spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhBị áp thuế ồ ạt, Bắc Kinh không "phản đòn" mạnh: Kinh...

Bị áp thuế ồ ạt, Bắc Kinh không "phản đòn" mạnh: Kinh tế Trung Quốc giảm tốc so với 2 năm trước

Các nhà phân tích nói với CNA rằng, khi bị phương Tây áp thuế, Bắc Kinh có thể thận trọng để tránh gây ra chiến tranh thương mại, vì biết những gì đang đe dọa nền kinh tế của họ.

Theo các nhà phân tích, trong quá trình đó, Trung Quốc có thể điều chỉnh chiến lược thương mại bằng cách tìm cơ hội ở Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa của mình khi phương Tây gia tăng các rào cản.

Bị áp thuế ồ ạt, Bắc Kinh không "phản đòn" mạnh: Kinh tế Trung Quốc giảm tốc so với 2 năm trước- Ảnh 1.

Một tàu chở hàng tại Cảng Ninh Ba, Trung Quốc. Ảnh: IMO

Trung Quốc không thể trả đũa mạnh mẽ

Channel News Asia (CNA) ngày 17/9 đưa tin, trong nhiều tháng, Trung Quốc đã bất đồng quan điểm với Canada và Liên minh châu Âu (EU) khi cả hai đều theo bước Mỹ và áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cụ thể là xe điện, pin và tấm pin mặt trời, cũng như thép và nhôm của nước này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/9 đã quyết định tăng thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm thuế 100% đối với xe điện và 25% đối với pin xe điện. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/9.

Tiếp sau Mỹ, Canada cũng áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10. Ngoài ra, Canada còn có kế hoạch áp mức thuế bổ sung 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 15/10.

Trong khi đó, EU đã hạ mức thuế đề xuất đối với xe điện Tesla nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì các mức thuế mang tính trừng phạt khác được áp dụng từ tháng 7 đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ sẽ áp thêm thuế lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhưng các nhà phân tích cho biết, ngay cả khi Bắc Kinh tuyên bố vào ngày 9/9 về việc bắt đầu cuộc điều tra “chống phân biệt đối xử” kéo dài một năm để trả đũa việc Canada áp thuế phụ thu 100% đối với tất cả các loại xe điện do Trung Quốc sản xuất, thì thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đơn giản là không đủ khả năng để tham gia vào một cuộc chiến thương mại.

“Tình hình kinh tế hiện tại ở Trung Quốc không mấy khả quan”, tiến sĩ Chen Bo – giáo sư kinh tế tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, Trung Quốc – cho biết.

“Bắc Kinh chắc chắn hiểu được chi phí tốn kém của cuộc chiến thương mại. Tôi không nghĩ họ có ý định gây ra cuộc chiến thương mại với bất kỳ quốc gia hay nền kinh tế nào, đặc biệt là với EU. Đây là một trò chơi mà tất cả cùng thua”, Chen nói.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng “yếu hơn nhiều so với hai năm trước” giáo sư luật Henry Gao từ Đại học Quản lý Singapore, cũng là giáo sư chủ nhiệm Khoa Đông Phương tại Viện Ngoại thương Thượng Hải, cho biết. “Do đó, nền kinh tế có thể không chịu được những tác động tiêu cực của các biện pháp trả đũa.”

Theo CNA, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP thực tế 5% trong năm nay. Trong quý 2, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức mà các nhà kinh tế chỉ ra là thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng. Điều này diễn ra sau mức tăng trưởng 5,3% được ghi nhận trong quý 1.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters được công bố trong tuần này, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm, tăng cao hơn dự kiến vào tháng 8 khi các nhà sản xuất đẩy nhanh tiến độ giao hàng trước khi bị áp mức thuế dự kiến. Tuy nhiên, báo cáo của Reuters cho biết số liệu nhập khẩu của Trung Quốc không đạt kỳ vọng.

