spot_img
26.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếVượt Mỹ, láng giềng Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu thế...

Vượt Mỹ, láng giềng Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu thế giới về quy mô điện hạt nhân

Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Bắc Kinh đang tăng tốc mở rộng hạt nhân cả về công nghệ lẫn hợp tác quốc tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ.

Lần đầu tiên, Trung Quốc chính thức trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tổng quy mô điện hạt nhân.

Quốc gia này hiện có 102 lò phản ứng gồm cả đang hoạt động, đang xây dựng và đã được phê duyệt xây mới. Tổng công suất lắp đặt đạt 113 triệu kW, theo Báo cáo Phát triển Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc năm 2025 do Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA) công bố.

Dù vậy, Mỹ vẫn giữ vị trí số một về số lượng lò phản ứng đang vận hành, với 94 lò so với con số 58 lò của Trung Quốc.

Trong năm 2024, sản lượng điện hạt nhân tích lũy của Trung Quốc đạt 444,7 tỷ kWh, tương đương 4,72% tổng sản lượng điện quốc gia và cao thứ 2 toàn cầu. Nhờ đó, nước này cắt giảm được khoảng 334 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Vượt Mỹ, láng giềng Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu thế giới về quy mô điện hạt nhân - ảnh 1
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về quy mô điện hạt nhân. Ảnh: Global Times

Trung Quốc có 28 lò phản ứng đang được xây dựng tính đến cuối năm ngoái, đồng thời dẫn đầu thế giới trong 18 năm liên tiếp về công suất lắp đặt lò mới. Với tốc độ hiện tại, CNEA dự báo nước này sẽ vượt Mỹ về công suất lò đang vận hành trước năm 2030.

Một trong những bước tiến quan trọng trong năm 2024 là việc Trung Quốc đã nội địa hóa hoàn toàn các thiết bị chính cho điện hạt nhân, cũng như làm chủ công nghệ những bộ phận cốt lõi. Tổng cộng 114 bộ thiết bị do trong nước sản xuất đã được bàn giao – gấp đôi so với năm 2023.

Theo ông Cao Shudong, phó Chủ tịch điều hành CNEA, Trung Quốc tiếp tục gặt hái các thành tựu trong nghiên cứu và phát triển độc lập. Tổ máy số một của Guohe One – dự án khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia – đã chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó, dự án Linglong One dự kiến hoàn thành và phát điện vào năm 2026.

Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đang mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện hạt nhân, bao gồm tăng cường phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), mở cửa 12 cơ sở nghiên cứu và nền tảng thí nghiệm cho cộng đồng khoa học toàn cầu. Mối quan hệ hợp tác với các đối tác như Nga, Pháp và nhiều nước khác cũng ngày càng sâu rộng.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu, nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng và sự bùng nổ trung tâm dữ liệu, ngành điện hạt nhân toàn cầu đang bước vào chu kỳ phát triển mới.

Ông Dong Baotong, người đứng đầu Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, nhận định ngành này tại Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cao điểm của quá trình mở rộng quy mô. Ông nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lò phản ứng.

Được biết Trung Quốc khởi động chiến lược dài hạn về phát triển điện hạt nhân từ năm 2011. Viện Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho hay, để đạt mục tiêu trung hòa carbon, nước này cần nâng tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng cơ cấu năng lượng lên 28% vào năm 2050 – so với mức chỉ 5% của năm 2022. Điều đó đồng nghĩa công suất lắp đặt phải tăng lên 554GW trong vòng 25 năm tới.

Theo Global Times

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật