spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếVì sao Trung Quốc liên tục gom vàng bất chấp giá cao?

Vì sao Trung Quốc liên tục gom vàng bất chấp giá cao?

Bất chấp giá vàng thế giới tăng kỷ lục, Trung Quốc vẫn tiếp tục gom vàng. Vậy, điều gì đứng sau ‘cơn khát’ vàng của Trung Quốc?

Theo Newsweek, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, giới đầu tư ngày càng củng cố niềm tin vào vị thế trú ẩn an toàn lâu dài của vàng. Điều này khiến giá vàng hiện vượt xa những dự báo trước đó của nhiều nhà phân tích. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng phi mã và liên tục thiết lập các kỷ lục mới.

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu mua vào mạnh mẽ từ thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, chính là động lực chủ yếu thúc đẩy giá vàng thế giới tăng trong những năm gần đây.

Ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại BullionVault, cho biết, nhu cầu vàng từ Trung Quốc đang tăng đột biến, thể hiện rõ qua khối lượng giao dịch sôi động trên cả Sàn giao dịch vàng Thượng Hải và Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải.

Đồng quan điểm, ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia cấp cao thị trường tại Hội đồng Vàng thế giới (WGC), cho rằng các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm cách giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh thị trường liên tục biến động.

gia vang trung quoc .jpg
Trung Quốc liên tục gom mua vàng. Ảnh: NW

“Hoạt động mua vào mạnh mẽ từ Trung Quốc đã trực tiếp đẩy giá vàng lên cao, dòng tiền đổ vào vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục”, ông Cavatoni nói.

Theo ông Cavatoni, các nhà đầu tư tư nhân và tổ chức nhà nước của Trung Quốc đã duy trì hoạt động mua vàng tích cực trong suốt 15 năm qua.

Tuy nhiên, nhu cầu kim loại quý đặc biệt tăng mạnh gần đây, trùng với giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc trở thành tâm điểm trong nỗ lực của Mỹ nhằm tái định hình thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Washington.

Cavatoni nhận định, việc nắm giữ vàng giúp Bắc Kinh giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Mỹ trong các hoạt động thương mại, thanh toán và đầu tư.

Ông Adrian Ash nói thêm, việc Trung Quốc tăng cường mua vàng còn là nỗ lực nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn từ các chính sách của Mỹ và củng cố chủ quyền kinh tế của quốc gia.

Dữ liệu từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy nhu cầu vàng thỏi và tiền vàng đã tăng tới 30% chỉ trong quý đầu tiên của năm nay. Tình hình địa chính trị phức tạp và những bất ổn kinh tế toàn cầu đã biến vàng trở thành một tài sản phòng ngừa rủi ro và bảo toàn giá trị được ưa chuộng.

Đáng chú ý, giá vàng giao ngay đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần trước khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có phần dịu bớt.

Mặc dù khó có thể xác định chính xác con số dự trữ vàng của chính phủ Trung Quốc, ông Ash nhận định đây là một yếu tố quan trọng. Theo WGC, dự trữ chính thức của Trung Quốc tính đến tháng 3/2025 là khoảng 2.292 tấn vàng. Tuy nhiên, một số chuyên gia suy đoán con số thực tế có thể vượt quá 30.000 tấn.

Bên cạnh việc tích cực mua vàng, Trung Quốc còn tăng cường sử dụng các công cụ tài chính như quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Ông Joseph Cavatoni cho biết, trong khoảng 6 tỷ USD dòng tiền vào các quỹ ETF vàng tại châu Á trong 3 tuần đầu tháng Tư, riêng Trung Quốc đã chiếm tới 5,8 tỷ USD.

Peter Schiff, nhà đầu tư vàng kỳ cựu, nhận định Trung Quốc sẽ chuyển tiền ra khỏi USD, trái phiếu kho bạc Mỹ. Họ mua thêm vàng, đồng euro, bảng Anh, trái phiếu chính phủ Đức và châu Âu.

Trước đà tăng mạnh mẽ của giá vàng, các tổ chức tài chính lớn cũng đã điều chỉnh dự báo của mình. Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể đạt mức 3.700 USD/ounce vào cuối năm nay. JPMorgan thậm chí còn đưa ra con số trên 4.000 USD/ounce vào quý II/2026.

>> Trung Quốc rốt ráo gom vàng

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật