Sau những căng thẳng leo thang vào tháng 5 với những tuyên bố đe dọa áp mức thuế quan cao ngất ngưởng, Mỹ và Trung Quốc đã tạm thời lùi khỏi “bờ vực chiến tranh thương mại”.
Tuy nhiên, thỏa thuận đình chiến hiện tại chỉ mang tính chất tạm thời và chưa thể giải quyết được những bất đồng căn bản đã làm xấu đi quan hệ Washington-Bắc Kinh từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Đến nay, khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện tại vẫn còn mờ mịt. Nguyên nhân chính xuất phát từ cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn giữa hai quốc gia, trong đó Mỹ coi sức mạnh kinh tế và công nghệ ngày càng gia tăng của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với vị thế “cường quốc số 1” toàn cầu.
Trong bối cảnh này, kịch bản khả thi nhất được đánh giá là một thỏa hiệp thận trọng, tập trung giải quyết những yêu cầu cấp thiết nhất. Mục tiêu là tạo ra tình huống “đôi bên cùng có lợi” với chế độ thuế quan không gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động thương mại song phương.
Những diễn biến nào đã xảy ra?
Cuộc chiến thương mại đã đạt đến đỉnh điểm vào tháng 4 khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức kỷ lục 145% – cao hơn đáng kể so với bất kỳ đối tác thương mại nào khác của Mỹ. Bắc Kinh không chậm trễ trong việc đáp trả, tăng thuế nhập khẩu từ Mỹ lên 125%.
Khi những tác động tiêu cực từ mức thuế “ngất ngưởng” này bắt đầu hiện rõ trên nền kinh tế hai nước, cả Washington và Bắc Kinh đều nhận ra sự cần thiết phải đối thoại. Thỏa thuận đình chiến được ký kết với thời hạn kéo dài đến giữa tháng 8, tạo không gian cho các cuộc đàm phán giải quyết bất đồng.
Theo thỏa thuận, Mỹ đã giảm đáng kể thuế nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn 30%, trong đó bao gồm: Thuế “có đi có lại” 10% – mức tương đương với hầu hết các đối tác thương mại khác của Mỹ, đồng thời là mức thuế 20% liên quan đến vấn đề fentanyl bất hợp pháp, được công bố từ đầu năm 2025.
Đáng chú ý, các mức thuế riêng biệt theo ngành mà chính quyền Trump áp dụng với tất cả đối tác thương mại – như thuế thép và linh kiện ô tô – vẫn được duy trì.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh đã cam kết áp dụng mức thuế tương hỗ, giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ xuống còn 10%. Đặc biệt, Trung Quốc tuyên bố sẽ tạm dừng hoặc hủy bỏ các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa Mỹ kể từ ngày 2/4.
Tuy nhiên, theo ước tính của The Economist, mức thuế trung bình thực tế trong năm nay vào khoảng 40%, do nhiều miễn trừ và điều chỉnh. Dù thấp hơn con số công bố, đây vẫn là mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 và vượt xa mức thuế Mỹ áp cho hầu hết các quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á.
Trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chịu thuế trung bình 11% — vốn đã tăng mạnh từ mức 3% vào năm 2016, trước khi ông bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên.

Một trong những điểm nóng trong đàm phán hiện nay là vấn đề xuất khẩu đất hiếm – nhóm nguyên liệu thô chiến lược được ứng dụng trong các công nghệ quan trọng như máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và tên lửa. Trung Quốc hiện đang nắm giữ vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu mặt hàng này.
Các quan chức Mỹ kỳ vọng Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục kiểm soát chặt việc cấp phép xuất khẩu, khiến Washington cáo buộc Bắc Kinh đang “bóp nghẹt” nguồn cung.
Bước đột phá đạt được vào tháng 6 với việc ký kết thỏa thuận khung, theo đó Trung Quốc cam kết cấp giấy phép xuất khẩu cho “các mặt hàng được kiểm soát” với điều kiện “đáp ứng các quy định theo luật định”.
Đổi lại, Mỹ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trả đũa nhằm vào hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong một số lĩnh vực, bao gồm:Etan (nguyên liệu sản xuất nhựa); Phần mềm chip và Động cơ phản lực.
Về khả năng giảm thuế quan đối với Trung Quốc trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, Mỹ vẫn có thể xem xét sẽ hạ bớt, đặc biệt nếu Washington công nhận nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kiểm soát dòng tiền liên quan đến fentanyl. Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản đó, mức thuế nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao trong tương lai gần.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hồi tháng 5 khẳng định trong một cuộc phỏng vấn truyền hình rằng mức thuế “không thể” giảm xuống dưới 10%.

Hàng loạt điểm nghẽn trong đàm phán Mỹ – Trung
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent kêu gọi tổ chức các cuộc họp định kỳ nhằm mở đường cho “những thảo luận vĩ mô hơn” giữa hai nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề gai góc vẫn chưa được giải quyết.
Một trong những căng thẳng chính là việc Trung Quốc mua dầu từ Nga và Iran – các nước đang bị Washington trừng phạt. Ông Bessent cảnh báo bất kỳ quốc gia nào mua dầu bị trừng phạt của Nga có thể đối mặt mức thuế phụ lên tới 100%.
Bên cạnh đó, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu cũng là một vấn đề khiến các nhà đàm phán phía Mỹ ‘đau đầu’. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã kêu gọi “tái cân bằng”, với một hình dung, thực chất là yêu cầu, Trung Quốc chuyển sang mô hình kinh tế tiêu dùng, trong khi Mỹ đẩy mạnh cái gọi là nền “sản xuất chính xác”.
Ngoài ra, Mỹ muốn Trung Quốc cam kết một “thỏa thuận mua hàng” mới, tương tự thỏa thuận thương mại giai đoạn một năm 2020, theo đó Bắc Kinh từng hứa mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm.
Vấn đề kiểm soát xuất khẩu cũng gây tranh cãi. Trung Quốc vẫn nắm “quân bài” đất hiếm, trong khi chính quyền Trump gần đây cho phép Nvidia tiếp tục xuất khẩu một số chip AI sang Trung Quốc – quyết định gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ.

Bên cạnh thương mại, bất đồng an ninh cũng nổi lên. Microsoft cáo buộc tin tặc do Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn khai thác lỗ hổng SharePoint để tấn công các tổ chức toàn cầu. Mỹ cũng có thể nêu trường hợp hai công dân – một nhân viên Bộ Thương mại và một nhân viên ngân hàng Wells Fargo – bị cấm xuất cảnh khỏi Trung Quốc. Tranh cãi quanh TikTok cũng chưa được giải quyết, khi Washington yêu cầu ByteDance thoái vốn vì lý do an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Trump kỳ vọng có thể gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc. Cuộc gặp được dự đoán có thể diễn ra trước Ngày Lao động tháng 9 hoặc vào dịp Hội nghị APEC tại Hàn Quốc cuối tháng 10 năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định ‘không bên nào muốn tách rời nền kinh tế của họ’ hoàn toàn với thế giới, nhưng chính quyền Trump đang tìm kiếm “một sự tách rời chiến lược” trong một số lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm chất bán dẫn, dược phẩm và thép.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc cuối cùng có thể ký một thỏa thuận thương mại toàn diện, nhưng điều này có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, và không đảm bảo sẽ là một giải pháp lâu dài. Thỏa thuận giai đoạn một được ký kết trong nhiệm kỳ đầu của Trump đã không được công bố cho đến năm 2020, sau hơn 18 tháng đàm phán lúc lên lúc xuống, trong thời gian đó cả hai bên đều áp đặt thuế quan.
Vì sao ông Trump tập trung đánh thuế Trung Quốc?
Hai mục tiêu chính mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố là thu hẹp thâm hụt thương mại và đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ. Trong số các đối tác thương mại, Trung Quốc chiếm phần lớn thâm hụt của Washington – lên tới 295 tỷ USD năm 2024.
Khoảng cách thực tế còn lớn hơn do các gói hàng nhập khẩu nhỏ được miễn thuế theo kẽ hở “de minimis” (nay đã bị Tổng thống Trump thắt chặt). Trong thương mại quốc tế, đây là ngưỡng giá trị mà dưới đó hàng hóa được miễn thuế và thủ tục hải quan đơn giản. Ở Mỹ, ngưỡng này là 800 USD/gói hàng, kẽ hở này đã được các nhà bán lẻ Trung Quốc tận dụng triệt để nhằm tránh thuế xuất khẩu.
Ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận thương mại giai đoạn một, vốn yêu cầu Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Dù Trung Quốc đã tăng nhập khẩu từ Mỹ, mục tiêu vẫn không đạt được; thâm hụt thậm chí còn trầm trọng hơn sau đại dịch do nhu cầu nhập khẩu tăng vọt.
Ngoài yếu tố thương mại, Washington và Bắc Kinh ngày càng coi nhau là đối thủ chiến lược, tìm cách giảm phụ thuộc vào các sản phẩm trọng yếu với an ninh quốc gia. Mỹ cáo buộc Trung Quốc ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ để được phép hoạt động tại thị trường này, đồng thời hạn chế xuất khẩu nhiều loại chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhằm kìm hãm năng lực công nghệ – quân sự của Bắc Kinh.
Đáp lại, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu khoáng sản và công nghệ liên quan đến đất hiếm, khiến các công ty Mỹ khó tiếp cận nguồn nguyên liệu chiến lược.
Quy mô thực tế của thương mại Mỹ – Trung
Năm 2000, trước thềm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ đã cấp cho Bắc Kinh quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn”, cho phép Trung Quốc hưởng mức thuế quan tương đương các đối tác thương mại khác. Quyết định này mở đường cho bùng nổ thương mại song phương.

Các doanh nghiệp Mỹ và quốc tế ồ ạt chuyển sản xuất sang Trung Quốc, biến nước này thành “công xưởng thế giới”. Hiện tượng này, sau này được gọi là “cú sốc Trung Quốc”, khiến một số ngành sản xuất Mỹ suy giảm nhưng đồng thời kéo giá hàng tiêu dùng trong nước xuống mức thấp kỷ lục.
Đến năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều cao gấp gần chín lần so với năm 2001. Dù cuộc chiến thương mại thời Trump và đại dịch Covid-19 gây gián đoạn, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn đạt mức kỷ lục vào năm 2022.
Năm 2024, ba mặt hàng Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là điện thoại thông minh, máy tính xách tay và pin lithium-ion. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), hơn 70% trong số 56 tỷ USD điện thoại thông minh nhập khẩu vào Mỹ đến từ Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao nhất của Mỹ sang Trung Quốc gồm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), dầu thô, đậu nành, tua bin khí và máy móc sản xuất chất bán dẫn.
Doanh nghiệp Trung Quốc đối phó thuế quan Mỹ: Chuyển sản xuất hay tìm thị trường mới?
Trước mức thuế quan ngày càng cao của Mỹ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang cân nhắc nhiều chiến lược ứng phó. Một xu hướng dễ thấy là dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á có mức thuế thấp hơn, như Việt Nam và Thái Lan – động thái từng diễn ra trong cuộc chiến thương mại đầu tiên dưới thời Trump.
Một số tập đoàn quốc tế đã bắt đầu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Nike đặt mục tiêu hạ tỷ lệ giày dép sản xuất tại Trung Quốc nhập vào Mỹ từ 16% xuống còn một chữ số vào tháng 5/2026. Apple – vốn gia công phần lớn iPhone tại Trung Quốc – cũng đang dịch chuyển dây chuyền lắp ráp sang Ấn Độ cho các sản phẩm bán tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nguy cơ Washington tái áp thuế trả đũa đối với các nước thứ ba – biện pháp Trump từng áp dụng tạm thời hồi tháng 4 – có thể làm giảm sức hấp dẫn của chiến lược “né thuế” này. Năm ngoái, các nhà sản xuất pin mặt trời Trung Quốc đặt nhà máy ở Đông Nam Á cũng đã chịu tác động nặng nề khi bị Mỹ áp thuế bổ sung.
Một hướng khác là đàm phán giảm giá đầu vào để bù đắp chi phí, song điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giảm phát tại nhà máy – vốn đã lan rộng tại Trung Quốc – và gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp.
Lựa chọn cuối cùng là giữ sản xuất tại Trung Quốc nhưng chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ châm ngòi tranh chấp thương mại mới, khi nhiều quốc gia đã lo ngại làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc và sẵn sàng áp thuế chống bán phá giá để bảo vệ ngành nội địa.
Người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhiều nhất?
Người tiêu dùng Trung Quốc hiện phải trả giá cao hơn cho các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như đậu nành và khí dầu mỏ hóa lỏng. Tác động này phần nào được giảm nhẹ nhờ nỗ lực nhiều năm qua của Bắc Kinh trong việc đa dạng hóa nguồn cung, chuyển sang nhập khẩu từ các đối tác thân thiện hơn như Brazil và Nga.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện nay yếu hơn đáng kể so với giai đoạn chiến tranh thương mại đầu tiên. Nền kinh tế đang vật lộn với giảm phát kéo dài, tiêu dùng trong nước ảm đạm và thị trường bất động sản suy thoái. Điều này khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu bên ngoài để bù đắp sự trì trệ trong nước.
Thương mại đóng góp khoảng một phần ba tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm ngoái. Xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ chiếm 15% tổng kim ngạch, nhưng tỷ lệ này tăng cao hơn nếu tính cả các sản phẩm được tái xuất qua Mexico, Việt Nam và những nước khác. Theo BNN, xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ đã giảm hơn 1/3 trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước – mức giảm mạnh nhất kể từ đợt phong tỏa đầu tiên vì Covid-19 năm 2020. Dù hai bên đã ký thỏa thuận đình chiến, giới phân tích dự báo xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ vẫn có thể giảm tới 70% trong trung hạn.
Làn sóng doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc để né thuế có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng, làm giảm nguồn thu ngân sách và kéo tụt tăng trưởng GDP. Áp lực này có thể buộc Bắc Kinh tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng trong nước – định hướng mà chính phủ đã thảo luận từ lâu nhưng chưa thực hiện triệt để.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải trả mức giá cao cho nhiều mặt hàng thiết yếu, khi các tập đoàn bán lẻ như Nike hay Walmart chuyển một phần chi phí thuế quan sang người mua để bảo vệ lợi nhuận. Việc tìm nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian, đặc biệt với các sản phẩm mà Mỹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, như máy nướng bánh mì, nhiều loại hóa chất và đèn LED.
Khác với cuộc chiến thương mại giai đoạn 2018 – 2019, vòng thuế quan mới áp dụng cho danh mục hàng hóa rộng hơn, bao gồm điện thoại thông minh, thiết bị điện tử và quần áo – trực tiếp tác động đến người tiêu dùng. Tình trạng này được dự báo sẽ đẩy áp lực lạm phát tại Mỹ tăng mạnh. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell hồi tháng 6 cảnh báo “ lạm phát sẽ gia tăng đáng kể trong những tháng tới”.
Tham khảo Economist, BNN