Trong tuyên bố chung, lãnh đạo 10 nước BRICS cho biết: “Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tiếp tục thảo luận về Sáng kiến Thanh toán Xuyên biên giới của BRICS”.
Một khảo sát do Ngân hàng Trung ương Brazil chuẩn bị sẽ được trình bày trong hội nghị kéo dài 2 ngày tại Rio de Janeiro.
Tuy vậy, bất chấp tham vọng lớn, tiến độ triển khai lại rất chậm chạp, trong khi dòng chảy thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng đến mức BRICS có thể sẽ không bắt kịp. Đây là một cơ hội bị bỏ lỡ, nhất là trong bối cảnh đồng USD chịu áp lực.
Từ đầu năm tới nay, USD ghi nhận khởi đầu tệ nhất kể từ năm 1973. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế, tạo lợi thế cho thị trường mới nổi, trong đó có các nước BRICS.
Sáng kiến thanh toán xuyên biên giới lần đầu tiên được đề cập trong tuyên bố năm 2015 của khối BRICS. Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, hệ thống ngân hàng trung ương của một số quốc gia trong khối hiện chưa sẵn sàng. Các trở ngại kỹ thuật liên quan đến cơ chế thanh toán, loại tiền sử dụng, hạ tầng công nghệ, chi phí triển khai và cả yếu tố bảo mật vẫn đang được tranh luận.
Việc mở rộng khối BRICS với thêm nhiều thành viên mới cũng làm tiến trình bị trì hoãn. Đáng chú ý, một số đồng tiền của các nước thành viên vẫn chưa được chuyển đổi tự do, trong khi lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Iran và Nga khiến việc tích hợp hệ thống trở nên phức tạp hơn. Một số quốc gia còn đặt vấn đề liệu chi phí đầu tư cho một hệ thống thống nhất có thực sự xứng đáng nếu xét đến hiện trạng thương mại song phương hiện nay.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tận dụng tình hình để thúc đẩy vai trò toàn cầu của đồng nhân dân tệ. Phát biểu gần đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Pan Gongsheng, nêu rõ mục tiêu mở cửa thị trường tài chính sâu rộng hơn, đồng thời thúc đẩy vai trò trung tâm của nhân dân tệ trong dòng vốn toàn cầu.
Bắc Kinh đang xem xét ra mắt hợp đồng tương lai nhân dân tệ nội địa – một công cụ phòng ngừa rủi ro cạnh tranh với thị trường Singapore và Chicago, đồng thời mở rộng hệ thống thanh toán CIPS đến nhiều ngân hàng nước ngoài hơn.
Lãnh đạo BRICS cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy tài trợ bằng nội tệ, đa dạng hóa nguồn vốn và tăng cường hợp tác thương mại vì sự phát triển bền vững và toàn diện. Tuy nhiên, một tài liệu nội bộ cho thấy nền tảng đầu tư mới (NIP), từng được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống trong tài chính phát triển, hiện cũng đang trong tình trạng đình trệ vì các ý kiến trái chiều và tính chất kỹ thuật phức tạp.
Tổng thống Trump mới đây đe dọa sẽ áp thuế 100% với các quốc gia BRICS nếu họ từ bỏ đồng USD trong giao dịch song phương. Sức ép này, ngược lại, càng thúc đẩy các quốc gia trong khối tìm kiếm những hệ thống thanh toán độc lập hơn, sử dụng nội tệ để tránh phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Song, theo một số quan chức, BRICS hiện không có kế hoạch từ bỏ đồng USD hoàn toàn hay thiết lập một đồng tiền chung. Các cuộc thảo luận về hệ thống thanh toán vẫn đang tiếp diễn bất chấp những đe dọa từ phía Mỹ.
Tuyên bố của BRICS cũng nhấn mạnh thêm một thách thức khác, đó là biến động trong chính sách tiền tệ của những nền kinh tế phát triển đang gây áp lực lên các quốc gia có mức nợ cao.
“Lãi suất tăng và điều kiện tài chính bị siết chặt khiến nhiều nước phải đối mặt với rủi ro nợ lớn hơn,” bản tuyên bố viết.
Khối BRICS cũng đang xem xét thành lập một sáng kiến bảo lãnh đa phương, gọi là BMG, nhằm nâng cao uy tín tín dụng cho các quốc gia thành viên và khu vực Nam bán cầu. Sáng kiến này sẽ được “ươm mầm” trong Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và triển khai ban đầu mà không yêu cầu thêm vốn góp.
Tổng hợp