
Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại thị trường châu Á, Bitcoin đã đạt đỉnh ở mức 116.781,10 USD, nâng tổng mức tăng từ đầu năm đến nay lên hơn 24%. Lần cập nhật gần nhất, đồng tiền mã hóa này được giao dịch quanh mức 116.563,11 USD.
Ngoài ra, đồng Ether, tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới, cũng đã tăng gần 5% lên mức 2.956,82 USD.
Theo ông Joshua Chu, đồng Chủ tịch Hiệp hội Web3 Hong Kong – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về tiền mã hóa, việc Bitcoin lập đỉnh mới được thúc đẩy bởi làn sóng mua vào không ngừng của các tổ chức khiến thanh khoản trên các sàn giao dịch cạn kiệt.
Bên cạnh đó, Bitcoin tăng giá mạng còn do các chính sách thân thiện với tiền mã hóa của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Hồi tháng 3, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thiết lập kho dự trữ chiến lược tiền mã hóa. Ông cũng đã bổ nhiệm một số nhân vật có quan điểm tích cực với loại tiền này, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) Paul Atkins và cố vấn cấp cao về trí tuệ nhân tạo của Nhà Trắng David Sacks.
Bitcoin tăng giá khi thị trường chứng khoán Mỹ chịu tác động từ thuế quan từ Tổng thống Donald Trump, khiến cổ phiếu trong nước sụt giảm. Tuy nhiên, hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ chỉ giảm 0,1% và cổ phiếu công nghệ toàn cầu tiếp tục tăng. Đơn cử, Nvidia trong một thời gian ngắn chạm mức vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD.
CoinDesk dẫn lời Augustine Fan, Trưởng bộ phận thông tin của nền tảng giao dịch quyền chọn SignalPlus, cho biết: “Giá tiền số đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại mới nhờ bối cảnh rủi ro và vốn đầu tư hỗ trợ”.
Trong khi môi trường vĩ mô vẫn còn nhiều điều không chắc chắn, Gerry O’Shea, phát ngôn viên về thị trường toàn cầu tại công ty quản lý tiền số Hashdex, dự báo xu hướng tăng giá “còn lâu mới kết thúc”. Đơn vị này cho rằng các chất xúc tác mới cho thị trường tiền số, gồm việc nhiều tổ chức tài chính đang nhảy vào cuộc chơi, có thể giúp đẩy giá BTC lên 140.000 USD hoặc cao hơn trong năm nay.