
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, chỉ số USD Index (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng USD, duy trì đà giảm mạnh trong suốt tháng dưới sức ép của vòng xoáy thuế quan. Cụ thể, ngày 2/4 được Tổng thống Trump tuyên bố là “Ngày giải phóng” của nước Mỹ với việc áp thuế đối ứng quy mô lớn lên nhiều đối tác thương mại, trong đó có việc nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Tuy nhiên, ông đã quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.
Bên cạnh đó, áp lực giảm lên đồng USD càng gia tăng khi Tổng thống Trump liên tục chỉ trích cũng như gây sức ép lên Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với ý định muốn bãi nhiệm Chủ tịch FED. Trong bối cảnh này, chỉ số DXY đã chạm đáy 3 năm tại mức 98,3 điểm vào ngày 21/4 (-10,2% so với đầu năm).
Dữ liệu kinh tế Mỹ cũng ghi nhận ngành sản xuất tiếp tục suy giảm tháng thứ 2 liên tiếp với chỉ số PMI ISM đạt 48,7 điểm trong tháng 4 do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan mới. Lạm phát hạ nhiệt nhẹ với chỉ số PCE tháng 3/2025 tăng 2,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 2,7% của tháng 2/2025. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong hơn 2 năm trở lại đây khi các hộ gia đình đẩy mạnh hoạt động mua sắm trước khi các mức thuế mới được áp dụng. Đối mặt với nhiều rủi ro bất định và triển vọng kinh tế ảm đạm, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp thứ 2 trong lịch sử kể từ năm 1952. Theo đó, đồng USD giảm 4,8% so với cuối tháng 3/2025 về mức 99,2 điểm vào cuối tháng 4/2025 (-9,3% so với đầu năm).

Chỉ số DXY phục hồi nhẹ sau khi Mỹ – Trung Quốc đạt được những thỏa thuận bước đầu về thuế quan (ngày 12/4, DXY đạt 101,77 điểm), tuy nhiên, trước thông tin Moody’s Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ Aaa xuống Aa1 (ngày 16/5) và dữ liệu kinh tế yếu kém, chỉ số DXY đã điều chỉnh giảm xuống 100,37 điểm (sáng ngày 20/5).
Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng UOB dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền mạnh khác. Điều này sẽ khiến chỉ số DXY giảm xuống vùng giao dịch mới dưới mốc 100 điểm và tiếp tục giảm về mức 96,9 điểm vào quý I/2026. Song song đó, dự báo mới nhất của UOB cho thấy, tỷ giá EUR/USD và GBP/USD sẽ tiếp tục tăng lên lần lượt 1,17 và 1,39 vào quý I/2026. Với đồng AUD, đợt phục hồi hình chữ “V” có thể đã quá đà và mức tăng sẽ hạn chế hơn, chỉ đạt khoảng 0,66 trong quý I/2026. Riêng đồng JPY, với lộ trình tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), sẽ có xu hướng tăng giá từ từ, đạt mức 140 USD/JPY vào quý I/2026. USD/CNY sẽ ở mức 7,32 trong quý III/2025; USD/SGD, USD/MYR, USD/THB, USD/IDR lần lượt ở mức 1,32; 4,38; 33,5; 16.800.
Đối với đồng VND, các chuyên gia UOB cho rằng, đồng VND là trường hợp đặc biệt trong đợt phục hồi mạnh của các đồng tiền khu vực trong tháng 4 vừa qua, khi VND đã giảm 1,6% trong tháng, xuống còn 25.990 VND/USD. Thị trường có thể đã phản ứng trước tác động tiêu cực về kinh tế đối với Việt Nam, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt – mức cao thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Chỉ số PMI ngành sản xuất cũng giảm mạnh xuống 45,6 điểm – mức thấp nhất trong 2 năm – cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà sản xuất trong bối cảnh lo ngại hàng Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ. “Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, chúng tôi cho rằng đồng VND sẽ duy trì ở biên độ yếu so với đồng USD”, các chuyên gia UOB dự báo.
Báo cáo mới đây của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, trong bối cảnh các yếu tố bất định, và lo ngại về khả năng Việt Nam chịu mức thuế đối ứng cao, tỷ giá biến động nhiều hơn trong ngắn hạn. Thời gian tới, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại, trong bối cảnh chưa có quyết định cuối cùng về thuế quan.
Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Các chuyên gia của VCBS cho rằng: “mặc dù tỷ giá có thể chịu áp lực trong ngắn hạn, tuy nhiên, vẫn kỳ vọng thị trường ngoại hối diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây”.
Cùng chung quan điểm, các chuyên gia phân tích của CTCK MB (MBS) nhận định, dù đang chịu nhiều áp lực song cũng có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND. Các chuyên gia MBS kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 VND/USD trong năm 2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025. Ngoài ra, các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ dự kiến sẽ tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới và có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối.
“Tuy nhiên, cho tới nay các yếu tố nội tại vẫn đang ghi nhận những kết quả tích cực như: thặng dư thương mại (~3,79 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025), vốn FDI giải ngân (6,74 tỷ USD, +7,3% so với cùng kỳ) và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế (+23,8% so với cùng kỳ trong 4 tháng năm 2025). Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đồng VND”, các chuyên gia của MBS nhận định.
Còn theo các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC), khác với mô thức được ghi nhận trong quá khứ là dòng tiền tìm đến các tài sản USD như “vịnh tránh bão” trong bối cảnh bất định hoặc rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng nhưng chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã khiến cho các nhà đầu tư nghi ngờ về vai trò trú ẩn của đồng USD. Đây là một yếu tố bên ngoài thuận lợi với diễn biến tỷ giá USD/VND.
“Tuy nhiên, bất lợi đối với triển vọng tỷ giá chính là sự không chắc chắn về kịch bản thuế quan mà Việt Nam sẽ nhận được sau đàm phán gây quan ngại về triển vọng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có dư địa để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng trong biên độ cho phép từ 3-5% trong năm 2025”, các chuyên gia VDSC dự báo.