Năm 1951, Trung Quốc đã tổ chức cuộc thám hiểm khoa học đầu tiên tại Tây Tạng. Đây cũng là cuộc khảo sát toàn diện đầu tiên trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng. Hơn 50 nhà nghiên cứu đã đồng hành cùng quân đội trong hành trình khai phá.
Họ mất gần 3 năm để hoàn thành chuyến khảo sát, kéo dài từ sông Kim Sa ở phía đông đến đỉnh Everest ở phía tây và sông Yarlung Tsangpo ở miền nam Tây Tạng. Thành quả là một bản đồ địa chất đánh dấu các khu vực mỏ trọng điểm được biên soạn, kèm theo dữ liệu khoa học về đất đai, khí tượng, thủy văn, nông nghiệp, ngôn ngữ và lịch sử.
Chuyến khảo sát đánh dấu khởi đầu của kế hoạch xây dựng đập Yarlung Tsangpo. Ngày 19/7 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chính thức công bố khởi công dự án thủy điện hạ lưu sông Yarlung Tsangpo tại thành phố Nyingchi, Tây Tạng.
Đây là dự án thủy điện tham vọng nhất thế giới, với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên tới 60.000 megawatt (MW), gấp 3 lần công suất của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.
“Sông Yarlung Tsangpo là con sông cao nhất Trung Quốc với chiều dài 2.057 km. Tiềm năng thủy điện của nó chỉ kém sông Dương Tử một chút, nhưng nếu tính theo đơn vị chiều dài, nó đứng đầu cả nước,” ông Guan Zhihua – người từng dẫn đầu chuyến khảo sát lần hai vào năm 1973 – phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 2010.
Gián đoạn và tái khởi động nghiên cứu thủy văn Tây Tạng
Do khó khăn kinh tế và chính trị, các nghiên cứu khoa học liên quan đến Tây Tạng bị gián đoạn. Mãi đến năm 1972, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) mới thành lập lại đoàn khảo sát cao nguyên Thanh – Tạng. Ông Guan khi ấy là trưởng nhóm khảo sát dòng chính sông Yarlung Tsangpo, phụ trách đánh giá tiềm năng thủy điện.
Trong sự nghiệp của mình, ông Guan thực hiện tổng cộng 22 chuyến công tác tới Tây Tạng, trong đó có 9 lần khảo sát sông Yarlung Tsangpo. Dòng sông này nổi tiếng vì chảy qua hẻm núi sâu nhất thế giới, nơi có độ cao chênh hơn 6.000 mét.
Sông bắt nguồn từ các dãy núi băng tuyết giữa Himalaya và dãy Gangdise, chảy về phía đông sau đó ngoặt gấp và đổ xuống vùng đồng bằng Ấn Độ, trở thành sông Brahmaputra.
Năm 1980, Trung Quốc tiến hành cuộc khảo sát toàn quốc về tài nguyên thủy điện, trong đó có sông Yarlung Tsangpo. Dựa trên dữ liệu thu thập được, khoảng 12 địa điểm tiềm năng để xây dựng nhà máy thủy điện được xác định dọc theo dòng chính.

Sông Yarlung Tsangpo
Ý tưởng táo bạo từ thập niên 1980 trở thành hiện thực
Cuối thập niên 1980, chính quyền Tây Tạng hai lần tìm cách chuyển dòng và xây đập trên sông Yarlung Tsangpo nhưng đều thất bại do thiếu kinh phí và công nghệ.
Năm 1981, nhà nghiên cứu Chen Chuanyou công bố báo cáo đặc biệt về khảo sát tài nguyên nước Tây Tạng. Ông đề xuất xây dựng hồ chứa trên dòng chính sông Yarlung Tsangpo để nâng mực nước lên, sau đó khoan một đường hầm dài 16km để dẫn nước tới sông nhánh Duoxiong có độ cao chênh lệch hơn 2.300 mét.
CAS nhiều lần tổ chức đánh giá và luận chứng các dự án phát triển thủy lợi trên sông này. Tháng 9/1997, báo Guangming Daily đăng bài với tiêu đề gây chú ý: “Tây Tạng có thể xây nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới không?”.
Năm 2002, ông Chen đăng một bài trên tạp chí Engineering Science, lập luận rằng dự án thủy điện Yarlung có thể cung cấp điện không chỉ cho Đông Nam Á mà còn cho Quảng Đông và Hồng Kông qua các đường dây cao thế.
“Tất cả chỉ là các thảo luận khoa học, kế hoạch tiên tiến. Chúng tôi chỉ cười, chứ chưa từng đi sâu vào thực tiễn”, ông Chen chia sẻ năm 2014.
Thế nhưng, 20 năm sau, những ý tưởng khoa học đó đã trở thành hiện thực.
Dự án trị giá 1.200 tỷ nhân dân tệ
Các chi tiết kỹ thuật được công bố cho thấy phương án thực hiện dự án bao gồm việc uốn thẳng khúc cong, xây dựng đường hầm chuyển dòng, nhà máy ngầm dưới nước, chuỗi nhà máy bậc thang. Kế hoạch này tương tự đề xuất của ông Chen nhưng với quy mô lớn hơn rất nhiều.
Dự kiến nguồn điện sẽ chủ yếu phục vụ truyền tải liên tỉnh, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ở Tây Tạng.
Tổng vốn đầu tư lên tới 1.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 168 tỷ USD) và toàn bộ do Trung Quốc tự chi trả. Trước khi dự án được chính thức công bố, các công trình phụ trợ đã được khởi công.
Ngày 23/6, dự án truyền tải điện một chiều siêu cao áp ±800kV từ đông nam Tây Tạng tới khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Macau đã được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia phê duyệt. Dự kiến công trình sẽ được thi công trong năm nay. Khi hoàn thành, năng lượng sạch từ Tây Tạng có thể “được truyền ngay lập tức” đến vùng Vịnh Lớn.
Theo SCMP