spot_img
10 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhBị lừa hàng chục tỷ đồng vì đầu tư tiền ảo

Bị lừa hàng chục tỷ đồng vì đầu tư tiền ảo

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo số tiền lớn với thủ đoạn dụ dỗ đầu tư tiền ảo trên mạng.
Bị lừa hàng chục tỷ đồng vì đầu tư tiền ảo- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngày 17/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa tiếp nhận đơn trình báo của một công dân về việc bị chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo, thông qua sàn giao dịch Coinbase và ví điện tử Coinbase Wallet.

Theo trình bày của người bị hại, khoảng đầu năm 2024 có một tài khoản Facebook mạo danh tên là Đinh Thái Châu kết bạn với bị hại và dụ dỗ tham gia đầu tư tiền ảo thông qua sàn Coinbase.

Đầu tiên, các đối tượng chuyển hướng cho bị hại liên lạc qua ứng dụng Telegram để tránh bị truy vết thông tin, rồi dùng lời lẽ “có cánh” như lợi nhuận cao, an toàn, làm giàu nhanh chóng… để bị hại cả tin, bỏ tiền tham gia đầu tư theo yêu cầu và hướng dẫn của họ.

Sau đó, Đinh Thái Châu dụ dỗ bị hại cài đặt thêm đường link: http://tradedefi.link/#/home vào ví điện tử Coinbase Wallet để bổ sung một số chức năng đầu tư tiền ảo, như hợp đồng đầu tư AI lượng tử, khoản vay, nạp tiền, rút tiền… Tuy nhiên, muốn rút và nạp tiền đều phải thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng nằm trong đường dây lừa đảo của đối tượng.

Trong trường hợp này, bị hại đã bị dụ dỗ tham gia vào hoạt động vay tiền ảo để đầu tư lấy lãi, tức là phải nộp vào một số tiền gọi là thế chấp vào tài khoản của sàn để được vay, đầu tư các đồng tiền ảo.

Thế nhưng, khi muốn rút tiền thì bị phía sàn giao dịch Coinbase đưa ra lý do “nộp tiền thuế theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ” để tiếp tục lừa đảo và cuối cùng tiền vẫn không rút ra được. Tổng cộng, bị hại đã thực hiện nhiều lượt giao dịch chuyển tiền với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 12,5 tỷ đồng.

Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng cho biết, một phụ nữ ở Hà Nội mới đây đã bị lừa đảo hơn 9 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo trên mạng.

Cụ thể bà T (Hà Nội), thông qua mạng xã hội Facebook đã kết bạn với một tài khoản tên Nguyễn Thị Thùy Dung, sau một thời gian người này đã dụ dỗ bà T tham gia đầu tư tiền ảo.

Trước những lời quảng cáo hấp dẫn từ người bạn Facebook này, bà T đã làm theo, tạo tài khoản và chuyển số tiền tới 5 tỷ đồng để tham gia đầu tư. Sau một thời gian, số tiền lãi hiển thị là 350.000 USD (tương đương 9 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi bà T muốn rút số tiền lãi trên, đối tượng yêu cầu trong vòng 5 tiếng phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản (tương đương 1,8 tỷ đồng) và 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi (tương ứng 1,6 tỷ đồng), 3% (tương ứng 360 triệu đồng) tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cán nhân. Bà T sau đó tiếp tục nộp thêm 1,2 tỷ đồng nhưng vẫn không rút được tiền ra.

Tại Tây Ninh, Cơ quan công an mới đây đã tiếp nhận một trường hợp khai báo bị lừa đảo trên 3,4 tỷ đồng với thủ đoạn dụ dỗ đầu tư tiền ảo. Theo đó, ông T. 62 tuổi (TP. Tây Ninh) cho biết mình đã kết bạn với một tài khoản FB có tên QN. Sau thời gian nhắn tin trò chuyện, ông và QN đã nảy sinh tình cảm với nhau.Khi tạo được lòng tin, “QN” dẫn dụ ông T đầu tư mua bán tiền điện tử USDT trên sàn giao dịch OKX. Lấy lý do sàn OKX đầu tư được ít lợi nhuận, “QN” kêu ông T rút hết tiền ở OKX sang đầu tư cho sàn UTSpeed với lãi suất từ 3-4%/ngày.

Cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của “QN” và các nhân viên chăm sóc khách hàng, ông T. đã chuyển khoản 14 lần với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng để đầu tư. Tuy nhiên, sau đó ông phát hiện không thể rút tiền về lại khoản. Khi ông liên lạc với “QN” và nhân viên chăm sóc khách hàng thì nhận được thông báo tài khoản không tồn tại. 

Hồi tháng 10, một người phụ nữ ở Đà Nẵng cũng bị các đối tượng xấu dụ dỗ đầu tư tiền ảo trên mạng và bị lừa mất 3 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 9/2024, khi đang sử dụng mạng xã hội Facebook, chị L.T.N (40 tuổi, trú tại Đà Nẵng) nhận được lời mời kết bạn từ một tài khoản Facebook lạ mặt. Người này tự giới thiệu là một doanh nhân người Việt Nam, hiện đang làm việc tại Đài Loan. Sau một thời gian nói chuyện tạo được niềm tin với chị N., người này liền mời chị tham gia đầu tư tiền ảo qua trang một trang website.

Lần đầu, chị N. nạp 12 triệu đồng vào và ngay lập tức rút về được 16 triệu đồng. Lần thứ hai, chị N. nạp 30 triệu đồng và rút ra được 58 triệu đồng.

Thấy việc đầu tư quá dễ dàng, lợi nhuận khủng cộng thêm lời dụ dỗ của vị doanh nhân ảo kia, chị N. tiếp tục nạp thêm 180 triệu đồng vào và nhận được thông báo thắng lớn. Tuy nhiên, chị không thể rút tiền về được.

Lúc này, hệ thống liên tục đưa ra các lý do để yêu cầu chị nộp thêm tiền vào mới rút tiền lãi ra được như thuế thu nhập cá nhân, phí xác minh tài khoản, bảo lãnh rửa tiền… Do tiếc tiền và bị các đối tượng thao túng tâm lý, chị N. đã liên tục chuyển cho các đối tượng hơn 3 tỷ đồng rồi bị chiếm đoạt.

Không dừng lại ở đó, các đối tượng trong nhóm tiếp tục sử dụng tài khoản Facebook có tên “Luật sư Huy” tiếp cận chị N. và giới thiệu có quan hệ với Bộ Công an và có thể lấy lại tiền lừa đảo. Đối tượng yêu cầu chị N. phải đóng các khoản “phí lập hồ sơ”, ” phí điều tra “… Do hoảng loạn và thiếu hiểu biết, chị N. lại tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thêm 400 triệu đồng.

Qua các vụ việc này cho thấy, các đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân bằng nhiều phương thức, rất đa dạng, có thể từ quảng cáo trên mạng xã hội, hoặc vào vai doanh nhân thành đạt kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài, dần dần lôi kéo đầu tư. Các đối tượng cũng tìm nhiều cách để không gặp mặt nạn nhân, lấy lý do ở nước ngoài, đi công tác… giả mạo định vị để tạo lòng tin….

Ngoài ra, nạn nhân thường được đưa vào các nhóm kín trên mạng xã hội (Zalo, Telegram…) có nhiều tài khoản ảo đóng vai “ chuyên gia đọc lệnh ”, thành viên cùng tham gia đầu tư. Các tài khoản ảo thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lãi suất từ sàn đầu tư sau khi làm theo hướng dẫn của các “chuyên gia”. Khi nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, cân nhắc chuyển tiền, các tài khoản ảo liên tục thúc giục việc chuyển tiền để nhóm tiếp tục hoạt động.

Để phòng tránh lừa đảo, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn. Đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch trước khi đầu tư, đặc biệt là các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật, hoặc giả mạo của sàn đầu tư chính thống.

Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó. Và tuyệt đối không liên hệ với các tài khoản mạng xã hội đăng tải nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo”, “thu hồi vốn treo”,… vì các tài khoản này đều là lừa đảo. Khi phát hiện bị lừa đảo, trình báo ngay đến cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật