
Kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận sự suy giảm trong quý I/2024, đánh dấu lần đầu tiên trong vòng một năm nền kinh tế này thu hẹp. Theo dữ liệu mới công bố, GDP thực tế của Nhật giảm 0,7% so với năm trước trong quý I, vượt xa mức dự báo giảm 0,2%. So với quý trước, kinh tế Nhật giảm 0,2%.
Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn mong manh, đặc biệt khi phải đối mặt với các chính sách thuế quan từ phía Washington – một yếu tố có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng xuất khẩu sụt giảm.
Trong quý I/2024, tiêu dùng cá nhân – chiếm hơn 50% GDP nước này, gần như không tăng trưởng, trái với kỳ vọng tăng 0,1%. Xuất khẩu giảm 0,6% trong khi nhập khẩu tăng 2,9%. Ngược lại, đầu tư doanh nghiệp tăng 1,4%, vượt xa dự đoán 0,8%, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp mạnh tay chi tiêu trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực.
Chuyên gia kinh tế Yoshiki Shinke từ Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định: “Kinh tế Nhật thiếu động lực tăng trưởng cả từ xuất khẩu lẫn tiêu dùng, do đó dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài như chính sách thuế của Mỹ”.
Trong bối cảnh hiện tại, nguy cơ kinh tế Nhật Bản tiếp tục sụt giảm trong quý II đang hiện hữu, phụ thuộc vào thời điểm và mức độ ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan từ Mỹ. Điều này làm tăng áp lực buộc chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba phải xem xét các biện pháp kích thích tài khóa mới, thậm chí giảm thuế.
Về phía Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), mặc dù đã nâng lãi suất lên 0,5% từ tháng 1 sau khi chấm dứt chính sách nới lỏng kéo dài cả thập kỷ, nhưng sự bất ổn toàn cầu khiến BOJ phải hạ dự báo tăng trưởng tại cuộc họp chính sách gần nhất. Mọi kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo có thể bị trì hoãn nếu xuất khẩu và đầu tư suy yếu nghiêm trọng do ảnh hưởng của thuế quan.
Tuy việc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hạ nhiệt giúp thị trường lạc quan đôi chút, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể được miễn trừ khỏi các rào cản thuế từ Mỹ hay không. Các cuộc đàm phán song phương Nhật – Mỹ sẽ mang tính quyết định, trong khi dữ liệu GDP yếu kém có thể làm giảm thế đàm phán của Tokyo.
Tham khảo Reuters