
AI này là miễn phí
Theo FT, khi Mỹ siết chặt quyền kiểm soát các công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến, chặn Trung Quốc tiếp cận chip AI và khóa các mô hình độc quyền đằng sau các rào cản thương mại, phản ứng đáp trả của Trung Quốc tất nhiên sẽ dễ đoán.
Người ta cho rằng Trung Quốc cũng sẽ dựng lên bức tường của riêng mình, bảo vệ các bước tiến đột phá AI gần đây và tăng gấp đôi tính bảo mật.
Thế nhưng tất cả đều sai. Thay vì làm điều ai cũng nghĩ nói trên, Trung Quốc thực hiện một bước đi bất ngờ: họ tặng miễn phí các mô hình AI tiên tiến nhất của mình.
Trong những tuần gần đây, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc bao gồm Alibaba, Baidu và Tencent đã tung ra thị trường tràn ngập các mô hình AI mạnh mẽ. Nhưng trong một ngành công nghiệp mà tính bí mật được coi là hiển nhiên, cú sốc thực sự ở đây là tính công khai của chúng — các mô hình này được tải xuống, sửa đổi và tích hợp miễn phí.

Tốc độ thúc đẩy AI nguồn mở của Trung Quốc không ngừng nghỉ. Kể từ khi DeepSeek R1 ra mắt vào tháng 1 — câu trả lời của Trung Quốc cho ChatGPT — một làn sóng các mô hình ngày càng có tiềm năng hơn đã theo sau.
Alibaba tuyên bố mô hình lý luận AI mới nhất của mình là QwQ-32B có thể cạnh tranh với R1 của DeepSeek và hoạt động tốt trong các bài kiểm tra chuẩn chính thức. Cứ vài tuần, một mô hình khác lại xuất hiện, mở rộng ranh giới về những gì AI nguồn mở có thể làm.
Thoạt nhìn, sự gia tăng này có vẻ như là một tuyên bố rằng AI nên được mở ra cho toàn thế giới, không chỉ một số ít các công ty. Nhưng trong kinh doanh và địa chính trị, sự hào phóng như vậy hiếm khi xuất hiện.
Câu hỏi thực sự ở đây không phải là tại sao Trung Quốc lại tặng không AI, mà là tại sao thế giới lại nghĩ rằng họ sẽ không làm thế?
Hiện tại, hầu hết các đầu sỏ công nghệ Mỹ coi AI như một nguồn tài nguyên độc quyền, hạn chế quyền truy cập vào các mô hình mạnh mẽ nhất sau các bức tường phí.
OpenAI, Google DeepMind và Anthropic hạn chế quyền truy cập đầy đủ vào các mô hình AI tiên tiến nhất, cung cấp chúng thông qua các gói như đăng ký trả phí và các giao dịch doanh nghiệp.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ coi AI nguồn mở là một rủi ro về an ninh, lo ngại rằng các mô hình không được quản lý có thể được tinh chỉnh thành vũ khí mạng. Các nhà lập pháp đã thúc đẩy lệnh cấm phần mềm AI DeepSeek khỏi các thiết bị của chính phủ, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Nhưng các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang có cách tiếp cận rất khác. Bằng cách cung cấp AI nguồn mở, họ không chỉ tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ mà còn phi tập trung hóa quá trình phát triển và khai thác tài năng toàn cầu để tinh chỉnh các mô hình.
Ngay cả những hạn chế đối với chip cao cấp của Nvidia cũng trở nên ít trở ngại hơn khi phần còn lại của thế giới có thể đào tạo và cải thiện các mô hình của Trung Quốc trên phần cứng thay thế.

Hàng loạt mô hình AI mớ của Trung Quốc ra đời.
AI tiến bộ thông qua quá trình lặp lại. Mỗi bản phát hành mới đều dựa trên bản phát hành trước, tinh chỉnh điểm yếu, mở rộng khả năng và cải thiện hiệu quả. Bằng cách cung cấp mã nguồn mở cho các mô hình AI, các nhóm công nghệ Trung Quốc tạo ra một hệ sinh thái nơi các nhà phát triển toàn cầu liên tục cải thiện các mô hình mà không phải gánh chịu mọi chi phí phát triển.
Quy mô của cách tiếp cận này có thể định hình lại cơ bản cấu trúc kinh tế của AI. Nếu AI nguồn mở trở nên mạnh mẽ như các mô hình độc quyền của Mỹ, khả năng kiếm tiền từ AI như một sản phẩm độc quyền sẽ sụp đổ.
Tại sao phải trả tiền cho các mô hình đóng nếu có một giải pháp thay thế miễn phí, có khả năng tương đương?
Để chiến thắng trở nên vô nghĩa
Đối với Bắc Kinh, chiến lược này có thể là vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung. Các công ty AI của Mỹ, được xây dựng dựa trên việc kiếm tiền thông qua cấp phép doanh nghiệp và các dịch vụ cao cấp, có thể thấy bản thân đang chạy xuống đáy — nơi AI thì rất dồi dào nhưng lợi nhuận thì mông lung.
Tất nhiên, điều này đi kèm với sự đánh đổi. Nếu AI được cung cấp miễn phí, không gì có thể ngăn cản các công ty nước ngoài tiếp thu các mô hình của Trung Quốc, tinh chỉnh chúng và đánh bại chính các công ty Trung Quốc.
Theo thời gian, các công ty như Alibaba, Baidu và Tencent có thể phải đối mặt với những áp lực tương tự như các đối tác ở Mỹ — buộc họ phải hạn chế quyền truy cập để bảo vệ sở hữu trí tuệ và tạo ra doanh thu.
Ngoài động lực thị trường, Bắc Kinh cũng sẽ có lý do riêng để xem xét lại cách tiếp cận này. Chính phủ Trung Quốc, ưu tiên kiểm soát các công nghệ chính, cũng có thể thúc đẩy các quy định AI chặt chẽ hơn để quản lý thông tin sai lệch, duy trì giám sát và đảm bảo tuân thủ các chính sách.
Nhưng hiện tại, AI nguồn mở vẫn là lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc — một cách để cạnh tranh mà không cần tiếp cận những con chip tốt nhất hoặc lợi thế dẫn đầu sớm.
Với các hạn chế về công nghệ AI và chip của Mỹ được thắt chặt dưới thời Tổng thống Donald Trump và các mô hình AI độc quyền đang trở nên cố hữu, chiến lược hiệu quả nhất của Trung Quốc là tốc độ và quy mô. Họ phải tung ra các mô hình tràn ngập thị trường, để thay đổi cán cân trước khi các công ty độc quyền AI xuất hiện.
Nếu OpenAI, Google và Microsoft đã chiến thắng trong cuộc đua AI như chúng ta đã biết, thì cách tốt nhất mà Trung Quốc nên làm lúc này không phải là cạnh tranh mà khiến chiến thắng của đối thủ trở nên vô nghĩa.