spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhCanh bạc 100 tỷ USD của TSMC

Canh bạc 100 tỷ USD của TSMC

Theo Nikkei, nếu canh bạc của TSMC đổ bể sẽ ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế toàn cầu.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đầu tháng 3/2025 rằng nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC sẽ đầu tư thêm 100 tỷ USD xây dựng thêm 5 cơ sở sản xuất cùng 1 trung tâm R&D tại Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi.

Từ lâu, việc tập đoàn TSMC có trụ sở ở Đài Loan đã được coi là một “lá chắn Silicon” khi hãng công nghệ này có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới.

“Nền kinh tế thế giới về cơ bản sẽ đình trệ nếu không có TSMC. Có thể 50% số xe mới không thể xuất xưởng khi TSMC sản xuất khoảng 50% chip cho phanh ô tô… Sẽ không có thế hệ điện thoại thông minh mới, không có máy giặt mới nào được bán ra nếu không có TSMC”, Giám đốc điều hành C.C.Wei của TSMC khẳng định.

Canh bạc 100 tỷ USD của TSMC- Ảnh 1.

Nhà máy TSMC tại Arizona-Mỹ

Tuy nhiên, chính điều này lại khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư đề nghị TSMC dịch chuyển sản xuất sang Mỹ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng. Đó là chưa kể đến việc Intel đã thất bại trong việc trở thành niềm hy vọng của Washington trong cuộc đua chip bán dẫn, biến TSMC thành cái tên mới.

Hệ quả là Mỹ chắc chắn muốn TSMC dịch chuyển các cơ sở sản xuất, nghiên cứu phát triển (R&D) về Phương Tây hơn là quá gần Trung Quốc.

Vậy là với việc TSMC chuyển hướng đầu tư mở nhà máy tại Mỹ, tấm “lá chắn Silicon” này của Đài Loan có thể không còn nữa.

Canh bạc không tưởng

Trên thực tế, TSMC đã đặt nhà máy đầu tiên của mình tại nước ngoài ở bang Arizona-Mỹ từ cách đây 5 năm với khoảng 3.000 nhân viên đang làm việc. Nhà máy thứ 3 tại Arizona của TSMC sẽ được bắt đầu xây dựng đầu năm 2025.

Khoản đầu tư 100 tỷ USD mới công bố tháng 3/2025 sẽ là dự án mở rộng thêm nữa ngoài dự án ở Arizona.

Nguồn tin của Nikkei cho hay dù thiếu hụt lao động, chi phí vật liệu cao hay những thách thức về văn hóa khiến công ty mất gần năm năm để hoàn thành nhà máy đầu tiên tại Mỹ nhưng TSMC vẫn kỳ vọng cơ sở mới sẽ nhanh chóng có sản lượng bằng với ở Đài Loan trong khoảng 2 năm tới.

“Sau một quá trình học hỏi khó khăn, cuối cùng chúng tôi đã kết nối được hầu hết các điểm và biết được nhà thầu xây dựng địa phương nào có thể hợp tác để xây dựng các nhà máy mới”, nguồn tin của Nikkei cho biết.

Trên thực tế TSMC đã từng có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ 2 ở Arizona để sản xuất chip 3nm vào năm 2028 còn nhà máy thứ 3 cho chip 2nm vào cuối thập kỷ này nhưng mọi thứ đã phải tăng tốc trước các biến động.

Sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo (AI) khiến TSMC lo ngại mất đi vị thế độc tôn của mình trong ngành sản xuất hợp đồng chip. Đó là chưa kể đến những áp lực từ cả 2 phía Mỹ và Trung Quốc.

Trong 5 năm qua, chính quyền Washington đã liên tục thúc đẩy chuyển dịch hoạt động sản xuất chip bán dẫn về trong nước để chạy đua công nghệ với Bắc Kinh.

Chính điều này khiến TSMC phải gia tăng kế hoạch đầu tư vào Mỹ, từ 12 tỷ USD ban đầu lên 40 tỷ USD năm 2022 và sau đó là 65 tỷ USD để đảm bảo nhận được các khoản trợ cấp theo Đạo luật CHIPS được ban hành.

Canh bạc 100 tỷ USD của TSMC- Ảnh 2.

Doanh thu của TSMC theo khu vực và công nghệ sản phẩm (%)

Cuối cùng mới đây nhất, TSMC công bố khoản đầu tư đến 165 tỷ USD, gấp 10 lần cam kết ban đầu và là khoản đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của hãng.

Quyết định của TSMC là dễ hiểu khi 70% doanh thu của hãng đến từ Mỹ với các khách hàng lớn như Apple, Nvidia và Intel.

Trái lại, tỷ lệ doanh thu từ Trung Quốc của TSMC đã giảm từ 20% năm 2019 xuống còn 11% năm 2024 khi Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận công nghệ lên Bắc Kinh.

Bởi vậy một cựu giám đốc điều hành của TSMC nói với Nikkei rằng việc mở rộng sản xuất tại Mỹ hiện nay là “điều không thể tránh khỏi”.

Ước tính của nhà phân tích Joanne Chiao thuộc công ty nghiên cứu TrendForce cho thấy hiện Mỹ chiếm khoảng 11% thị trường toàn cầu về sản xuất chip tiên tiến tính đến năm 2025 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 22% vào năm 2030. Trái lại thị phần của Đài Loan sẽ giảm từ 71% xuống 58% trong cùng kỳ.

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Mark Li của Bernstein Research ước tính khoản đầu tư bổ sung 100 tỷ USD từ TSMC có thể nâng tỷ lệ tự cung tự cấp của Mỹ đối với sản xuất chip tiên tiến lên 40-50% trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2032.

“Sẽ mất thời gian nhưng cuối cùng TSMC cũng sẽ giúp thu hút chuỗi cung ứng chip đến Mỹ trong tương lai”, chuyên gia Li nhận định.

Một giám đốc chip bán dẫn lâu năm nói với Nikkei rằng trong vòng 10 năm nữa, sự dịch chuyển của TSMC sẽ làm suy yếu vai trò của Đài Loan trong mảng chip bán dẫn bởi TSMC không thể tập trung nguồn lực ở cả 2 nơi.

Tương tự, tổng giám đốc Lai Ming Kuen của Acter nhận định việc thiếu điện, nước và đất đai tại địa phương để mở rộng sản xuất cũng là một nguyên nhân khiến TSMC dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài.

Mặc dù vậy, canh bạc của TSMC không hề dễ dàng khi gặp khá nhiều thách thức.

Canh bạc 100 tỷ USD của TSMC- Ảnh 3.

Tỷ lệ đóng góp doanh thu của các nhà máy tại Arizona của TSMC trước và sau khi có khoản 100 tỷ USD đầu tư bổ sung (%)

Khó khăn

Tờ Nikkei cho hay việc TSMC tìm đủ số lượng kỹ sư tận tụy và có kỷ luật tương tự như ở quê nhà là điều không hề dễ dàng, đó là chưa kể đến những khác biệt về văn hóa cũng như rào cản ngôn ngữ trong quản lý chỉ là một vài rào cản đối với công ty.

Thêm nữa, chuỗi cung ứng của TSMC tại Mỹ chưa hoàn thiện, cộng với chi phí sản xuất cao hơn nhiều khiến một số giám đốc trong ngành nói với Nikkei rằng hãng chip bán dẫn này sẽ mất rất nhiều thời gian để khoản đầu tư của họ vào Mỹ có lãi.

“Khoản đầu tư của TSMC tại Mỹ chỉ đạt đến điểm hòa vốn khi cả 6 nhà máy của họ ở bang Arizona đều đi vào hoạt động…Họ vẫn còn chặng đường dài phải đi”, một giám đốc ngành chip cho biết.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Bill Chiu của Gudeng Precision, một nhà cung cấp cho TSMC và Intel, cho biết hiệu quả công việc và chi phí của hoạt động sản xuất chip tại Mỹ vẫn còn cách xa so với lý tưởng, khiến nhiều hãng ngần ngại tăng đầu tư vào đây.

Một giám đốc điều hành khác thì nói với Nikkei rằng ông bị sốc về khoản đầu tư hơn 100 tỷ USD của TSMC vào Mỹ.

“Chi phí thực sự vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi khi phải trả nhiều hơn gấp 10 lần ở Arizona so với Đài Loan”, vị giám đốc này nói.

Canh bạc 100 tỷ USD của TSMC- Ảnh 4.

Mỹ muốn tăng gấp đôi thị phần sản xuất chip bán dẫn đến năm 2030 (%)

Tờ Financial Times (FT) cho hay đến thời điểm hiện tại, TSMC vẫn tiết lộ rất ít về kế hoạch chi 100 tỷ USD của họ thế nào và cụ thể là làm gì. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách đây 5 năm khi TSMC đầu tư vào bang Arizona.

Vào thời điểm đó, công ty đã đưa ra ngày bắt đầu xây dựng, nêu tên công nghệ sẽ được sử dụng và cho biết thời điểm sản xuất thương mại dự kiến bắt đầu và số lượng chip sẽ xuất xưởng.

Rõ ràng, TSMC còn chặng đường dài phải đi và canh bạc dịch chuyển sản xuất của hãng vẫn còn khá đáng nghi với nhiều người.

*Nguồn: Nikkei, FT

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật