spot_img
34.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếTừ bỏ nhà thầu Trung Quốc, chọn Mỹ – Nhật tái khởi...

Từ bỏ nhà thầu Trung Quốc, chọn Mỹ – Nhật tái khởi động dự án đường sắt 212km sau 4 năm ‘đắp chiếu

Một dự án hạ tầng từng bị đình trệ nhiều năm tại Philippines đang được khởi động lại với sự hậu thuẫn từ Mỹ và Nhật Bản, thay thế cho kế hoạch ban đầu do Trung Quốc tài trợ nhưng đã bị âm thầm hủy bỏ.

Theo tờ South China Morning Post, tuyến đường sắt Subic–Clark–Manila–Batangas (SCMB) dài 212km sẽ là trục giao thông chính của Hành lang Kinh tế Luzon – một sáng kiến trọng điểm do ba nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines công bố vào tháng 4 năm ngoái nhằm tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và nâng cấp hạ tầng chiến lược tại quốc gia Đông Nam Á này.

Đại sứ quán Mỹ tại Manila hôm 27/6 xác nhận Washington sẽ tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án thông qua Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA).

Từ bỏ nhà thầu Trung Quốc, chọn Mỹ – Nhật tái khởi động dự án đường sắt 212km sau 4 năm ‘đắp chiếu - ảnh 1

Dù chưa công bố khoản đầu tư cụ thể, USTDA cho biết đã chọn The Cadmus Group – một công ty tư vấn tại bang Virginia – để thực hiện các hoạt động mô hình hóa giao thông, phân tích kết nối cảng – đường sắt và lập kế hoạch pháp lý. Nguồn vốn chính thức dự kiến sẽ đến từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

“Đây sẽ là xương sống của Hành lang Kinh tế Luzon – một tuyến đường thương mại quan trọng mang lại lợi ích chung cho cả người dân Mỹ và Philippines”, ông Thomas Hardy, quyền giám đốc USTDA nhấn mạnh.

Việc khôi phục dự án SCMB được các nhà phân tích xem là bước đi có tính chiến lược cao trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng qua các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai – Con đường.

Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào các tuyến đường sắt cao tốc ở Indonesia và Malaysia.

“Đây là cách để Mỹ cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Washington muốn cho thấy họ không chỉ có sức mạnh quân sự, mà còn sở hữu cả năng lực kinh tế và các công cụ mềm để hỗ trợ khu vực”, ông Roland Simbulan – chuyên gia về quan hệ Mỹ – Philippines – nhận định.

Trước đó, vào tháng 12/2020, công ty China Harbour Engineering (Trung Quốc) đã trúng thầu giai đoạn đầu của tuyến đường sắt dài 71km nối Subic và Clark, vốn là hai căn cứ quân sự cũ của Mỹ. Tuy nhiên, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc không xử lý đơn xin vay vốn của chính phủ Philippines dù được gửi từ năm 2021. Đến giữa năm 2022, Bộ trưởng Tài chính Philippines khi đó tuyên bố đề xuất vay vốn coi như “bị rút lại”.

Nguồn tin từ chính phủ cựu Tổng thống Duterte tiết lộ, một trong những nguyên nhân khiến dự án đình trệ là lo ngại từ quân đội và giới chức Philippines về các rủi ro an ninh quốc phòng, do tuyến đường đi qua nhiều vị trí nhạy cảm – bao gồm ba cơ sở quân sự quan trọng như Doanh trại O’Donnell, Fort Magsaysay và Căn cứ Không quân Basa.

Người phát ngôn quân đội Philippines từ chối bình luận về tác động an ninh, nhưng khẳng định lực lượng vũ trang cam kết ủng hộ các nỗ lực phát triển hạ tầng theo đúng sứ mệnh đảm bảo hòa bình và phát triển.

Theo kế hoạch mới, tuyến SCMB sẽ chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa, kéo dài tới cảng Batangas và thủ đô Manila – gần gấp 3 lần so với chiều dài đề xuất ban đầu từ phía Trung Quốc.

Ông Ron Acoba – chiến lược gia đầu tư tại Philippines – nhận định tuyến đường này sẽ giúp giảm chi phí vận tải, kích thích thương mại, giảm ùn tắc giao thông và tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa trên những khoảng cách xa.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ chính trị khi chính phủ kế nhiệm vào năm 2028 có thể đảo ngược dự án – điều từng xảy ra với nhiều dự án hạ tầng lớn tại Philippines trong quá khứ.

Ông Jonathan Ravelas – cựu chiến lược gia thị trường của ngân hàng BDO – gọi đây là “dự án mang tính chuyển đổi”, với tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố quan hệ an ninh – chiến lược với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh các rủi ro dài hạn như thiếu vốn, chi phí bảo trì cao và khả năng chậm tiến độ có thể đe dọa tính bền vững của dự án.

“Hạ tầng quy mô lớn nếu không được quy hoạch cẩn thận sẽ có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái và cộng đồng,” ông Ravelas cảnh báo.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật