spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhCác nước Bắc Âu và Baltic yêu cầu EU thắt chặt giá...

Các nước Bắc Âu và Baltic yêu cầu EU thắt chặt giá trần đối với dầu của Nga

Ngày 13/1, các nước Bắc Âu và Baltic đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) sửa đổi mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Vào cuối năm 2022, mức giá trần được ấn định là 60 USD/thùng và cho đến nay mức giá này vẫn giữ nguyên.

Trong một lá thư chung gửi Ủy ban châu Âu (EC), ngoại trưởng các nước Bắc Âu và Baltic đã yêu cầu Ủy ban châu Âu thắt chặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga và coi đây là một biện pháp ưu tiên hàng đầu nhằm làm giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của nền kinh tế Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Bắc Âu-Baltic cho rằng, hiện là thời điểm để tăng thêm tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách hạ mức giá trần dầu thô của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).

Các nước Bắc Âu và Baltic yêu cầu EU thắt chặt giá trần đối với dầu của Nga- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Trong bức thư chung, các nước Bắc Âu và Baltic cũng yêu cầu EC mở rộng lệnh trừng phạt đối với “Hạm đội bóng tối” của Nga (gồm các tàu chở dầu cũ, sử dụng các cấu trúc sở hữu và bảo hiểm không rõ ràng) và những người tạo điều kiện cho việc lách mức giá trần. Cho đến nay, EU đã trừng phạt 79 tàu thuộc hạm đội này.

Phản ứng với bức thư trên, một phát ngôn viên của EC cho biết, tài liệu này sẽ được đưa vào các cuộc thảo luận đang diễn ra, song cảnh báo bất kỳ sửa đổi nào cũng là quyết định của G7. Tuy nhiên, nếu có đề xuất sửa đổi, tất cả 27 quốc gia thành viên sẽ phải đạt được thỏa thuận nhất trí trước khi G7 có thể hành động.

Mức trần là sáng kiến do các đồng minh G7 đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm hạn chế hoạt động buôn bán dầu thô của Nga trên biển ở mức 60 USD/thùng. Cơ chế này cấm các công ty phương Tây cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu của Nga, chẳng hạn như bảo hiểm, tài chính và cờ hiệu, bán dầu thô với giá cao hơn mức giá đã thỏa thuận. G7 cũng thiết lập thêm hai mức trần cho các sản phẩm cao cấp so với dầu thô (100 USD/thùng) và các sản phẩm giảm giá so với dầu thô (45 USD/thùng).

Trong thư, các Bộ trưởng Bắc Âu và Baltic không nêu rõ mức giá mới mà mức trần sẽ được thiết lập. Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí Sạch (CREA), việc ấn định mức trần 30 USD/thùng ngay từ đầu sẽ khiến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga giảm 25%, gây thiệt hại 76 tỷ euro. CREA cũng cho biết việc hạ mức trần sẽ gây giảm phát, làm giảm giá xuất khẩu dầu của Nga và thúc đẩy sản lượng nhiều hơn từ Nga để bù đắp cho mức doanh thu giảm.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật