spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhBầu cử Mỹ và bài toán kinh tế

Bầu cử Mỹ và bài toán kinh tế

Người thắng cử tổng thống Mỹ sẽ cần thực hiện các cam kết cải tổ nền kinh tế mà không làm chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng hiện tại.

Một loạt tin tức kinh tế khả quan trong những ngày qua có thể tạo ra thách thức đáng kể cho tổng thống Mỹ tiếp theo, đó là không được phá hỏng nó.

Trước thềm ngày bầu cử 5-11, lạm phát ở Mỹ đã giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm thời đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Công ty Cung cấp dịch vụ xử lý bảng lương ADP (Mỹ) cho biết các doanh nghiệp tư nhân tuyển mộ thêm 233.000 việc làm trong tháng 10, cao hơn con số 159.000 hồi tháng 9.

Ngoài ra, một số báo cáo cho thấy người tiêu dùng Mỹ tỏ ra lạc quan hơn về hướng đi của nền kinh tế trong bối cảnh GDP quý III/2024 tăng 2,8%. Chưa hết, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 50% kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1-2021 và tăng 24% tính từ đầu năm đến giờ.

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu ở TP Charlotte, bang Bắc Carolina - Mỹ hôm 2-11. Ảnh: REUTERS

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu ở TP Charlotte, bang Bắc Carolina – Mỹ hôm 2-11. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNBC (Mỹ), cả Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng viên Đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, đều tự giới thiệu mình là người phù hợp nhất để bảo đảm sức khỏe tương lai của nền kinh tế hàng đầu thế giới này. 

Bên cạnh đó, cả 2 ứng viên này đều tìm cách xây dựng hình ảnh người muốn thay đổi hiện trạng, qua đó thừa nhận sự không hài lòng dai dẳng của cử tri Mỹ đối với nền kinh tế ngay cả khi các dữ liệu vĩ mô đang gây ấn tượng.

Công ty YouGov (Anh) đã khảo sát 1.113 người Mỹ trưởng thành từ ngày 17 đến 19-10. Kết quả, 44% người được khảo sát cho rằng có khả năng xảy ra “sụp đổ kinh tế toàn diện”.

Tâm trạng bi quan về kinh tế trong cử tri khiến cả ông Trump và bà Harris đưa ra một loạt đề xuất chính sách hứa hẹn tương lai kinh tế mới cho người dân. 

Chẳng hạn, ông Trump cam kết áp dụng thuế quan với tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, triển khai trục xuất người nhập cư trên diện rộng, cắt giảm thuế doanh nghiệp mạnh hơn và nhiều biện pháp khác. Các nhà kinh tế học, thậm chí cả một số đồng minh của ông Trump, lưu ý rằng những đề xuất này có thể gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, bà Harris muốn tăng thuế doanh nghiệp, ban hành lệnh cấm liên bang đối với hành vi “thổi giá” trong lĩnh vực tạp hóa, cung cấp trợ cấp và tín dụng thuế cho phát triển nhà ở, chăm sóc trẻ em… Tuy nhiên, các nhà kinh tế học và lãnh đạo giới doanh nghiệp chỉ trích đề xuất cấm “thổi giá” và kế hoạch tăng thuế đối với các công ty của bà Harris.

Vài nét về ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ. Đồ họa: Thanh Long

Vài nét về ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ. Đồ họa: Thanh Long

Chuyên gia Justin Wolfers tại Đại học Michigan nhận định với đài CNBC rằng nền kinh tế ổn định sẽ là cơ hội để tổng thống Mỹ tiếp theo thực sự tập trung vào các chính sách đưa ra khi vận động tranh cử. 

Ông Wolfers lưu ý 2 tổng thống Joe Biden và Barack Obama đều nhậm chức vào thời điểm cần ổn định nền kinh tế trước tiên, thay vì theo đuổi các ưu tiên khác của họ. Trong đó, ông Biden đã thực hiện các gói kích thích lớn và các chính sách khác để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ vượt khó trong thời điểm đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Giờ đây, khi ông Biden chuẩn bị rời Nhà Trắng, các số liệu kinh tế mạnh mẽ trong những tuần qua giúp củng cố lập luận của nhà lãnh đạo này. Theo đó, chính quyền ông Biden, cùng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã hoàn thành nhiệm vụ dù người dân vẫn chưa cảm nhận được điều đó.

“Không dễ nhìn thấy nền kinh tế hoạt động tốt hơn. Tất nhiên, nhiều người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình chưa được hưởng lợi như họ nên có. Thay đổi điều này là chuyện mà tổng thống và Quốc hội sắp tới cần tập trung” – nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Công ty Dịch vụ tài chính Moody’s (Mỹ) viết trên mạng xã hội X hôm 30-10.

Thực tế kinh tế hiện tại khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới trở nên quan trọng hơn. Người thắng cử sẽ cần thực hiện các cam kết cải tổ nền kinh tế mà không làm chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng hiện tại.

Vài nét về ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Đồ họa: Thanh Long

Vài nét về ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Đồ họa: Thanh Long

Hơn 72 triệu cử tri bỏ phiếu sớm

Hơn 72 triệu cử tri đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, tính đến ngày 2-11. Trong số này, hơn 38 triệu người trực tiếp đến phòng phiếu, cao hơn con số 35 triệu người của cuộc bầu cử năm 2020. Dù vậy, theo dữ liệu mới nhất từ dự án Election Lab của ĐH Florida (Mỹ), tổng số phiếu bầu sớm năm nay vẫn còn kém xa con số 101 triệu phiếu bầu sớm của năm 2020.

Trong ngày 2-11, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris đột ngột thay đổi lịch trình để bay đến bang New York. Cùng ngày, theo đài CNN, bà Harris có chuyến vận động tranh cử tại các bang Bắc Carolina và Georgia. Trong khi đó, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump cũng có chuyến đi đến các bang Bắc Carolina và Virginia.

Theo Reuters, đây là ngày thứ 4 liên tiếp, 2 ứng viên vận động tranh cử ở cùng một bang (Bắc Carolina), qua đó cho thấy họ đang “chạy nước rút” tại những bang được xem là sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử ngày 5-11. Chỉ có 7 bang, bao gồm Bắc Carolina, được xem là bang chiến trường.

Hai ứng viên đều bám sát chủ đề quen thuộc tại các cuộc vận động tranh cử gần đây. Chẳng hạn, ông Trump tuyên bố sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép nếu đắc cử, trong lúc cảnh báo mọi thành phố sẽ trở thành “trại tị nạn nguy hiểm” nếu bà Harris chiến thắng. Trong khi đó, bà Harris khẳng định ông Trump sẽ “lạm quyền” nếu trở lại Nhà Trắng.

Cao Lực

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật