Ngày nay, những người muốn tác động đến mật nghị chuyển sang dùng mạng xã hội, truyền hình, phỏng vấn báo chí, họp báo, gửi thư ngỏ, thậm chí cả những làn khói hồng để truyền đi thông điệp của mình.
![]() |
Một số hồng y tham dự buổi cầu nguyện trên Quảng trường Thánh Peter, ngày 3/5. (Ảnh: AP) |
Chiến dịch nhằm tác động đến kết quả của mật nghị bắt đầu chỉ vài phút sau khi có thông báo Giáo hoàng Francis qua đời. Các chiến dịch đó sẽ phải kết thúc vào chiều 7/5, khi các hồng y sẽ bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài cho đến khi họ chọn ra người kế nhiệm.
Có hai sự việc nổi bật cho thấy đã có những nỗ lực gây bất lợi cho các ứng viên hàng đầu bằng chiêu trò mờ ám.
Tuần trước, trên mạng xã hội Công giáo cánh hữu tại Mỹ và một tờ báo bảo thủ tại Ý xuất hiện tin đồn Hồng y Pietro Parolin – một trong những ứng viên nổi bật trong danh sách rút gọn – đang gặp vấn đề về sức khỏe và cần điều trị.
Người phát ngôn Vatican khẳng định tin này hoàn toàn sai sự thật. Báo chí Ý nhận định đây là một nỗ lực nhằm làm giảm cơ hội của vị hồng y 70 tuổi, bằng cách gây nghi ngờ về sức khỏe của ông.
“Đây rõ ràng là một âm mưu nhằm làm hại Hồng y Parolin”, Hồng y người Ý Francesco Coccopalmerio nói với một tờ báo địa phương.
Vài ngày sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video từ năm 2019, trong đó Hồng y Philippines Luis Antonio Tagle hát một phần bài “Imagine” của John Lennon.
Giới Công giáo bảo thủ ở Mỹ và Ý lập tức cáo buộc ông là dị giáo. Một trang truyền thống tại Ý thậm chí đặt câu hỏi: “Đây có phải là người mà chúng ta muốn trở thành giáo hoàng không?”
Những người ủng hộ Hồng y Tagle phản bác rằng ông chỉ hát phiên bản rút gọn, không có câu nói về “không thiên đường” hay “không tôn giáo”.
“Cả phe cánh hữu lẫn cánh tả đều đang tung tin giả về các ứng viên giáo hoàng tiềm năng”, nhà bình luận Vatican Paolo Rodari phát biểu trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thụy Sĩ RSI.
Khói đen, trắng và hồng
Hai nhà báo bảo thủ nổi tiếng Edward Pentin (người Anh) và Diane Montagna (người Mỹ) đã chuẩn bị một cuốn sách dày 200 trang, khổ lớn bằng tiếng Anh và tiếng Ý, mang tên Báo cáo về Hồng y Đoàn (The College of Cardinals Report).
Cuốn sách chứa hồ sơ về 30 hồng y, bao gồm quan điểm của họ về các vấn đề giáo lý và xã hội quan trọng. Montagna đã tận tay trao sách cho các hồng y khi họ ra vào các cuộc họp tiền mật nghị.
Pentin nói với Reuters rằng cuốn sách là “một sự phục vụ cho Giáo hội”, và việc đưa hồ sơ của một số hồng y cực kỳ bảo thủ – vốn được cho là không có cơ hội trúng cử – vào cuốn sách là để dành chỗ cho khả năng “có sự can thiệp thần linh” trong mật nghị.
Ở phía đối lập, nhóm Công giáo trẻ tiến bộ từ Bắc Âu đã viết thư ngỏ để kêu gọi các hồng y chọn một người tiếp nối chủ trương đổi mới của Giáo hoàng Francis, đề cao việc ngài “đã mở cánh cửa và phá vỡ những điều cấm kỵ”.
Để gây chú ý đến các vụ bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo hội, một số nhóm đã tổ chức họp báo tại Rome để nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng này chưa kết thúc và đánh giá hành động của một số hồng y cử tri.
Sau mỗi vòng bỏ phiếu trong mật nghị, nếu đã bầu được giáo hoàng, khói trắng sẽ bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine; nếu chưa, khói đen sẽ xuất hiện.
Hội nghị Phong chức Phụ nữ đang vận động phong chức linh mục cho phụ nữ. Nhóm này dự định tạo khói hồng từ một ngọn đồi gần Vatican vài giờ trước khi mật nghị bắt đầu.
“Loại phụ nữ khỏi mật nghị và khỏi chức thánh là tội lỗi và tai tiếng. Việc một nhóm đàn ông được phong chức họp kín để đưa ra quyết định hệ trọng về tương lai của Giáo hội là điển hình cho ‘câu lạc bộ của những ông già’”, Giám đốc điều hành Kate McElwee tuyên bố.
>> 200.000 người đến Vatican dự tang lễ Giáo hoàng Francis