Tờ The Economist mở đầu bài viết nhận định rằng, từ một hãng điện thoại giá rẻ, Xiaomi đang dần trở thành một biểu tượng công nghệ toàn cầu với tham vọng vượt xa lĩnh vực di động.
Kể từ khi thành lập vào năm 2010, nhà sáng lập kiêm CEO Lei Jun đã nhiều lần chứng minh khả năng bán hàng xuất chúng của mình. Mười năm trước, ông từng lập kỷ lục Guinness khi bán được hơn 2,1 triệu chiếc điện thoại chỉ trong 24 giờ. Và đến nay, ông vẫn duy trì phong độ ấy – lần này là trong lĩnh vực ô tô. Khi mẫu SUV điện đầu tiên của Xiaomi được mở bán, chỉ trong vòng ba phút, đã có hơn 200.000 đơn đặt hàng.
Xiaomi hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Apple và Samsung. Nhưng điều khiến công ty nổi bật không chỉ là điện thoại – mà là hệ sinh thái thiết bị điện tử thông minh phong phú: Từ TV, điều hòa, robot hút bụi đến xe scooter. Tất cả đều liên kết với điện thoại Xiaomi và tạo nên một mạng lưới sản phẩm thông minh khép kín.
Sau khi doanh thu sụt giảm vào năm 2022 do thị trường tiêu dùng Trung Quốc suy yếu, Xiaomi đã bật lại ngoạn mục với mức tăng trưởng doanh thu 35% trong năm vừa qua. Cổ phiếu công ty đã tăng gần gấp bốn lần kể từ đầu năm 2024, đưa giá trị vốn hóa thị trường lên khoảng 190 tỷ USD – một con số vượt xa kỳ vọng.
Việc Xiaomi lấn sân sang ngành ô tô điện đã gây bất ngờ lớn. Trong khi Apple sau hàng chục tỷ USD đầu tư ròng rã suốt một thập kỷ cuối cùng đã từ bỏ dự án xe điện, thì Xiaomi lại tiến nhanh và hiệu quả: Chỉ sau 15 tháng kể từ khi ra mắt chiếc sedan SU7 đầu tiên, đã có hơn 300.000 xe điện Xiaomi được lăn bánh tại Trung Quốc. Dù mảng ô tô điện hiện vẫn chưa có lãi, Lei Jun tin rằng bộ phận này sẽ bắt đầu sinh lời ngay trong năm nay – một điều hiếm thấy ở thị trường EV Trung Quốc đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng trăm thương hiệu.
Tham vọng của Xiaomi không dừng lại ở trong nước. Công ty đang chuẩn bị mở rộng mạng lưới bán lẻ ra toàn cầu với mục tiêu mở tới 10.000 cửa hàng, so với chỉ vài trăm hiện tại. Điều đặc biệt là tại các cửa hàng này, khách hàng có thể vừa mua điện thoại, TV, thiết bị gia dụng, vừa ngắm xe điện. Mô hình bán lẻ tích hợp đa sản phẩm này giúp Xiaomi tối ưu trải nghiệm người dùng và đồng thời tận dụng hiệu quả cộng đồng người hâm mộ “Mi Fans” trung thành trên khắp thế giới.
Xiaomi cũng đang thay đổi cách vận hành. Trước đây, giống như Apple, họ không sở hữu nhà máy sản xuất mà chỉ thuê ngoài. Nhưng giờ đây, Lei Jun muốn kiểm soát sâu hơn chuỗi giá trị: cCng ty đã xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Kinh và bắt đầu tự sản xuất smartphone.
Một nhà máy lớn khác cũng đang được xây tại Vũ Hán để sản xuất các thiết bị gia dụng thông minh. Việc tự chủ sản xuất giúp Xiaomi linh hoạt hơn, đặc biệt khi công ty đang bước vào những ngành có yêu cầu kỹ thuật và an toàn cao hơn nhiều như ô tô.
Sức hút của Xiaomi còn đến từ chính hình ảnh cá nhân của Lei Jun – người thường được ví như “Steve Jobs của Trung Quốc”. Với khả năng trình diễn sản phẩm cuốn hút và phong cách gần gũi, ông đã xây dựng được cộng đồng fan trung thành khổng lồ.
Ngay cả khi xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến xe SU7 vào tháng 3 khiến ba sinh viên tử vong khi thử tính năng tự lái, uy tín của công ty vẫn không suy giảm đáng kể. Ba tháng sau, khi mẫu SUV YU7 được mở bán, người tiêu dùng vẫn xếp hàng đặt mua đông đảo.
Một trong những tài sản lớn nhất của Xiaomi là tệp người dùng khổng lồ – khoảng 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến cuối năm 2023. Người dùng không chỉ dùng sản phẩm của Xiaomi, mà còn chơi game qua cửa hàng ứng dụng MIUI, xem quảng cáo do Xiaomi phân phối (quảng cáo chiếm gần một nửa lợi nhuận của công ty theo hãng môi giới Bernstein), và mua thêm các thiết bị khác qua hệ sinh thái nội bộ. Xiaomi đã chứng minh họ có thể nâng cấp người dùng từ điện thoại rẻ tiền sang thiết bị cao cấp – và tương lai, rất có thể là cả xe điện.
Hiện gần một nửa doanh thu từ smartphone và thiết bị kết nối của Xiaomi đến từ thị trường quốc tế – chủ yếu tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia. Nhưng ở các thị trường phát triển, Xiaomi chưa thực sự tạo được tiếng vang như ở Trung Quốc.
Họ thiếu cộng đồng fan trung thành, và phần lớn người dùng phương Tây không biết đến cái tên Lei Jun. Do đó, công ty đang đầu tư mạnh vào xây dựng mạng lưới cửa hàng vật lý ở nước ngoài để tăng mức độ nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh mảng điện thoại và ô tô, Xiaomi cũng đang đầu tư vào các công nghệ tương lai như robot hình người (CyberOne) và chip 3nm tự thiết kế – sản phẩm này vừa được công bố vào tháng 5. Hiện nay, khoảng một nửa nhân viên của Xiaomi làm trong lĩnh vực R&D, và riêng năm ngoái, công ty đã chi hơn 3,4 tỷ USD cho nghiên cứu – con số còn lớn hơn cả lợi nhuận ròng.
Tuy nhiên, thách thức với Xiaomi là liệu họ có đang đi quá nhanh, quá rộng? Cuộc chiến giá cả trong ngành EV Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Dù tăng trưởng ấn tượng, Xiaomi vẫn là tay chơi nhỏ nếu so với BYD – hãng đang bán gấp 10 lần số xe mỗi tháng.
Trong mảng smartphone, Huawei đang dần trở lại mạnh mẽ sau các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Nhưng một điều chắc chắn là: Không ai nên xem nhẹ khả năng của Lei Jun – người từng bán được hàng triệu chiếc điện thoại trong một ngày và đang đưa cả ngành ô tô vào “hệ sinh thái Xiaomi”.
Theo: The Economist