Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, các hoàng đế thường có tam cung lục viện. Thế nhưng, có một vị vua đi ngược hoàn toàn với lối sống ấy – đó là Minh Hiếu Tông, hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Minh. Ông là một bậc đế vương hiếm có khi chung thủy trọn đời với một người phụ nữ duy nhất: Hoàng hậu Trương thị.
Vua Minh Hiếu Tông, tên thật là Chu Hựu Đường, sinh năm 1470 và là con trai của Minh Hiến Tông. Ông lên ngôi năm 1487 và trị vì suốt 18 năm (1487–1505). Ông được ghi nhận là vị vua có đạo đức, sống giản dị, liêm khiết và gần gũi với quần thần.

Mặc dù trị vì không quá dài, nhưng Minh Hiếu Tông đã có những chính sách cải cách thực tế, lấy dân làm gốc. Ông thi hành chính sách tiết kiệm, khuyến khích học hành, chấn chỉnh lại bộ máy quan lại vốn có phần suy tàn. Cụ thể, ông đã kiên quyết bài trừ nạn tham nhũng, xử lý nghiêm những quan lại lộng quyền. Các thái giám vốn lũng đoạn triều đình cũng bị hạn chế quyền lực còn những người hiền tài được trọng dụng.
Điều khiến Minh Hiếu Tông đặc biệt nhất là ông cả đời chỉ lấy một vợ duy nhất, đó là Trương hoàng hậu. Ngay cả khi đã là hoàng đế nắm quyền tối thượng, ông vẫn không nạp thêm cung tần mỹ nữ – một chuyện hiếm thấy trong lịch sử các triều đại Trung Hoa.

Minh sử chép lại rằng, hoàng hậu Trương thị là người hiền lành, hiểu đạo. Minh Hiếu Tông tôn trọng và yêu thương bà trọn đời. Ngay cả khi đại thần nhiều lần can gián, đề nghị nhà vua tuyển thêm cung nữ để “nối dõi tông đường” và “tỏ rõ uy quyền thiên tử”, ông vẫn nhất mực từ chối.
Minh Hiếu Tông qua đời năm 1505, thọ 36 tuổi. Sau khi ông mất, con trai duy nhất của ông với Trương hoàng hậu – Chu Hậu Chiếu – kế vị, trở thành Minh Vũ Tông. Dù trị vì không quá dài nhưng Minh Hiếu Tông để lại dấu ấn lớn trong lịch sử nhà Minh với hình ảnh một vị vua công minh – tiết kiệm – trọng đạo lý – thủy chung. Ông được hậu thế ca ngợi là một vị minh quân.
>> Trung Quốc bất ngờ miễn thuế 1/4 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, danh sách hơn 130 mặt hàng