spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếVấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất trong cuộc tranh luận...

Vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và bà Harris

Thay vì tập trung vào việc đánh thuế nặng vào hàng Trung Quốc như ông Trump, Phó Tổng thống Kamala Harris muốn đưa nước Mỹ cạnh tranh hơn trên đường đua thế kỷ 21 trong lĩnh vực AI và điện toán lượng tử.

Trong cuộc tranh luận kéo dài 1 giờ 45 phút tối thứ Ba (10/9 giờ Mỹ, sáng 11/9 giờ Việt Nam), Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump bất đồng gay gắt nhất về chính sách đối với Trung Quốc.

Cuộc tranh luận do ABC News tổ chức được xem là cơ hội duy nhất để hai ứng cử viên đối đầu trực tiếp trước cuộc bầu cử sắp tới. Ứng cử viên đảng Dân chủ, bà Kamala Harris liên tục thách thức đối thủ là ông Trump trong suốt cuộc tranh luận, và Cựu Tổng thống Trump cũng không ngần ngại đáp trả.

Vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và bà Harris - ảnh 1
Ông Donald Trump (ứng viên của đảng Cộng hòa) và bà Kamala Harris (ứng viên đảng Dân chủ) đã bắt tay và chào nhau trước khi bắt đầu buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên.

Bà Harris đề xuất chiến lược tăng cường cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử. Quan điểm này trái ngược hoàn toàn với chính sách áp thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc của ông Trump.

Bảo vệ lập trường của mình, Trump công bố kế hoạch áp thuế toàn diện 10-20% và thuế bổ sung 60-100% đối với Trung Quốc nếu tái đắc cử. Ông nhấn mạnh: “Sau 75 năm, các nước khác sẽ phải trả lại cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đã làm cho thế giới. Mức thuế quan sẽ rất đáng kể”. Trump còn khẳng định chính quyền của ông đã thu được “hàng tỷ USD” từ Trung Quốc.

Cựu Tổng thống cũng chỉ ra rằng chính quyền Biden-Harris vẫn duy trì phần lớn thuế quan của ông đối với Trung Quốc, lập luận: “Họ không bao giờ gỡ bỏ thuế quan, vì số tiền đó quá lớn. Họ không thể, nó sẽ phá hủy hoàn toàn mọi thứ họ đã đặt ra”.

Đáp lại lo ngại về tác động của thuế quan lên giá tiêu dùng, đặc biệt là với các mặt hàng có Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, ông Trump khẳng định: “Điều gì sẽ xảy ra và ai sẽ có giá cao hơn là Trung Quốc và tất cả các quốc gia đã lừa đảo chúng ta trong nhiều năm”. Ông còn nhấn mạnh đến lòng tự hào của tầng lớp lao động Mỹ đã bị tổn thương sâu sắc trong quá trình toàn cầu hóa.

Trước kế hoạch trên, bà Harris phản bác, cho rằng chính quyền dưới thời Trump yếu thế trước Trung Quốc và cảnh báo về hậu quả lâu dài của các chính sách mà ông và Đảng Cộng hòa theo đuổi.

“Dưới thời Trump, Mỹ đã bán chip cho Trung Quốc, giúp họ hiện đại hóa quân đội và nền kinh tế,” bà Harris nhấn mạnh, ám chỉ đến nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến cho đối thủ.

Phó Tổng thống cũng chỉ trích: “Ông Trump về cơ bản đã bán đứng chúng ta. Chính sách đối với Trung Quốc phải đảm bảo Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thế kỷ 21.”

Bà đề xuất chiến lược tập trung vào quan hệ đồng minh và đầu tư vào công nghệ Mỹ: “Chúng ta cần thắng cuộc đua về AI, máy tính lượng tử, và hỗ trợ lực lượng lao động Mỹ.”

Theo các chuyên gia kinh tế và chính sách trả lời bình luận trên đài CNBC, chính sách kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai có thể sẽ tập trung vào thuế quan nặng nề và càng làm cho chuỗi cung ứng thế giới đứt gãy bởi những biện pháp phòng hộ thương mại. Ngược lại, bà Harris được dự đoán sẽ ưu tiên các biện pháp hạn chế có mục tiêu, phối hợp chặt chẽ với đồng minh của Mỹ để gia tăng sức cạnh tranh trước Trung Quốc.

Theo CNBC

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật