spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếTrước giờ G, Mỹ chỉ trích hàng loạt chính sách thương mại...

Trước giờ G, Mỹ chỉ trích hàng loạt chính sách thương mại của Hàn Quốc

Báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mới công bố đã công kích mạnh mẽ nhiều chính sách về ô tô, công nghệ và điện toán đám mây của Seoul là trở ngại lớn với các doanh nghiệp Mỹ.

Cách đây vài giờ, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) vừa đệ trình Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia năm 2025 (NTE) lên Tổng thống Donald Trump và Quốc hội, nêu chi tiết các rào cản thương mại mà các nhà xuất khẩu Mỹ đang đối mặt cũng như các nỗ lực của cơ quan này nhằm giải quyết chúng.

Báo cáo thường niên, được yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/3 hàng năm, được công bố vào thời điểm quan trọng khi ông Trump, người đã cam kết áp đặt thuế quan “có đi, có lại” đối với tất cả sản phẩm từ các quốc gia đang áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ từ ngày 2/4 sắp tới, bước vào những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai.

>> Ông Trump muốn đấu với ông Obama nếu được tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 3

Trước giờ G, Mỹ chỉ trích hàng loạt chính sách thương mại của Hàn Quốc - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng tại Washington, DC vào ngày 31/3/2025 – Ảnh: EPA/Yonhap

Phần báo cáo về Hàn Quốc kéo dài khoảng 7 trang, xác định các rào cản thương mại như hạn chế nhập khẩu thịt bò Mỹ từ gia súc trên 30 tháng tuổi, các quy định đăng ký và đánh giá hóa chất, phí sử dụng mạng và yêu cầu chứng nhận bảo mật dịch vụ điện toán đám mây (CSAP) trong khu vực công. Những phát hiện này phần lớn phản ánh những lo ngại kéo dài của các công ty công nghệ Mỹ từ năm 2024.

>> Quốc gia soán ngôi Mỹ trở thành ‘thiên đường’ mới của các hãng xe điện Trung Quốc: Không rào cản thương mại, doanh số tăng gấp 6 lần chỉ trong 1 năm

Về thị trường ô tô Hàn Quốc, báo cáo nhấn mạnh những lo ngại liên quan đến quyền tiếp cận thị trường, đồng thời tuyên bố rằng: “Mở rộng khả năng tiếp cận thị trường ô tô Hàn Quốc cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ vẫn là một ưu tiên quan trọng của Hoa Kỳ”. Báo cáo cũng đề cập đến các quy định về linh kiện liên quan đến khí thải (ERC), vốn bị các công ty Mỹ chỉ trích vì thiếu rõ ràng và nguy cơ bị truy tố hình sự bởi Hải quan Hàn Quốc nếu không tuân thủ.

Về lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, báo cáo nêu rõ: “Ngành công nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế của Mỹ tiếp tục lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các chính sách định giá và hoàn trả của Hàn Quốc, cũng như việc thiếu cơ hội tham vấn thực chất cho các bên liên quan đối với các thay đổi chính sách được đề xuất”.

Báo cáo còn đề cập đến vấn đề công nhận Công ty Dược phẩm Sáng tạo (IPC) tại Hàn Quốc, cho rằng các công ty Mỹ bị từ chối công nhận IPC mà không có giải thích rõ ràng, dù danh hiệu này mang lại lợi ích về thuế và khuyến khích nghiên cứu.

Trước giờ G, Mỹ chỉ trích hàng loạt chính sách thương mại của Hàn Quốc - ảnh 2
Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia năm 2025 (NTE) được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ vào ngày 31/3 – Ảnh: USTR

Một vấn đề quan trọng khác được nêu ra là phí sử dụng mạng mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) Hàn Quốc áp đặt đối với các nhà cung cấp nội dung nước ngoài như Netflix. USTR, cơ quan đã cảnh báo về vấn đề này trong 4 năm liên tiếp, cho biết các khoản phí này có thể mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh trong nước và củng cố thế độc quyền của các ISP Hàn Quốc.

Báo cáo nhận định: “Vì một số ISP Hàn Quốc cũng là nhà cung cấp nội dung, nên phí do các nhà cung cấp nội dung Mỹ chi trả có thể mang lại lợi ích cho đối thủ Hàn Quốc. Hơn nữa, quy định này có thể mang tính phi cạnh tranh khi củng cố thêm thế độc quyền của ba ISP lớn tại Hàn Quốc, gây bất lợi cho ngành nội dung”.

Báo cáo cũng chỉ trích yêu cầu chứng nhận bảo mật dịch vụ điện toán đám mây (CSAP) của Hàn Quốc, quy định các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt đối với nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong khu vực công.

Báo cáo viết: “Thị trường tiềm năng mà các nhà cung cấp Mỹ bị loại khỏi đang ngày càng mở rộng”.Các công ty như Amazon Web Services, Microsoft và Google gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu CSAP, bao gồm việc tiết lộ mã nguồn và tách biệt cơ sở hạ tầng đám mây công cộng với tư nhân. Dù Mỹ đã gây áp lực buộc Hàn Quốc điều chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế, vấn đề này chỉ được giải quyết một phần vào tháng 9 năm 2024 sau khi Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) tiếp thu một số đề xuất của Mỹ.

USTR cũng lên án các quy định đề xuất về nền tảng trực tuyến của Hàn Quốc, tuyên bố: “Những đề xuất này sẽ áp dụng cho một số công ty Mỹ lớn đang hoạt động tại Hàn Quốc. Chúng cũng dường như áp dụng cho hai công ty lớn của Hàn Quốc, nhưng lại loại trừ một số công ty lớn khác của Hàn Quốc cũng như của các quốc gia khác”.

Trước giờ G, Mỹ chỉ trích hàng loạt chính sách thương mại của Hàn Quốc - ảnh 3
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer theo dõi Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả ô tô nhập khẩu vào Mỹ tại Nhà Trắng ở Washington, DC vào ngày 26/3/2025 – Ảnh: UPI/Yonhap

Trước đó, Trưởng đại diện USTR Jamieson Greer từng lên án các quy định này trong một cuộc phỏng vấn năm 2024 với tờ Chosun Ilbo, gọi chúng là “sự phân biệt đối xử khắc nghiệt đối với các công ty nền tảng Mỹ” và cảnh báo rằng “dù Mỹ cam kết duy trì quan hệ với Hàn Quốc, nhưng sẽ có hành động đáp trả”.

Các lo ngại khác được liệt kê trong báo cáo bao gồm hạn chế đối với việc chuyển dữ liệu dựa trên vị trí, các khoản phạt do Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân Hàn Quốc áp đặt dựa trên doanh thu toàn cầu, giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực truyền hình mặt đất và các hạn chế đầu tư trong ngành bán buôn thịt.

Báo cáo này được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách thương mại của ông Trump. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông Trump đã chỉ đạo USTR rà soát các rào cản thuế quan và phi thuế quan do các đối tác thương mại lớn áp đặt, báo hiệu khả năng áp dụng thuế mới hoặc biện pháp trả đũa dựa trên những phát hiện trong báo cáo.

“Không có Tổng thống Mỹ nào trong lịch sử hiện đại nhận thức rõ hơn Tổng thống Trump về những rào cản thương mại rộng lớn và gây tổn hại mà các nhà xuất khẩu Mỹ phải đối mặt”, ông Greer tuyên bố. “Dưới sự lãnh đạo của ông ấy, chính quyền này đang nỗ lực giải quyết những thực tiễn bất công và không có đi có lại, nhằm khôi phục sự công bằng và đặt các doanh nghiệp cũng như người lao động Mỹ lên hàng đầu trên thị trường toàn cầu”.

Theo The Chosun Ilbo

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật