spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhBáo Bỉ: Việt Nam ra mắt tên lửa phòng thủ bờ biển...

Báo Bỉ: Việt Nam ra mắt tên lửa phòng thủ bờ biển – Năng lực chế tạo đáng gờm và uy lực quân đội tăng vọt

Việt Nam đã lần đầu tiên ra mắt tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tự nghiên cứu phát triển, chứng minh năng lực đáng gờm trong việc sản xuất các hệ thống vũ khí phòng thủ tinh vi.

Việt Nam lần đầu ra mắt tên lửa đất đối hải

Theo tạp chí quốc phòng Army Recognition (trụ sở tại Andenne, Bỉ), tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 đang diễn ra tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã lần đầu tiên ra mắt tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển di động mang tên Trường Sơn (VCS-01), với 2 thành phần chính là đạn tên lửa diệt hạm Sông Hồng (VSM-01A, thuộc họ tên lửa VCM-01) và xe phóng tự hành VLV-01.

Hiện tổ hợp này đang nhận được sự chú ý lớn tại khu trưng bày ngoài trời trong khuôn khổ triển lãm, trở thành điểm nhấn đặc biệt của sự kiện năm nay.

Tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển của Việt Nam. Toàn bộ hệ thống bao gồm: xe phóng tự hành VLV-01, đài radar dẫn bắn, xe chỉ huy, xe vận chuyển và nạp đạn, xe bảo trì tên lửa, cùng đạn tên lửa Sông Hồng (8 tên lửa, mỗi xe phóng mang 4 tên lửa).

Báo Bỉ: Việt Nam ra mắt tên lửa phòng thủ bờ biển - Năng lực chế tạo đáng gờm và uy lực quân đội tăng vọt- Ảnh 1.

Các thành phần của tổ hợp tên lửa Trường Sơn: Xe bảo trì tên lửa, xe chở tên lửa, đài radar dẫn bắn, xe chỉ huy của tổ hợp và bệ phóng tự hành. Ảnh: QĐND

Kỹ sư Viettel Bùi Văn Hùng – cán bộ thuyết minh về tổ hợp tên lửa tại triển lãm cho biết, tổ hợp VCS-01 được đặt theo tên dãy núi Trường Sơn, trong khi đạn tên lửa VSM-01A mang tên dòng Sông Hồng với hàm ý bảo vệ núi sông bờ cõi, bảo vệ đất nước.

Theo Army Recognition, tổ hợp tên lửa Trường Sơn được Viettel phát triển như một bản kế thừa tổ hợp 4K51 Rubezh thời Liên Xô mang tên lửa P-15 Termit. Tuy nhiên, cấu hình mới cho phép tên lửa Việt Nam tăng khả năng tác chiến cao hơn so với Rubezh, giúp tăng cường đáng kể sức mạnh phòng thủ của quân đội.

Tên lửa Sông Hồng có tầm bắn 80km (gấp đôi P-15 Termit), sử dụng hệ thống dẫn đường tiên tiến để tăng cường độ chính xác khi nhắm bắn mục tiêu.

“Tên lửa Sông Hồng mô phỏng theo tên lửa Kh-35E của Nga, với các sửa đổi bao gồm khung tên lửa nhẹ hơn, cửa hút khí cải tiến và hệ thống điện tử hiện đại. Tên lửa dài chưa đến 5 mét, đường kính thân 315mm và nặng chưa đầy 600kg” – Army Recognition cho hay.

Báo Bỉ: Việt Nam ra mắt tên lửa phòng thủ bờ biển - Năng lực chế tạo đáng gờm và uy lực quân đội tăng vọt- Ảnh 2.

Đạn tên lửa diệt hạm Sông Hồng. Ảnh: QĐND

Đáng lưu ý, tên lửa Sông Hồng trang bị động cơ turbin phản lực (turbojet) VJE-01 do Viettel phát triển, cho phép tên lửa đạt tốc độ cận âm cao. Ngoài việc đi kèm với tổ hợp Trường Sơn, tên lửa có khả năng tương thích với nhiều nền tảng phóng như tàu tên lửa, khinh hạm và cả máy bay. Cấu hình này rất phù hợp với chiến lược phòng thủ bờ biển của Việt Nam.

Theo tạp chí của Bỉ, Việt Nam đã chú trọng tới việc sản xuất vũ khí chống hạm nội địa để giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và giải quyết các nhu cầu quốc phòng cụ thể. Việt Nam cũng đồng thời tăng cường năng lực đóng tàu của mình bằng cách chế tạo tàu tấn công nhanh và khinh hạm đa năng. Những nỗ lực này là một phần trong chiến lược rộng lớn nhằm hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân.

“Tổ hợp Trường Sơn và dòng tên lửa VCM-01 đã góp phần củng cố mục tiêu bảo vệ lãnh hải và tăng cường năng lực răn đe chiến lược của Việt Nam” – Army Recognition nhận định.

Cũng theo tạp chí này, quyết định đẩy mạnh công tác tự phát triển vũ khí đã cho phép Việt Nam điều chỉnh công nghệ quân sự của mình theo điều kiện và nhu cầu hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, nó cho thấy Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng bền vững thông qua quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước và các viện nghiên cứu.

Trước đó, trong bài viết bình luận riêng về dòng tên lửa VCM01, Army Recognition đánh giá, dòng tên lửa này đã chứng minh năng lực đáng gờm của Việt Nam trong việc sản xuất ra các hệ thống phòng thủ tinh vi.

“Dòng tên lửa VCM-01 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với Việt Nam, chứng minh năng lực ngày càng tăng của Việt Nam trong việc sản xuất các hệ thống phòng thủ tinh vi” – Army Recognition nhận định. “VCM-01 còn phản ánh nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được quyền tự chủ về quốc phòng bằng cách tích hợp các công nghệ trong nước với các sáng kiến của nước ngoài”.

Báo Bỉ: Việt Nam ra mắt tên lửa phòng thủ bờ biển - Năng lực chế tạo đáng gờm và uy lực quân đội tăng vọt- Ảnh 3.

Tên lửa sông Hồng trang bị động cơ turbin phản lực VJE-01 do Viettel chế tạo. Ảnh: QĐND

Động cơ “made in Vietnam” vượt trội động cơ Hàn Quốc

Đặc biệt, tại Triển lãm quốc phòng quốc tế lần này, ngoài trưng bày đạn tên lửa Sông Hồng đã lắp ráp hoàn chỉnh, Viettel còn giới thiệu các linh kiện nội địa tự sản xuất trên dòng tên lửa Sông Hồng. Đây là những thứ ít khi có cơ hội được trực tiếp quan sát trên vũ khí.

Nằm ở vị trí mặt tiền của khu trưng bày là động cơ turbin phản lực VJE-01. Theo giới thiệu của Viettel, động cơ này có đường kính 350mm, dài 1,15m, khối lượng 100kg, lực đẩy 500kgf mạnh mẽ hơn so với động cơ SSM-750K của Hàn Quốc trên tên lửa hành trình C-Star (lực đẩy 440kgf).

Đáng lưu ý, lực đẩy này cho phép tên lửa Sông Hồng đạt tốc độ tối đa Mach 0,85 (1.041km/h), tương đương với tốc độ của tên lửa Kh-35E.

Army Recognition nhận định, việc Việt Nam tự phát triển động cơ VJE-01 đã giúp thúc đẩy khả năng sản xuất nội địa.

Nó cũng cho thấy Việt Nam có khả năng phát triển động cơ tên lửa chất lượng tốt, đáp ứng các dự án vũ khí tiên tiến. Đây cũng chính là nền tảng để ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tiến xa hơn nữa.

Báo Bỉ: Việt Nam ra mắt tên lửa phòng thủ bờ biển - Năng lực chế tạo đáng gờm và uy lực quân đội tăng vọt- Ảnh 4.

Việt Nam đã chứng minh năng lực phát triển các hệ thống vũ khí tinh vi. Ảnh: QĐND

Bên cạnh động cơ VJE-01, Viettel đã giới thiệu đầu tự dẫn lên lửa băng tần Ku VASK-03, với khả năng phát hiện mục tiêu tối đa lên tới 20km (đối với tàu khu trục), có khả năng chống tác chiến điện tử, cấu hình lại và thay đổi tính năng bằng phần mềm.

Đại tá Nguyễn Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng vào tháng 5/2024 cho biết, những năm qua, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam về cơ bản đã có đủ năng lực tự chủ, từ nghiên cứu đến sản xuất hầu hết các loại vũ khí trang bị cho lục quân, thông tin liên lạc.

Trong năm 2024 và những năm tới, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đặt mục tiêu đẩy nhanh chương trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí mới, bảo đảm khả năng cơ động và tác chiến trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp.

Sự tự tin của Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, năng lực sản xuất vũ khí được cải thiện là một trong những lý do thúc đẩy Việt Nam quyết định tổ chức Triển lãm quốc phòng quốc tế, cho thấy sự tự tin của Việt Nam trước các sản phẩm nước ngoài.

“Việt Nam có thể cảm thấy rằng hiện tại họ đã đạt tới cấp độ có thể trưng bày các sản phẩm nội địa cùng với các sản phẩm cạnh tranh đến từ các quốc gia khác” – Ông Wezeman nói.

Theo vị chuyên gia, Việt Nam đang kỳ vọng phát triển hơn nữa sản xuất vũ khí trong nước với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Việc tổ chức triển lãm cũng thúc đẩy các đơn vị tham dự nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác này.

Bình luận về năng lực sản xuất vũ khí của Việt Nam nói chung, hãng tin Sputnik (Nga) dẫn ví dụ về nhà máy đóng tàu Z189 và nhà máy Z111 đóng tại Thanh Hóa – nơi chuyên sản xuất vũ khí cỡ nhỏ và là đơn vị duy nhất chuyên thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí bộ binh nòng có rãnh xoắn đến 12,7mm cho quân đội Việt Nam.

Theo hãng tin Nga, súng do Việt Nam sản xuất giúp tăng khả năng tác chiến cho bộ đội trên chiến trường nhờ khả năng tùy biến nhiều trang bị đi kèm, đồng thời bắt kịp xu thế của các loại súng trường tấn công hiện đại.

Trong khi đó, ngành đóng tàu của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thị trường quốc tế. Ngoài đóng tàu cao tốc, nhà máy Z189 còn đóng hàng chục tàu, hàng trăm xuồng tuần tra, đồng thời tạo ra hàng vạn tấn kết cấu kim loại, gần 100 tàu và trên 1000 xuồng các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước cũng như phục vụ xuất khẩu.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật