy trì hàng rào thuế quan cao với hàng nhập khẩu. Đáng chú ý, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật và các ngành liên quan hàng năm tại Trung Quốc còn nhiều hơn tổng số sinh viên tốt nghiệp mọi ngành của các trường cao đẳng và đại học Mỹ.
Dù nhiều quốc gia đang cân nhắc tăng thuế, các nhà nhập khẩu vẫn đánh giá Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, khả năng duy trì vị thế dẫn đầu của nước này trong bối cảnh các rào cản thương mại gia tăng đang là câu hỏi lớn được nhiều chuyên gia quan tâm.
Theo New York Times