Dự án xe điện (EV) lớn tại Indonesia của hãng BYD (Trung Quốc) hiện đang đối mặt với những gián đoạn bị cho là do các nhóm người dân địa phương (hay còn gọi là ormas) gây ra, làm dấy lên lo ngại về môi trường đầu tư tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Phó Chủ tịch Hội đồng Tham vấn Nhân dân Indonesia (MPR), ông Eddy Soeparno mới đây đã lên tiếng trên mạng xã hội bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về hành vi của các nhóm này.
Theo ông Eddy, những hành vi gây rối của các nhóm ormas đã cản trở việc xây dựng nhà máy của BYD tại thị trấn Subang, tỉnh Tây Java, Indonesia. Vị Phó Chủ tịch MPR kêu gọi Chính phủ “xứ sở vạn đảo” có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái đầu tư.
BYD được coi là “Vua xe điện Trung Quốc”. Đây là thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại “đất nước tỷ dân” kể từ năm 2023, sau khi vượt qua Volkswagen – hãng đã giữ danh hiệu này kể từ khi ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được tự do hóa. BYD cũng là nhà sản xuất ô tô có giá trị lớn thứ 3 trên thế giới dựa trên vốn hóa thị trường.
Vừa gia nhập thị trường Indonesia vào năm ngoái, BYD hiện đang xây dựng một cơ sở sản xuất quy mô lớn tại khu công nghiệp thông minh Subang Smartpolitan. Công ty Trung Quốc này đã mua một khu đất rộng 126 ha để phát triển nhà máy với công suất lên đến 150.000 xe điện mỗi năm.
Bộ Đầu tư Indonesia đã cam kết điều tra vụ việc BYD bị gián đoạn dự án xe điện lớn kể trên vì các nhóm ormas gây rối. Ông Nurul Ichwan, Phó Trưởng ban Xúc tiến Đầu tư thuộc Bộ này cho biết Chính phủ đang trực tiếp làm việc với ban lãnh đạo BYD để hiểu rõ hơn về tình hình.
“Những hành vi đe dọa và tống tiền này không chỉ gây gián đoạn mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của Indonesia trên trường quốc tế với tư cách là một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn”, ông Nurul phát biểu với báo giới tại Jakarta hôm thứ Tư (23/4).
Vị quan chức này còn cảnh báo rằng nếu các báo cáo là chính xác, một lực lượng đặc nhiệm của Chính phủ sẽ được triển khai để xử lý vấn đề nhanh chóng.
>> Chưa bán được xe nào, showroom hãng xe điện Trung Quốc tại Việt Nam đột ngột đóng cửa
“Chúng ta không thể để nhà đầu tư rút lui khỏi Indonesia, từ bỏ dự án và đóng lại cánh cửa việc làm cho hàng nghìn người dân có thể được tuyển dụng tại đó”, ông Nurul nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Khu Công nghiệp Indonesia (HKI), những sự việc như vậy do các nhóm cư dân địa phương gây ra đã khiến đất nước này thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ rupiah từ các khoản đầu tư không thành hiện thực. Các nhóm này được biết đến với các hành động tai tiếng như chặn đường vào công trường, tổ chức biểu tình và yêu cầu kiểm soát các dịch vụ như vận tải, ăn uống và mua sắm.
Theo Jakarta Globe