spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếVượt Trung Quốc, Đông Nam Á sắp có cảng container tự động...

Vượt Trung Quốc, Đông Nam Á sắp có cảng container tự động hóa lớn nhất thế giới, sử dụng hoàn toàn đội xe tự lái chạy 24/7

Singapore đang tham vọng trở thành cảng container số 1 thế giới với dự án trung tâm logistics tự động hóa toàn phần tích hợp AI đầu tiên toàn cầu, dự kiến hoàn thành vào thập kỷ 2040 với công suất xử lý lên tới 65 triệu TEU/năm.

Theo Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore (MPA), siêu dự án Tuas Port đang được triển khai tại khu vực phía tây đảo quốc với tham vọng trở thành “cảng của tương lai”. Dự án này sẽ tích hợp toàn bộ các cảng hiện có của Singapore thành một trung tâm logistics hoàn toàn tự động hóa với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Vượt Trung Quốc, Đông Nam Á sắp có cảng container tự động hóa lớn nhất thế giới, sử dụng hoàn toàn đội xe tự lái chạy 24/7 - ảnh 1
Dự thảo quy hoạch cảng Tuas, Singapore

Từ một đảo quốc nhỏ bé, Singapore đã vươn lên thành trung tâm thương mại quốc tế từ thế kỷ 19 nhờ vị trí chiến lược nối liền Đông – Tây. Hiện nay, Singapore đóng vai trò then chốt trong việc trung chuyển hàng hóa từ các tàu cỡ nhỏ trong khu vực lên những tàu lớn hơn để vận chuyển đến châu Âu và Mỹ.

Số liệu mới nhất từ MPA cho thấy Singapore đã xử lý khối lượng container kỷ lục 41,12 triệu TEU trong năm 2024, tăng 5% so với năm trước, củng cố vị thế cảng container lớn thứ hai thế giới. Dù hiện đang đứng sau Thượng Hải với 50 triệu TEU, dự án Tuas dự kiến sẽ nâng công suất xử lý của Singapore lên 65 triệu TEU vào những năm 2040.

Bên cạnh mục tiêu mở rộng quy mô, dự án còn chú trọng đến các thách thức mới trong ngành cảng biển như vấn đề môi trường, an ninh mạng và chuyển đổi số. Một trong những ưu tiên hàng đầu là tối ưu hóa vận hành cảng với số lượng nhân lực tối thiểu, đồng thời tăng cường khả năng phòng chống tấn công mạng.

Tại trung tâm điều hành hiện đại gần cảng Tuas, đội ngũ kỹ thuật viên giám sát và điều khiển phương tiện, cần trục thông qua hệ thống màn hình – một trong số ít công việc còn đòi hỏi sự tham gia của con người. MPA đang tiến hành triển khai “Hệ thống quản lý giao thông tàu thuyền thế hệ mới” tích hợp AI và công nghệ vệ tinh để theo dõi tình hình giao thông thời gian thực.

Vượt Trung Quốc, Đông Nam Á sắp có cảng container tự động hóa lớn nhất thế giới, sử dụng hoàn toàn đội xe tự lái chạy 24/7 - ảnh 2
Một hệ thống mới sử dụng dữ liệu vệ tinh để hiển thị vị trí tàu trong cảng, được mã hóa màu trên màn hình tại cảng Tuas

Khảo sát thực địa gần đây tại cảng Tuas cho thấy một không gian vận hành gần như vắng bóng người vào giờ cao điểm, thay vào đó là sự hiện diện của đội xe tự hành màu vàng đang hoạt động liên tục.

Các phương tiện AGV (Automated Guided Vehicle) này được trang bị công nghệ điều khiển từ xa, có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 25km/h. Hệ thống định vị RFID tích hợp cho phép các phương tiện liên lạc với mạng lưới bộ chuyển mạch ngầm, đảm bảo theo dõi chính xác vị trí theo thời gian thực.

PSA International – đơn vị vận hành cảng Tuas được chính phủ Singapore hậu thuẫn – cho biết mỗi phương tiện tự hành có thể hoạt động liên tục từ 6-8 giờ sau khi sạc pin chỉ 20 phút tại các trạm sạc tự động trong cảng. Hệ thống sạc hoàn toàn tự động này góp phần đảm bảo hoạt động của cảng 24/7.

“PSA cam kết phát triển năng lực và công nghệ mới nhằm củng cố vị thế của Singapore như một mắt xích quan trọng trong chuỗi thương mại toàn cầu và là trung tâm hàng hải quốc tế hàng đầu được lựa chọn”, ông Nelson Quek, Tổng giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của PSA khẳng định.

Trong bối cảnh làn sóng tự động hóa đang lan rộng tại các cảng biển trên thế giới, cảng Tuas đang từng bước khẳng định vị thế tiên phong với quy mô tự động hóa lớn nhất toàn cầu, đặc biệt sau khi Singapore hoàn tất kế hoạch tích hợp toàn bộ hoạt động từ các cảng hiện hữu về đây.

Vượt Trung Quốc, Đông Nam Á sắp có cảng container tự động hóa lớn nhất thế giới, sử dụng hoàn toàn đội xe tự lái chạy 24/7 - ảnh 3
Xe tự hành màu vàng chở hàng khắp Cảng Tuas 24/7

Ngày 1/10/2024, Singapore đã công bố chiến lược kỹ thuật số quốc gia Smart Nation 2.0, kế hoạch tổng thể đầu tiên sau 10 năm kể từ năm 2014. Tại sự kiện ra mắt, Chính phủ đã trình diễn hệ thống theo dõi vệ tinh tiên tiến, cho phép giám sát vị trí và phân loại tàu thuyền trong cảng theo thời gian thực. Công nghệ AI được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả định vị, phòng tránh ùn tắc và tối ưu hóa luồng di chuyển của tàu thuyền.

Song song với mục tiêu số hóa, Singapore cũng đặt tham vọng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi sang các thiết bị điện như AGV có thể giúp cắt giảm tới 50% lượng khí thải carbon so với động cơ diesel truyền thống.

Trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, PSA đã tái cơ cấu bộ phận đầu tư mạo hiểm vào tháng 1/2024, tập trung vào việc thương mại hóa sở hữu trí tuệ thông qua hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và startup công nghệ.

Chính phủ Singapore những năm qua đặc biệt quan tâm việc duy trì vị thế trung tâm tài chính và thương mại đối với một quốc gia thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên như Singapore. “Tuas sẽ là cảng của tương lai”, cựu Thủ tướng Lý Hiển Long từng nhấn mạnh tại lễ khánh thành giai đoạn đầu của dự án vào năm 2022.

Trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông và xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, các cảng biển Đông Nam Á đang thu hút sự chú ý ngày càng lớn. Nhiều quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Indonesia cũng đang tích cực mở rộng cơ sở hạ tầng cảng biển và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ.

Tham khảo Nikkei Asia

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật