Việt Nam ra mắt loạt vũ khí “cực kỳ tinh vi”
Theo tờ Global Business Press (Singapore), một trong những điểm nhấn tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) từ ngày 19-23/12 vừa qua là sự xuất hiện của một loạt vũ khí mới do Việt Nam sản xuất, cũng như các bản nâng cấp mà Việt Nam tự cải tiến cho các hệ thống vũ khí hiện có.
Một số Hệ thống máy bay không người lái (UAS) có vũ trang và không vũ trang đã được Việt Nam trưng bày cùng với loạt phiên bản hiện đại hóa sâu rộng dành cho các thiết bị quốc phòng có nguồn gốc từ Nga như tên lửa, pháo phòng không và xe bọc thép.
Tuy nhiên, theo Global Business Press, gây chú ý nhất trong số đó là loạt thiết bị quốc phòng tiên tiến lần đầu tiên được Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) giới thiệu.
Trả lời báo giới tại triển lãm, một đại diện của Viettel cho biết: “Mục tiêu chiến lược của Viettel trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao là tạo ra các sản phẩm hiện đại, có khả năng ứng dụng kép, thông minh hơn, nhanh nhạy hơn, chính xác hơn và mạnh mẽ hơn”.
“Các sản phẩm quân sự công nghệ cao của Viettel sẽ phù hợp với điều kiện môi trường, cũng như phương thức tác chiến của Quân đội Việt Nam và luôn tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế” – Vị này nhấn mạnh.
Global Business Press lưu ý, Viettel đã giới thiệu 60 sản phẩm quân sự và 59 sản phẩm dân sự tại Triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2022, tuy nhiên năm nay, số lượng thiết bị quốc phòng được tập đoàn này trưng bày lên tới 120 sản phẩm “cực kỳ tinh vi”. Nhiều hệ thống trong số đó đã được quân đội Việt Nam đưa ra trang bị.
Nổi bật với radar và các hệ thống chống UAS
Theo Global Business Press, trong số các loại C-UAS (hệ thống chống phương tiện bay không người lái) và radar kiểm soát hỏa lực chùm tia điện tử chủ động được Viettel giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng, nổi bật là radar phòng không tầm trung 3D VRS-MSSS hoạt động ở băng tần S.
Đây là hệ thống có tính di động cao, cùng khả năng phát hiện và xác định mục tiêu chính xác theo phương vị, phạm vi, độ cao và vận tốc. Nó đồng thời có khả năng xác định bạn – thù nhờ trang bị hệ thống Parol IFF tích hợp, và cung cấp thông tin mục tiêu cho hệ thống C4ISR [chỉ huy, điều khiển, thông tin liên lạc, máy tính (C4); tình báo, giám sát và trinh sát (ISR)].
Cùng bình luận về các sản phẩm do Viettel giới thiệu tại triển lãm, tạp chí Army Recognition (Bỉ) nhận định, tập đoàn này đã “làm nổi bật khả năng chống UAS của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam” với súng gây nhiễu điện tử chống máy bay không người lái VCU3/P.DJG.
Đây là hệ thống gây nhiễu hoạt động trên băng tần đa dạng 1,2 GHz, 1,5 GHz, 2,4 GHz và 5,8 GHz – rất phổ biến trong các loại máy bay không người lái và các hệ thống liên lạc khác.
Với khả năng gây nhiễu và phát hiện các tín hiệu đáng ngờ, VCU3/P.DJG có thể vô hiệu hóa hiệu quả các mối đe dọa trong môi trường chiến thuật phức tạp. Thiết bị có thể được sử dụng độc lập hoặc tích hợp vào các hệ thống phòng thủ lớn hơn, từ đó giúp giải quyết vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh cho các sự kiện chiến lược.
Tạp chí Bỉ đánh giá, Viettel đã chứng minh được chuyên môn của mình trong lĩnh vực công nghệ tác chiến điện tử. Phạm vi băng tần đa dạng cho phép VCU3/P.DJG giải quyết được nhiều mối đe dọa khác nhau, từ UAV thương mại tiêu chuẩn đến các mẫu UAV quân sự tùy chỉnh.
“Tính linh hoạt cao cũng đưa VCU3/P.DJG vào danh sách các thiết bị hiệu quả trên thị trường, tương đương với các hệ thống nổi tiếng như DroneGun của tập đoàn DroneShield (Úc) hoặc REX 1 của Kalashnikov (Nga)” – Army Recognition nhận định.
“Ngôi sao đang lên” với loạt hợp đồng triệu đô
Theo Global Business Press, Viettel đang nhanh chóng nổi lên như một đơn vị dẫn đầu trong cung cấp thiết bị viễn thông quân sự và an ninh mạng, mang lại lợi thế cho quân đội Việt Nam.
Ngoài các loại UAS và C-UAS, được trưng bày tại triển lãm, các sản phẩm nổi bật khác của Viettel tại triển lãm còn có tổ hợp radar VTAR-1, xe chỉ huy VCPV-01, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Trường Sơn (VCS-01) với thành phần chính là tên lửa chống hạm Sông Hồng tầm bắn lên tới 80km.
Không chỉ phục vụ nhu cầu của quân đội Việt Nam, theo Global Business Press, các sản phẩm của Viettel cũng đã đạt được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu có giá trị. Có thể kể tới “các hợp đồng trị giá hàng triệu đô la với Malaysia và Philippines trong năm nay về thiết bị công nghiệp, radar và hệ thống mô phỏng đào tạo”.
Năm nay, trong tổng số 16 hợp đồng trị giá 286,3 triệu USD mà Việt Nam thu được tại Triển lãm quốc phòng quốc tế, Viettel có 5 hợp đồng trị giá 8 triệu USD.
Trước đó, tại triển lãm Defence & Security 2023 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), Viettel High Tech tuyên bố sẽ thâm nhập thị trường Indonesia với hệ thống mô phỏng máy bay và hệ thống đào tạo phi công, đồng thời ký thỏa thuận với công ty PT. Bandara Praniagatama (Indonesia).
Theo thỏa thuận, công ty đào tạo phi công hàng đầu ở Indonesia PT. Bandara Praniagatama sẽ là nhà phân phối độc quyền hệ thống mô phỏng máy bay và đào tạo phi công của Viettel tại thị trường Indonesia trong thời gian 2 năm.
Đáng lưu ý, vào đầu tháng 12/2024, Viettel đã ra mắt thêm hệ thống mô phỏng máy bay SU30-MK2 tự nghiên cứu và phát triển.
Hệ thống này, giống như một “trung tâm huấn luyện mô phỏng” với 12 buồng lái cùng đài chỉ huy mặt đất giống hệt như trong biên chế của một trung đoàn không quân tiêm kích, cho phép thực hành các tình huống không chiến phức tạp.