
Chính quyền Taliban đang trong quá trình đàm phán với Nga về việc cho phép ngân hàng 2 bên thanh toán song phương bằng nội tệ, quyền Bộ trưởng Thương mại Afghanistan Haji Nooruddin Azizi nói với Reuters.
Ông Azizi cũng cho biết Afghanistan đã đề xuất kế hoạch tương tự với Trung Quốc và đã tổ chức một số cuộc thảo luận với Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul. Theo ông, các nhóm kỹ thuật của Afghanistan và Nga hiện đang thảo luận về kế hoạch hợp tác này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga đẩy mạnh sử dụng đồng nội tệ trong giao thương quốc tế để giảm phụ thuộc vào đồng USD. Trong khi đó, Afghanistan đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, đặc biệt là USD, do các gói viện trợ quốc tế bị cắt giảm mạnh sau khi Taliban tiếp quản chính quyền năm 2021.
“Chúng tôi đang tiến hành thảo luận chuyên sâu, cân nhắc các yếu tố kinh tế khu vực và toàn cầu, các lệnh trừng phạt cùng những khó khăn mà cả Afghanistan và Nga đang đối mặt”, ông Azizi chia sẻ với Reuters.
Hiện chưa có phản hồi chính thức từ Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Ngoại giao Trung Quốc về thông tin này. Đáng chú ý, Nga và Trung Quốc là 2 quốc gia chủ chốt của nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS.
Ông Azizi cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Afghanistan và Nga hiện khoảng 300 triệu USD/năm và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi hai bên thúc đẩy đầu tư. Từ năm 2022, Afghanistan đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt, dầu mỏ và lúa mì từ Nga.
Với Trung Quốc, ông Azizi cho biết kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Một tổ công tác chung giữa Bộ Thương mại Afghanistan và Đại sứ quán Trung Quốc đã được thành lập để thúc đẩy thanh toán song phương.
Do lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào các lãnh đạo Taliban, hệ thống tài chính của Afghanistan gần như bị cắt khỏi mạng lưới ngân hàng toàn cầu. Trong khi đó, các đợt cắt giảm viện trợ, đặc biệt từ Mỹ, khiến lượng USD nhập khẩu thông qua các tổ chức nhân đạo sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo ông Azizi, đồng nội tệ Afghani vẫn giữ được sự ổn định tương đối. Chính phủ đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài cũng như cộng đồng người Afghanistan ở nước ngoài để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt USD.
Afghanistan được cho đang sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, như khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, đồng và đất hiếm, song phần lớn chưa được khai thác do nhiều thập kỷ hỗn loạn.
Từ cuối năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về việc nắm giữ dự trữ ngoại hối bằng USD hoặc EUR, cho rằng đây là những tài sản có thể bị phong tỏa vì lý do chính trị và nhấn mạnh ưu tiên đầu tư trong nước. Xu hướng “phi đô la hóa” ngày càng rõ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục ảnh hưởng đến Nga, Iran, Venezuela và hiện là Afghanistan.
Tham khảo: Reuters