Tiến sĩ Chen đến từ Vũ Hán cho biết, EU đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc, với sự tham gia của các công ty lớn như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz. Ông cho biết mặc dù căng thẳng vẫn ở mức cao, nhưng có thể có tiềm năng để hai nền kinh tế “tìm ra cách giảm bớt căng thẳng” và thỏa hiệp.

“EU vẫn có thể áp dụng một số loại thuế đối với xe điện Trung Quốc, trong khi Chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra một số cam kết về việc giảm trợ cấp và cũng cho phép các sản phẩm nông nghiệp của EU vào Trung Quốc mà không bị áp thuế phạt”, Chen nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không lạc quan lắm về tranh chấp đang diễn ra giữa Trung Quốc và Canada, bởi quan hệ hai nước vốn đã căng thẳng từ sau vụ Canada bắt giám đốc tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ vào năm 2018.

Bình luận về tình hình, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis (Pháp) Alicia Garcia-Herrero tin rằng “Trung Quốc không thể áp dụng biện pháp trả đũa một cách nghiêm khắc hoặc mạnh mẽ như họ nghĩ”, một phần vì nền kinh tế Canada rất mạnh.

Bị áp thuế ồ ạt, Bắc Kinh không "phản đòn" mạnh: Kinh tế Trung Quốc giảm tốc so với 2 năm trước- Ảnh 2.

Những chiếc xe điện BYD xếp chồng lên nhau để chờ được đưa lên tàu tại Cảng Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Lợi ích cho Đông Nam Á?

Các nhà phân tích cho biết, bất kỳ cuộc chiến thương mại nào giữa Trung Quốc và phương Tây chắc chắn sẽ có tác động lan tỏa và các quốc gia Đông Nam Á có thể được hưởng lợi.

Theo CNA, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong 14 năm liên tiếp và kim ngạch thương mại giữa các bên đạt mức cao kỷ lục 722 tỷ USD vào năm 2022.

“Đầu tiên là tận dụng được khối lượng hàng hóa lan tỏa [từ Trung Quốc] với giá thấp”, Warwick Powell – giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Công nghệ Queensland (Úc) – cho biết.

“Thứ hai là các công ty Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện của họ tại [Đông Nam Á] như một nền tảng để xuất khẩu sang EU và Bắc Mỹ. Mô hình này vốn đã được triển khai”, Powell nói.

Theo các chuyên gia, khu vực Đông Nam Á có thể chứng kiến cả tác động tích cực và tiêu cực sau một cuộc chiến thuế quan tiềm tàng.

“Nếu lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc quá cao đến mức buộc nhiều nguồn vốn của Trung Quốc và nước ngoài trước đây đặt tại Trung Quốc phải chuyển một phần năng lực sản xuất ra ngoài, thì lựa chọn tự nhiên hoặc lựa chọn dễ dàng nhất sẽ là Đông Nam Á để chuỗi cung ứng thực sự có thể được mở rộng”, tiến sĩ Chen cho biết.

Trong tương lai, các loại xe điện mới của Trung Quốc cũng có thể được xuất khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á này sang EU đến Mỹ, giáo sư luật Gao cho biết.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc cố gắng xoay trục và hướng nhiều hàng xuất khẩu hơn sang các nước Đông Nam Á, họ cũng phải đối mặt với sự phản kháng trong khu vực.

Theo CNA, Indonesia – một cường quốc toàn cầu đang phát triển và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – đang cân nhắc một mức thuế nặng đối với hàng dệt may nhập khẩu.

Thái Lan cũng bày tỏ lo ngại về làn sóng hàng hóa giá rẻ gần đây từ Trung Quốc, cho biết các nhóm ngành công nghiệp trong nước không thể cạnh tranh.

Malaysia đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá của riêng mình đối với hàng nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tháng 8.

“Chính phủ sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thêm cho thị trường trong nước”, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cho biết trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 9/8.

Hữu Hiển

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật