Ông Peter Jung là chủ một phòng khám cao cấp về da-tóc phục vụ cho cộng đồng người Hàn Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Bản thân người đàn ông này cũng không ngờ đến công việc kinh doanh của mình lại thành công đến vậy khi sức mua của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam ngày một cao.
Thậm chí theo tờ Nikkei Asian Review, một thủ thuật làm da-tóc có thể tốn hơn 1 tháng lương của người bản địa nhưng vẫn hút khách, qua đó chứng tỏ sức mua của người Hàn Quốc xa xứ đã đạt đến mức độ quan trọng, đủ sức tạo nên một hệ sinh thái tự duy trì trong nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Trên thực tế không riêng gì phòng khám của ông Jung, trên 2 khu phố Hàn Quốc của TP.HCM có hầu như mọi thứ, từ nha sĩ, chơi golf ảo cho đến mua cổ phiếu hay tư vấn bất động sản bằng tiếng Hàn Quốc.
Ngoài ra còn có vô số những khu biệt lập ở thủ đô Hà Nội hay các cụm nhỏ hơn ở tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, nơi các nhà máy nước ngoài mọc lên như nấm.
Số liệu từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho thấy có khoảng 178.000 công dân nước này đang sinh sống tại Việt Nam, nhiều hơn 60.000 người so với toàn bộ số người Hàn Quốc tại Đông Nam Á cộng lại.
Hiện chỉ có Mỹ, Nhật Bản, Canada và Trung Quốc là có dân số người Hàn Quốc thường trú lớn hơn Việt Nam.
Thiên đường?
Theo Statista, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rót 670 triệu USD vào Việt Nam trong quý I/2024 khiến nền kinh tế này trở thành thị trường nước ngoài hấp dẫn nhất với Hàn Quốc chỉ sau Mỹ và một số thiên đường thuế khác.
Số liệu của chính phủ Việt Nam thì cho thấy Hàn Quốc là nguồn đầu tư lớn nhất, với 88,3 tỷ đô la từ năm 1988 tính đến cuối tháng 9/2024.
“Lao động Hàn Quốc đến cùng dòng chảy của các tập đoàn lớn, họ ở lại và yêu cuộc sống tại Việt Nam”, đối tác Jihwan Park của hãng luật Shin & Kim, chuyên tư vấn cho nhiều tập đoàn đầu tư vào Việt Nam, cho hay.
Thậm chí ông Park cho hay một số người Hàn Quốc còn gia hạn thời gian công tác để con cái họ có thể hoàn thành việc học ở Việt Nam, trong khi nhiều người khác rời công ty để khởi nghiệp kinh doanh riêng trên chính mảnh đất này.
Tờ Nikkei cho hay các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia nền kinh tế Việt Nam khá đa dạng, từ những tập đoàn tài phiệt Chaebol như CJ chuyên kinh doanh chuỗi rạp phim hay bán lẻ cho đến những công ty nhỏ phục vụ cộng đồng người Hàn.
“Khi người Hàn Quốc đến đây để kinh doanh, họ cảm thấy được chào đón”, ông Jung mở phòng khám da-tóc cho biết.
Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, đầu tư và lượng người từ Hàn Quốc đổ về Việt Nam bắt đầu cất cánh.
Tập đoàn Samsung đã mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009 hiện sản xuất một nửa số điện thoại di động của mình tại đây. Chính sự tin tưởng này đã đóng vai trò xúc tác mạnh mẽ cho hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc khác đổ về đây.
Báo cáo của Phòng thương mại Hàn Quốc (KCC) cho thấy hiện công dân nước này đang điều hành 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam, mức tăng 100% chỉ trong 8 năm.
Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 86,5 tỷ USD và 2 chính phủ kỳ vọng con số này sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
“Đầu tư của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam”, Giám đốc nghiên cứu Mindy Nguyet của Dragon Capital nhận định tác động của doanh nghiệp Hàn Quốc đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo bà Nguyet, các nhà sản xuất Hàn Quốc đã góp phần xây dựng cơ sở công nghiệp đa dạng, tinh vi hơn cho nền kinh tế Việt Nam, trong khi các nhà bán lẻ “định hình hành vi của người tiêu dùng, nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ và thúc đẩy tăng trưởng của các công ty địa phương thông qua đầu tư”.
Ngày càng gắn chặt
Tờ Nikkei cho hay hiện người Hàn Quốc đang lấp đầy các câu lạc bộ tennis hay khu nghỉ dưỡng chơi golf tại Việt Nam, họ cũng thuê người bản xứ làm kế toán, chuyên gia châm cứu, gia sư, huấn luyện viên hay nhà thiết kế nội thất.
Thậm chí khi cuộc sống của những người Hàn Quốc ngày càng gắn chặt với Việt Nam, nhiều người bắt đầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tư nhân để đáp ứng nhu cầu tài chính tại nền kinh tế này, một số người còn mua bất động sản thứ 2-3 để khởi nghiệp kinh doanh.
“Sự gần gũi về văn hóa và truyền thống đã giúp người Hàn Quốc cảm thấy quen thuộc và dễ dàng thích nghi khi sống cũng như làm việc tại Việt Nam”, luật sư Park cho biết.
Theo ông Park, những điểm chung như Nho giáo hay nguồn gốc văn hóa cũng góp phần rất lớn cho việc người Hàn Quốc thích nghi nhanh chóng tại Việt Nam.
Ngoài ra, luật sư Park cho biết ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, bao gồm thời trang âm nhạc cũng thu hút rất nhiều người hâm mộ Việt Nam, qua đó gián tiếp tạo nên cảm giác chào đón với người Hàn Quốc khi sinh sống và làm việc tại đây.
“Khi chúng tôi đi hát karaoke, các đồng nghiệp người Việt của tôi biết nhiều nhạc K-pop hơn tôi. Đó là lý do tại sao người Hàn Quốc nghĩ rằng Việt Nam thân thiện… Chúng tôi cảm thấy dường như đây không phải là một quốc gia xa lạ”, ông Park thừa nhận.
*Nguồn: Nikkei