Sau nhiều ngày thị trường ngoại hối châu Á rung lắc dữ dội, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cứng rắn: Không để đồng nhân dân tệ tăng giá quá nhanh so với đồng USD. Động thái này đã góp phần ổn định tâm lý giới giao dịch và làm dịu đà tăng nóng của các đồng tiền trong khu vực.
Trong phiên giao dịch đầu tuần sau kỳ nghỉ lễ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng nhân dân tệ ở mức 7,2008 – gần như không đổi so với trước kỳ nghỉ. Động thái này được xem là phản ứng trực tiếp nhằm ngăn đà tăng của nhân dân tệ ở thị trường quốc tế – đặc biệt sau khi đồng USD suy yếu mạnh trong khu vực.
Việc Bắc Kinh kiên quyết giữ ổn định tỷ giá được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp hạn chế biến động mạnh của các đồng tiền châu Á khác, bởi với quy mô nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng nhân dân tệ đóng vai trò “mỏ neo” cho toàn khu vực.
“Họ không muốn để nhân dân tệ tăng giá quá sớm chỉ vì kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại có thể còn xa vời. Việc giữ ổn định tỷ giá của Trung Quốc sẽ giúp kiềm chế xu hướng tăng giá của các đồng tiền châu Á khác”, ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ, nhận định.

Đài Loan (Trung Quốc) và các Ngân hàng Trung ương khu vực vào cuộc
Hôm 5/5, Đài tệ (TWD) ghi nhận mức tăng tới 5% so với đồng USD – cú tăng mạnh nhất kể từ thập niên 1980. Tuy nhiên, sang ngày 6/5, đồng tiền này đã giảm nhẹ trong bối cảnh đà tăng của các đồng tiền châu Á đồng loạt chững lại.
Tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ giao dịch trong nước tăng khoảng 0,7% – chủ yếu là do phản ứng bù đắp sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, nhân dân tệ ở thị trường quốc tế lại giảm nhẹ, phản ánh tác động từ quyết định giữ tỷ giá của PBOC.
Ngân hàng Trung ương Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã can thiệp để làm chậm đà tăng của nội tệ, đồng thời cảnh báo các nhà đầu cơ “thiếu trách nhiệm”. Trong khi đó, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông đã bán ra đồng đô la Hồng Kông để duy trì biên độ giao dịch ổn định.
Những biến động gần đây phần nào xuất phát từ đồn đoán về các thỏa thuận thương mại với Mỹ, trong đó có suy đoán rằng Đài Loan (Trung Quốc) có thể chấp nhận để đồng tiền tăng giá nhằm đổi lấy lợi thế trong đàm phán.