Thứ được mệnh danh là “báu vật trời ban” theo đúng nghĩa, khiến cả thế giới dậy sóng muốn sở hữu đó chính là “Black Beauty – Hắc Mỹ Nhân”.
Black Beauty chính là thiên thạch sao Hỏa, niên đại 4,45 tỷ năm tuổi.
Hắc Mỹ Nhân bắt đầu hành trình đến Trái đất cách đây hơn 5 triệu năm, vào thời điểm con người và tinh tinh đang tách ra từ một tổ tiên chung. Khi đó, một tiểu hành tinh lao vào sao Hỏa làm vô số thiên thạch bắn vào không gian.
Vào một thời điểm nào đó trong khoảng 1000 năm trở lại đây, cơ học quỹ đạo và lực hấp dẫn đã đưa thiên thạch lang thang mệnh danh Hắc Mỹ Nhân này đến Trái đất. Sống sót sau một cú đâm xuyên qua bầu khí quyển Trái đất, thiên thạch sao Hỏa đã hạ cánh xuống Tây Sahara (lãnh thổ ở Tây Bắc châu Phi), rồi phân thành khoảng 10 mảnh vẫn thạch (Meteorite).
Nghìn năm trôi qua, Hắc Mỹ Nhân vẫn ở yên đó cho đến năm 2011, một du mục tên là Bahba đã có công phát hiện ra nó tại Rabt Sbayta, Tây Sahara. Thế giới lập tức bùng nổ!
Khoan. Khoan hãy nói về mức giá đắt “cắt cổ” của thiên thạch lâu đời nhất từ sao Hỏa này; hay cách Hắc Mỹ Nhân khiến mọi nhà sưu tầm chịu chơi trên thế giới nôn nóng muốn sở hữu, hãy bàn đến tầm quan trọng cỡ vũ trụ của thiên thạch sao Hỏa vô cùng hiếm có này.
Phát hiện đột phá vào tháng 12/2024 về Hắc Mỹ Nhân
CNN vừa đăng tải bài viết ngày 10/12/2024 cho biết, nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa có phát hiện đột phá sau hơn 1 thập kỷ nghiên cứu Hắc Mỹ Nhân.
Cụ thể, các nhà khoa học từ Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) và Đại học Curtin (Úc) đã phân tích một hạt Zircon có niên đại 4,45 tỷ năm từ thiên thạch Northwest Africa 7034 (NWA 7034, tên khoa học của Hắc Mỹ Nhân) và tìm thấy chất lỏng giàu nước.
“Zircon có thể chứa bằng chứng trực tiếp lâu đời nhất về nước nóng cổ xưa trên Hành tinh Đỏ. Điều này mở ra khả năng sao Hỏa từng có môi trường như suối nước nóng, nơi có sự sống dồi dào tựa hành tinh của chúng ta bấy lâu nay” – Tác giả chính của nghiên cứu – Tiến sĩ Jack Gillespie, nhà nghiên cứu tại Khoa Khoa học Trái đất và Môi trường của Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) cho biết trong bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science Advances.
Tiến sĩ Aaron Cavosie của Đại học Curtin (Úc) cho biết: “Phát hiện này mở ra hướng đi mới để hiểu về các hệ thống thủy nhiệt cổ đại trên sao Hỏa liên quan đến hoạt động magma, cũng như khả năng sinh sống trong quá khứ của hành tinh này”.
Trên Trái Đất, các khoáng chất Zircon từ hệ thống thủy nhiệt – hình thành khi nước được đun nóng bởi hoạt động núi lửa dưới bề mặt – có hoa văn tương tự như hoa văn được tìm thấy ở Hắc Mỹ Nhân, CNN thông tin.
Thông qua hình ảnh và quang phổ ở quy mô nano hạt Zircon, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra lượng sắt, natri, ytri và nhôm giàu bất thường, cho thấy chất lỏng giàu nước đã để lại những dấu vết này trên Zircon khi nó hình thành cách đây 4,45 tỷ năm trên sao Hỏa.
Việc phát hiện Zircon trong Hắc Mỹ Nhân là một trong những bước đột phá trong hành trình nghiên cứu Hành tinh Đỏ cách Trái đất 225 triệu km của giới nghiên cứu quốc tế. Khám phá này mở đường cho họ nghiên cứu thời điểm chính xác nước xuất hiện trên sao Hỏa và cách nước tiến hóa – và biến mất – theo thời gian tại hành tinh này.
Không chỉ cung cấp về nước, hạt Zircon trong Hắc Mỹ Nhân còn tiết lộ bí mật khác về bằng chứng thiệt hại khủng khiếp chỉ xảy ra trong các vụ va chạm thiên thạch lớn. “Một nghiên cứu của Đại học Curtin năm 2022 về cùng một hạt Zircon đã phát hiện ra rằng nó đã bị ‘sốc’ bởi một vụ va chạm thiên thạch, đánh dấu đây là hạt Zircon bị sốc đầu tiên và duy nhất được biết đến từ sao Hỏa”.
“Hạt Zircon này thực sự là một món quà độc nhất vô nhị từ Hành tinh Đỏ. Biến dạng sốc áp suất cao chưa từng được tìm thấy trong bất kỳ khoáng chất nào trong Hắc Mỹ Nhân. Điều này cung cấp bằng chứng mới về các va chạm mạnh ảnh hưởng đến bề mặt của sao Hỏa thời kỳ đầu” – nhà khoa học Morgan Cox thuộc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Không gian của Đại học Curtin (Úc) cho biết.
Thú vị nhất trong tất cả, Hắc Mỹ Nhân là thiên thạch sao Hỏa đầu tiên được tạo thành từ trầm tích, lắng đọng bởi gió hoặc nước. Đây chính là cửa ngõ để các nhà khoa học tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa – ngay tại Trái đất.
Đến đây, hãy tiếp tục làm rõ câu chuyện vì sao Hắc Mỹ Nhân khiến cả thế giới dậy sóng đến tận ngày nay dù đã được tìm thấy cách đây 10 năm có lẻ.
1/ Hắc Mỹ Nhân đắt hơn vàng gấp 250 lần
Tạp chí Science (Mỹ) cho biết, vào thời điểm thế giới tìm thấy Hắc Mỹ Nhân và xác định rằng đây là thiên thạch cổ nhất của sao Hỏa từng rơi xuống Trái đất thì giá của “người đẹp” này cũng gây sốt toàn cầu:
Hơn 10.000 USD cho một gram. Vàng được giao dịch với giá 40 USD một gram, năm 2014. Như vậy, Hắc Mỹ Nhân đắt hơn vàng gấp 250 lần.
Tổng cộng, 10 vẫn thạch của Hắc Mỹ Nhân nặng 2000 gram. Như vậy, một thiên thạch sống sót sau khi ma sát với không khí đến rực cháy của bầu khí quyển Trái đất có giá: 20.000.000 USD, mức giá này tính vào năm 2014.
Hắc Mỹ Nhân đắt đỏ vì chính bản thân nó. Thứ nhất, nó không giống bất kỳ thiên thạch nào trong số 74 thiên thạch sao Hỏa đã biết khác từng xuống Trái đất. Thứ hai, như đã nói, Hắc Mỹ Nhân là thiên thạch cổ nhất của sao Hỏa từng ghé thăm hành tinh chúng ta. Thứ ba, không chỉ sở hữu vẻ ngoài tuyệt đẹp (đến từ màu đen óng ánh, chứa rất nhiều khoáng chất quý hiếm), Hắc Mỹ Nhân còn là “phúc lành vũ trụ” đối với giới nghiên cứu thiên văn và các nhà sinh vật học vũ trụ.
Đó là lý do, Hắc Mỹ Nhân khiến đồng loạt giới sưu tầm chịu chi cùng các tổ chức quốc tế và giới khoa học toàn cầu khát khao sở hữu. Hơn một chục tổ chức quốc tế, hàng trăm nhà khoa học và nhà sưu tầm sẵn sàng trả giá đắt để có được cơ hội xếp hàng lấy được một trong 10 vẫn thạch của Hắc Mỹ Nhân.
2/ Ai sở hữu Hắc Mỹ Nhân?
Kể từ năm phát hiện Hắc Mỹ Nhân ở Tây Sahara năm 2011, vào năm 2012 và 2013, hàng trăm thợ săn thiên thạch đã lùng sục khắp đụn cát ở vùng sa mạc rộng lớn của tây bắc Châu Phi để tìm tung tích “người đẹp”, bất chấp cái nóng rát, khô hạn của vùng đất đầy cát sỏi này.
Rabt Sbayta nhanh chóng trở thành một ngôi làng, với hàng chục lều trại mọc lên và hàng trăm người lùng sục những đụn cát dài 10km [nơi thiên thạch Hắc Mỹ Nhân vỡ ra trong những khoảnh khắc cuối cùng khi nó lao xuống] với một quy tắc bất thành văn: Ai tìm thấy người ấy giữ!
Ngay từ khi cái tên Hắc Mỹ Nhân xuất hiện, nó đã làm bùng nổ thế giới sưu tầm. Người đầu tiên sở hữu vẫn thạch Hắc Mỹ Nhân là một bác sĩ người Mỹ, nhà sưu tầm “nghiện” thiên thạch tên là Jay Piatek.
Vẫn thạch Hắc Mỹ Nhân đầu tiên mà Jay Piatek sở hữu nặng 320 gram (tính theo giá 10.000 USD cho một gram thì vẫn thạch của Jay Piatek ước tính có giá 3,2 triệu USD, tính vào năm 2014). Jay Piatek mua nó lại từ Aziz Habibi, một đại lý đến từ Erfoud (Ma-rốc) với giá 6.000 USD năm 2013. Một năm sau đó, mức giá của Hắc Mỹ Nhân bắt đầu bùng nổ do được giới khoa học đánh giá về độ hiếm có, khó tìm của nó.
Kinh ngạc hơn, theo Tạp chí Science, Jay Piatek sở hữu hai phần ba trong số 2.000 gram Hắc Mỹ Nhân được biết đến.
Về sau, với mục đích chia sẻ vẫn thạch Hắc Mỹ Nhân cho những nhà khoa học yêu mến thiên văn học cũng như các tỷ phú khác mà một số vẫn thạch Hắc Mỹ Nhân (có khối lượng khác nhau) được sở hữu bởi những người khác.
Trong đó có Trung tâm nghiên cứu thiên thạch Buseck tại Đại học Bang Arizona, Mỹ; Tỷ phú công nghệ Naveen Jain – người sáng lập kiêm cựu giám đốc điều hành của InfoSpace (Mỹ); Thợ săn thiên thạch người Pháp Luc Labenne…
Tất cả những người chơi trong thế giới thiên thạch đều có động cơ của họ. Thợ săn thiên thạch muốn kiếm tiền. Những người sưu tầm muốn tạo ra một bộ hoàn chỉnh, độc nhất vô nhị. Còn các nhà khoa học muốn tạo dựng tên tuổi của họ từ những phát hiện trong “đá trời” này.
Hay thay, ở họ có mối quan hệ thận trọng nhưng cộng sinh. Các nhà khoa học được hưởng lợi từ quy tắc “20/20” lâu đời: Để có được tên thiên thạch và phân loại chính thức – việc nghiên cứu giúp làm cho viên đá có giá trị hơn – một người buôn bán hoặc nhà sưu tầm phải giao cho một tổ chức khoa học 20 gram hoặc 20% trọng lượng của viên đá.
Do đó, 13 năm trôi qua kể từ khi Hắc Mỹ Nhân được tìm thấy, các nhà khoa học vẫn đang đào sâu hơn vào bên trong tảng đá. Mỗi vết cắt và lát cắt đều mang lại điều bất ngờ. Có người tìm thấy các mạch pyrit, lại có người đang “săn” dấu hiệu hữu cơ trong Hắc Mỹ Nhân; và việc tìm thấy bằng chứng của nước năm 2024 có thể đẩy giá của “mỹ nhân” này lên một mức mới.
Ngay cả khi không có dấu vết sinh học của sự sống, Black Beauty vẫn có nhiều điều hấp dẫn các nhà khoa học và nhà sưu tầm toàn cầu. Thiên thạch hơn 4 tỷ năm tuổi của sao Hỏa không chỉ chứa đựng một câu chuyện địa chất mà còn là một tuyển tập khổng lồ.
“Nhìn vào các lát cắt, chúng tôi như đang đứng trước một khu vực tương đương với một cánh đồng địa chất trên sao Hỏa” – Carl Agee, một nhà khí tượng học tại Đại học New Mexico, Albuquerque (Mỹ) cho biết.
Tham khảo: CNN, Tạp chí Science, Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS)