Tập đoàn Xiaomi xác nhận một chiếc xe điện SU7 do hãng sản xuất đã gặp tai nạn nghiêm trọng trên đường cao tốc tỉnh An Huy, Trung Quốc, khiến ba người thiệt mạng. Sự cố xảy ra ngày 29/3 đang làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của phần mềm hỗ trợ lái tự động – công nghệ đang được triển khai rộng rãi trên nhiều dòng xe hiện nay.

Theo thông báo đăng tải trên tài khoản Weibo chính thức, hệ thống hỗ trợ lái nâng cao (ADAS) của xe đã được kích hoạt chưa đầy 20 phút trước khi tai nạn xảy ra. Xe phát cảnh báo vì phát hiện tài xế không giữ vô lăng, sau đó thêm một cảnh báo về chướng ngại vật trên đường được gửi đi. Dù tài xế đã ngay lập tức lấy lại quyền điều khiển, chiếc xe sau đó đã đâm vào một cột xi măng với tốc độ 97 km/giờ.
Thông tin ban đầu từ Xiaomi cho thấy chiếc xe đang ở chế độ lái xe hỗ trợ thông minh Navigate on Autopilot trước khi xảy ra tai nạn và di chuyển với tốc độ 116 km/h (72 dặm/h).
Truyền thông địa phương cho biết, sau va chạm, chiếc xe bốc cháy dữ dội, chỉ còn một số bộ phận như khung thép còn nguyên vẹn. Ngay sau vụ việc, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường và mở cuộc điều tra.
Cổ phiếu của Xiaomi đã giảm tới 6,1% trong phiên giao dịch tại Hồng Kông sau thông tin vụ tai nạn. Tính từ sau đợt phát hành cổ phiếu trị giá 5,5 tỷ USD hồi tuần trước nhằm mở rộng mảng xe điện, mã cổ phiếu này đã mất gần 18% giá trị.

Ông Shen Meng, Giám đốc công ty Chanson & Co. (Bắc Kinh), nhận định: “Nhà đầu tư có thể đang lo ngại về năng lực cạnh tranh và triển vọng tăng trưởng của Xiaomi sau sự cố lần này. Tác động tâm lý từ đợt phát hành cổ phiếu cũng góp phần làm gia tăng áp lực lên giá cổ phiếu.”
Công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến hiện nay, dù được thiết kế nhằm tăng cường an toàn, vẫn yêu cầu tài xế phải giữ tay trên vô lăng và liên tục chú ý đến tình hình giao thông. Tuy nhiên, vụ tai nạn mới đây làm dấy lên lo ngại rằng một số người đang quá phụ thuộc vào hệ thống này, dẫn đến sự chủ quan và thiếu cảnh giác khi điều khiển phương tiện.
Trước đó, Tesla Inc. – một trong những hãng tiên phong trong lĩnh vực xe tự lái – đã nhiều lần đối mặt với các cuộc điều tra tại Mỹ liên quan đến hệ thống tự động hóa một phần được tiếp thị là “Full Self-Driving”. Nhiều vụ tai nạn, trong đó có cả tai nạn chết người, đã khiến giới chức và công chúng đặt câu hỏi về độ tin cậy của công nghệ này.
Tại Trung Quốc, Tesla cũng từng dính líu đến các vụ tai nạn nghiêm trọng. Đáng chú ý là vụ việc năm 2021 tại triển lãm ô tô Thượng Hải, khi một chủ xe đã trèo lên nóc một chiếc xe trưng bày và tố cáo hệ thống phanh bị lỗi, suýt gây nguy hiểm đến tính mạng gia đình cô.
Về phần mình, Xiaomi – vốn nổi tiếng trong lĩnh vực điện thoại thông minh – đã nhanh chóng tạo tiếng vang khi gia nhập thị trường xe điện. Chỉ trong thời gian ngắn, mẫu xe SU7 đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng. Tháng trước, hãng công bố nâng mục tiêu doanh số năm 2025 lên 350.000 xe – một mục tiêu tham vọng lớn trong lĩnh vực mới.
Tham khảo BNN, Reuters