spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếUkraine chặn nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu, Slovakia cảnh...

Ukraine chặn nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu, Slovakia cảnh báo hậu quả

Ukraine đã ngừng cho phép vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua lãnh thổ nước này sau khi thỏa thuận với Moscow chính thức hết hạn hôm nay (1/1).

Theo CNN, việc Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển, dẫn đến đình chỉ hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga thông qua tuyến đường ống chạy qua Ukraine đến châu Âu là động thái được dự đoán từ lâu và mang tính biểu tượng sau gần 3 năm xung đột toàn diện giữa hai nước. Động thái diễn ra sau khi châu Âu đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ xứ sở bạch dương.

Bộ Năng lượng Ukraine giải thích việc chấm dứt thỏa thuận “vì lợi ích an ninh quốc gia” và mô tả đây là quyết định “mang tính lịch sử”.

tram khai thac khi dot Nga.jpg
Mỏ khí đốt của tập đoàn Gazprom ở Kovykta, Siberia, Nga. Ảnh: Sputnik

Trong một thông cáo mới đăng tải trên kênh Telegram, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đã xác nhận việc chấm dứt cung cấp khí đốt trung chuyển qua Ukraine vào lúc 8h giờ Moscow (12h giờ Việt Nam) ngày 1/1, do thỏa thuận quan trọng được ký kết từ ngày 30/12/2019 đã hết hạn và Kiev không nhất trí gia hạn.

Năm ngoái, Gazprom lần đầu tiên ghi nhận lỗ sau hơn 20 năm (6,9 tỷ USD) do doanh số bán hàng sang châu Âu sụt giảm vì các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Điều đó xảy ra bất chấp những nỗ lực của tập đoàn nhằm tìm kiếm bạn hàng mới và thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các chuyên gia lưu ý, Ukraine hiện phải đối mặt với việc mất 800 triệu USD/năm tiền phí trung chuyển từ Nga, trong khi Gazprom dự kiến sẽ thất thu gần 5 tỷ USD tiền bán khí đốt.

Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, Bỉ, thỏa thuận đã hết hạn liên quan đến khoảng 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và chủ yếu cung cấp cho Áo, Hungary và Slovakia. Khi thỏa thuận không còn hiệu lực, châu Âu hiện sẽ chỉ nhận khí đốt xuất khẩu từ Nga thông qua một tuyến đường duy nhất là đường ống Turkstream chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và đến Bulgaria, Serbia và Hungary.

Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng trấn an về tác động của việc mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Phát ngôn viên EC nhấn mạnh, EU đã chuẩn bị cho việc này từ trước đó và đã sắp xếp các tuyến cung cấp thay thế.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày đầu năm mới 2025, Thủ tướng Slovakia Robert Fico bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến mới, chỉ trích “sự ích kỷ và các mục tiêu chính trị vô nghĩa” bên trong EU khiến nhu cầu của các quốc gia thành viên nhỏ như đất nước của ông bị phớt lờ. Đài RT dẫn lời ông Fico cảnh báo, động thái trên sẽ dẫn đến giá khí đốt và điện cao hơn ở châu Âu.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật