
Cách đây chỉ 5 tháng, Tổng thống Donald Trump ca ngợi “mối quan hệ tuyệt vời” giữa Mỹ và Nhật Bản khi ông ngồi cạnh Thủ tướng Shigeru Ishiba – nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên đến thăm ông trong nhiệm kỳ 2 tại Nhà Trắng.
Tuần này, Thủ tướng Ishiba vẫn là người đầu tiên được nhắc đến, nhưng không phải theo nghĩa tích cực. Ông trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên nhận được lá thư từ Tổng thống Mỹ Trump, để thông báo sẽ áp đặt mức thuế quan mới nếu Tokyo không đáp ứng được các yêu cầu để hai bên tiến tới một thỏa thuận thương mại.
Lá thư khiến các quan chức ở Nhật Bản sửng sốt. Tokyo là đồng minh an ninh của Mỹ trong 7 thập kỷ và là đối tác chủ chốt trong các nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố hiện diện ở châu Á.
Tiến trình đàm phán thương mại bế tắc khiến ông Trump thất vọng. Giờ đây, các nhà phân tích cho rằng Tokyo đã nhận ra tình bạn với Washington không giúp ích nhiều cho họ trong bối cảnh hiện nay.
“Họ dần nhận ra một cách khó khăn rằng Nhật Bản không đủ đặc biệt đối với ông Trump… Ông ấy chỉ nhìn thấy tình trạng thâm hụt”, nhà nghiên cứu Mireya Solís – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Á tại Viện Brookings, nói với Washington Post .
Nhật Bản dường như có lợi thế khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu đàm phán với Mỹ vào tháng 4. Giới phân tích khi đó cho rằng Washington muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Tokyo để làm đòn bẩy với những quốc gia khác.
Ông Trump thậm chí đã xuất hiện tại vòng đàm phán đầu tiên và tặng cho trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa một chiếc mũ đỏ có khẩu hiệu “Làm cho Mỹ vĩ đại trở lại”.
“Thật vinh dự khi vừa được gặp phái đoàn Thương mại Nhật Bản. Tiến bộ lớn!”, ông viết trên Truth Social sau khi nói chuyện với ông Akazawa.
Nhưng sau đó không có nhiều tiến triển. Nhật Bản không dễ dàng nhượng bộ trước các yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump. Những yếu tố chính trị trong nước khiến Thủ tướng Ishiba không chấp nhận nhượng bộ trong các ngành chủ chốt như ô tô, thép và gạo.
Thủ tướng Ishiba phải đối mặt với một cuộc bầu cử quốc hội khó khăn vào ngày 20/7 tới. Cuộc bầu cử này có thể khiến đảng cầm quyền mất đa số tại Thượng viện và chức vụ thủ tướng của ông Ishiba bị đe doạ.
Giới chức Nhật Bản hy vọng ông Trump sẽ đặt ra một hạn ngạch thuế quan, giống như ông đã làm với một số đồng minh trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nhanh chóng nói rõ rằng sẽ không có ai được miễn trừ lần này, kể cả Nhật Bản.
“Nhật Bản đang bị đối xử giống như các quốc gia châu Á khác, và điều đó không làm các nhà hoạch định chính sách ở đây hài lòng”, ông Tokuko Shironitta, giám đốc khu vực Nhật Bản tại hãng tư vấn Asia Group, cho biết.
Khi tiến trình đàm phán thương mại kéo dài, Thủ tướng Ishiba liên tục nhấn mạnh rằng Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 2019, tạo ra 1 triệu việc làm cho người Mỹ. Lập luận đó đã hiệu quả với ông Trump trước đây, nhưng lần này không có mấy tác dụng.
“Cảm giác chúng ta vẫn đang ở trong màn sương mù dày đặc”, ông Akazawa nói với các phóng viên hôm 10/6. Hai bên đã hoàn thành 7 vòng đàm phán.
Ông Hiroshi Oe – cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại từng làm việc về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với chính quyền cựu Tổng thống Obama, cho biết ông Trump lần này đưa ra những yêu cầu cứng rắn hơn dự kiến.
“Thật không may, họ dường như không còn hành động dựa trên ý tưởng rằng họ nên đối xử (với Nhật Bản) bằng bất kỳ cân nhắc đặc biệt nào nữa”, ông Oe nói.
Cần đổi chiến thuật
Các chuyên gia cho rằng giới chức Nhật Bản có thể đã đánh giá thấp sự hoài nghi sâu sắc của ông Trump và dựa quá nhiều vào thiện chí. Một số tờ báo và nhà tư tưởng nổi tiếng của Nhật Bản đang kêu gọi lãnh đạo nước này xem xét lại phương pháp của mình.
“Chúng ta đang ở một giai đoạn hoàn toàn khác so với chính quyền Trump đầu tiên. Mỹ giờ đây muốn những điều khác biệt”, nhà nghiên cứu Kenji Minemura, công tác tại Viện Nghiên cứu toàn cầu Canon ở Tokyo, nhận định.
Một số nhà phân tích nghi ngờ thay đổi này có thể cho thấy ông Trump có ác cảm nào đó với Nhật Bản, cho rằng Tokyo là mối đe dọa hiện hữu đối với sự thống trị kinh tế của Mỹ. Điều đó đã được xoa dịu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khi cố Thủ tướng Shinzo Abe xây dựng tình bạn cá nhân với ông Trump. Giờ đây, khi ông Abe không còn, Tokyo cũng không còn mối quan hệ đó nữa.
“Ông ấy thuộc thế hệ chỉ trích Nhật Bản. Đó là lý do tại sao sự nghi ngờ cố hữu của ông Trump đối với Nhật Bản lại nổi lên”, ông Minemura nói.
Tại Tokyo đang có những lo ngại hai đồng minh đang sa lầy vào một cuộc chiến thương mại, trong khi đáng lẽ họ nên đoàn kết với nhau để đối phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực.
“Khi mối quan hệ của chúng tôi trở nên tồi tệ, hoặc có vẻ trở nên tồi tệ theo quan điểm của các quốc gia khác, tôi nghĩ điều đó sẽ chỉ khuyến khích các đối thủ”, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki nhận định.