“Báu vật” của Trung Quốc
Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trung Quốc và tặng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai một hộp hạt giống quế Thanh quý hiếm của Việt Nam.
Quế Thanh (Thanh Hóa) nổi tiếng thế giới nên Thủ tướng Chu Ân Lai rất trân trọng và đã chuyển giao giống quế cho Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Sau đó, Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Đông đã trồng phần lớn hạt quế ở Tín Nghi, một huyện trọng điểm sản xuất dược liệu phía Nam vào thời điểm đó.
Thị trấn Hồng Quán, huyện Tín Nghi, vốn nổi tiếng với danh xưng “Quê hương của các loại thảo dược miền Nam’, nơi hội tụ nhiều loại dược liệu quý như sa nhân, ích trí nhân và hoa hồi.
Chính vì vậy, hạt quế do Bác Hồ trao tặng đã được lựa chọn để định cư tại mảnh đất giàu truyền thống dược liệu này.
Từ đó, Hồng Quán bắt đầu lịch sử phát triển nghề trồng quế Thanh.
Năm 1978, các chuyên gia y học Trung Quốc đã đích thân đến Hồng Quán kiểm tra tình hình sản xuất quế Thanh..
Sau khi thử nghiệm, người ta thấy rằng tính chất dược liệu của cây quế Thanh được trồng tại Hồng Quán rất giống với cây quế Thanh ở Việt Nam, có giá trị để phát triển.
Để phân biệt với quế Thanh trồng Việt Nam, quế Thanh trồng ở Hồng Quán được đặt tên là quế Nam. Từ đó, việc trồng quế Nam đã trở nên phổ biến ở Hồng Quán và hầu như hộ gia đình nào ở địa phương này cũng trồng quế Nam.
Năm 1982, Công ty Dược liệu Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia và kết luận rằng chất lượng quế Nam tốt hơn quế các vùng khác ở Trung Quốc và là giống quế xuất sắc nhất trong số các giống quế được trồng ở Trung Quốc.
Năm 1992, thị trấn Hồng Quán được tỉnh chỉ định là “Cơ sở sản xuất quế dược liệu thân gỗ của tỉnh Quảng Đông”. Năm 1995, quế Nam sản xuất tại thị trấn Hồng Quán đã giành huy chương vàng tại Hội chợ Nông nghiệp Trung Quốc lần thứ hai.
Việc phát triển và trồng quế Nam ở Hồng Quán đã có lịch sử gần 60 năm. Quế Nam đã trở thành đặc sản chính của Hồng Quán. Theo đánh giá, do quế Nam Hồng Quán có chất lượng tốt nên giá thị trường cao hơn so với các sản phẩm cùng loại.
Người dân địa phương cũng đã dần hình thành thói quen trồng quế Nam và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong các khâu như gieo trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây quế Nam.
Hiện nay, nghề trồng quế Nam tại Hồng Quán đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân, tạo dựng nền tảng xã hội vững chắc cho việc phát triển sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu quý, đồng thời trở thành hướng đi hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế và làm giàu cho địa phương.

Hạt giống quế Thanh Bác Hồ tặng Thủ tướng Chu Ân Lai nay đã trở thành cây cổ thụ, thân to đến mức một người lớn ôm không hết. Ảnh: Nhật báo Mậu Danh
“Mỏ vàng” của Việt Nam
Theo sách sưa ghi lại, ở nước ta, quế Thanh được trồng chủ yếu ở khu vực miền Trung và vùng trung tâm của quế là Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Quế Thanh được dùng trong y học như một trong những vị thuốc quan trọng chữa trị nhiều loại bệnh. Quế đứng thứ ba trong tứ đại danh dược, bao gồm sâm, nhung, quế, phụ.
Tại Hội thảo quốc gia phát triển bền vững ngành quế Việt Nam (2023), Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, Việt Nam hiện là nước sản xuất quế lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 180.000 ha. Từ năm 2021, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu loại gia vị này.
Riêng trong tháng 3/2025, Việt Nam xuất khẩu được 7.633 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 20,7 triệu USD, tăng 48,6% so với tháng trước đó. Ấn Độ, Mỹ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của quế Việt Nam.
Trong năm 2024 Việt Nam xuất khẩu được 99.874 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 274,5 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 5,2% về kim ngạch xuất khẩu so với năm 2023. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, đạt 35.885 tấn, chiếm 35,9%.
Hiện nay, quế trên thế giới chủ yếu được trồng tại các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Madagascar và Sri Lanka. Trong khoảng 300 loài quế được biết đến toàn cầu, có 4 loài chiếm ưu thế về sản lượng và lưu thông quốc tế, bao gồm: Quế Quan (còn gọi là quế Ceylon), quế Bì (quế Trung Quốc), quế Thanh (quế Việt Nam) và quế Rành.
Theo dữ liệu từ công ty Tridge, bốn quốc gia sản xuất quế lớn nhất thế giới là Indonesia với sản lượng 89.000 tấn/năm, Trung Quốc đạt 82.000 tấn, Việt Nam xếp thứ ba với 41.000 tấn và Sri Lanka với 24.000 tấn. Dù vậy, Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu quế.
Đặc biệt, năm 2022 được xem là cột mốc ấn tượng khi quế Việt chỉ chiếm 18,2% sản lượng toàn cầu nhưng lại chiếm tới 34,4% thị phần xuất khẩu với tổng kim ngạch vượt 292 triệu USD.
Mặc dù đang giữ vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu quế, song theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên, Việt Nam vẫn cần xây dựng được một chiến lược phát triển bền vững ở tầm quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ cho các nghiên cứu nhằm nhanh chóng đáp ứng yêu cầu từ thị trường cũng cần được đẩy mạnh.
Công tác chọn tạo giống vẫn chưa được chú trọng đúng mức, cây giống chất lượng cao chưa được nghiên cứu và phát triển bài bản. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến năng suất quế của Việt Nam còn thấp so với mức trung bình toàn cầu, đặc biệt là so với Trung Quốc.
Chính vì vậy, tại hội thảo năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số điều chỉnh và định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy ngành quế phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Theo Cục Nông nghiệp Nông thôn thành phố Mậu Danh tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc