spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhCanh bạc đổi đời của doanh nghiệp mua nhiều Bitcoin nhất thế...

Canh bạc đổi đời của doanh nghiệp mua nhiều Bitcoin nhất thế giới: Từ cái tên lụi tàn trong làng công nghệ đến mức tăng trưởng 3.300%, thu về 14 tỷ USD/quý

Doanh nghiệp này đang lãi đến 14 tỷ USD trong quý II/2025 nhờ Bitcoin.

Năm 2020, giữa lúc đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, một doanh nhân kỳ cựu – Michael Saylor – đã đưa ra một quyết định khiến Phố Wall khiếp vía: đánh cược toàn bộ công ty vào Bitcoin.

Từ một cái tên đang lụi tàn trong làng phần mềm, MicroStrategy – nay đổi tên thành Strategy – đã lột xác thành doanh nghiệp sở hữu nhiều Bitcoin nhất thế giới (chỉ sau các sàn giao dịch như Binance hay Coinbase về số lượng), giúp cổ phiếu công ty tăng hơn 3.300% chỉ sau 5 năm. Đây là một trong những cú xoay trục kinh doanh táo bạo và gây tranh cãi nhất thập kỷ.

Hiện nay, Strategy mang tiếng là hãng công nghệ nhưng doanh thu từ mảng phần mềm chỉ khoảng 112,8 triệu USD, chưa đến 2% giá trị công ty.

Tính đến ngày 10/7/2025, Strategy nắm giữ 597.325 BTC, trị giá khoảng 66,442 tỷ USD. Riêng trong quý II, hãng đã mua 6,8 tỷ USD Bitcoin.

Canh bạc đổi đời của doanh nghiệp mua nhiều Bitcoin nhất thế giới: Từ cái tên lụi tàn trong làng công nghệ đến mức tăng trưởng 3.300%, thu về 14 tỷ USD/quý- Ảnh 1.

Hấp hối và hồi sinh

Trước năm 2020, MicroStrategy là cái tên gần như mờ nhạt trong thế giới công nghệ. Là công ty tiên phong trong lĩnh vực phân tích dữ liệu doanh nghiệp (BI), nhưng đến cuối thập niên 2010, hãng gặp khó khăn về tăng trưởng, doanh thu chững lại, và cổ phiếu bị định giá bèo bọt, giao dịch quanh vùng 120–150 USD – không đáng kể nếu so với mức tăng trưởng chóng mặt của các ông lớn như Microsoft, Salesforce hay Adobe.

Thị trường coi MicroStrategy là một “cổ phiếu zombie”: không chết, nhưng cũng chẳng còn sống thực sự.

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các ngân hàng trung ương tung hàng nghìn tỷ USD cứu trợ, và lạm phát bắt đầu rình rập. Ông Michael Saylor – CEO kiêm nhà sáng lập MicroStrategy – tin rằng đồng USD đang bị phá giá ngầm. Vậy là nhà sáng lập này bắt đầu tìm kiếm nơi “trú ẩn giá trị” cho lượng tiền mặt lớn mà công ty nắm giữ.

CEO Saylor miêu tả việc nắm giữ tiền mặt trong môi trường này giống như “một cục nước đá đang tan chảy”. Ông lo ngại rằng khối tài sản dự trữ của công ty sẽ dần bị xói mòn giá trị. Với tầm nhìn khác biệt, thay vì tìm kiếm các kênh đầu tư truyền thống, ông bắt đầu nghiên cứu sâu về các “hầm trú ẩn giá trị” mới.

Không chọn vàng. Không chọn bất động sản. Không mua trái phiếu. Saylor chọn Bitcoin – một tài sản điện tử lúc ấy vẫn còn gây tranh cãi và biến động dữ dội.

Tháng 8/2020, MicroStrategy tuyên bố mua 250 triệu USD Bitcoin, đồng thời chuyển phần lớn tài sản dự trữ của mình từ tiền mặt sang Bitcoin. Đó không phải là thương vụ đầu cơ ngắn hạn hay nhỏ lẻ mà là một sự thay đổi chiến lược mang tính sống còn, biến MicroStrategy từ một công ty phần mềm thành một “công ty kho bạc Bitcoin” (Bitcoin Treasury Company) hàng đầu thế giới.

Chiến lược này của Saylor dựa trên niềm tin vững chắc vào Bitcoin như một tài sản khan hiếm, phi tập trung và chống lạm phát vượt trội so với tiền tệ truyền thống và các tài sản khác. Ông tin rằng Bitcoin là “vàng kỹ thuật số” của thế kỷ 21, mang lại sự bảo toàn giá trị và tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong dài hạn.

Canh bạc đổi đời của doanh nghiệp mua nhiều Bitcoin nhất thế giới: Từ cái tên lụi tàn trong làng công nghệ đến mức tăng trưởng 3.300%, thu về 14 tỷ USD/quý- Ảnh 2.

Trong những tháng tiếp theo, công ty tiếp tục huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu và trái phiếu để mua thêm BTC, từng đợt lên đến hàng trăm triệu USD.

Tới giữa năm 2025, Strategy nắm giữ hơn 226.000 Bitcoin, trị giá khoảng 65 tỷ USD, trở thành tổ chức nắm giữ Bitcoin nhiều nhất thế giới – thậm chí còn hơn cả Tesla hay bất kỳ quỹ ETF nào.

Tên công ty cũng đổi từ “MicroStrategy” thành “Strategy” – một bước đi mang tính biểu tượng, dứt khoát rời xa quá khứ cũ kỹ của phần mềm.

Từ giữa năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu Strategy (MSTR) đã tăng hơn 3.300%, vượt xa mức tăng khoảng 1.000% của chính Bitcoin, và bỏ xa S&P 500 với chỉ khoảng 115% trong cùng kỳ.

Vì sao? Bởi Strategy không chỉ đơn thuần là công ty sở hữu Bitcoin mà là công ty sở hữu Bitcoin bằng đòn bẩy, nghĩa là vay nợ để mua đồng tiền số này. Cổ đông của Strategy hiểu rằng họ đang đặt cược vào Bitcoin với mức đòn bẩy cao, nghĩa là nếu Bitcoin tăng 10%, cổ phiếu MSTR có thể tăng 20–30%.

Dĩ nhiên, “đòn bẩy” đi kèm rủi ro cực lớn. Khi Bitcoin giảm 12% trong quý I/2024, Strategy báo lỗ chưa thực hiện 4,2 tỷ USD, ghi nhận mức lỗ kỷ lục.

Trước năm 2025, công ty còn bị ràng buộc bởi quy định kế toán coi Bitcoin như tài sản vô hình – nghĩa là chỉ được ghi nhận lãi khi đã bán, còn không sẽ là khoản lỗ trên sổ sách. Điều này khiến báo cáo tài chính thường xuyên biến động dữ dội và khó phản ánh đúng giá trị thực tế.

Dù vậy, Saylor không hề nao núng. Ông liên tục khẳng định: “Bitcoin là tài sản tốt nhất trong 100 năm qua.”

Từ quý I/2025, Strategy đã áp dụng thay đổi kế toán cho phép định giá Bitcoin theo giá thị trường. Điều này có nghĩa là các khoản lãi/lỗ chưa thực hiện từ Bitcoin sẽ được phản ánh trực tiếp vào thu nhập ròng của công ty, giúp doanh nghiệp lãi đến 14,05 tỷ USD trong quý II/2025.

Chiến thuật vòng quay Bitcoin

Để thực hiện “canh bạc Bitcoin” này, Saylor đã triển khai một chiến lược huy động vốn cực kỳ linh hoạt và tích cực.

Đầu tiên là phát hành nợ chuyển đổi (Convertible Senior Notes), huy động hàng tỷ USD từ thị trường bằng cách phát hành các khoản nợ có lãi suất thấp, mang lại cho nhà đầu tư tùy chọn chuyển đổi thành cổ phiếu MSTR.

Canh bạc đổi đời của doanh nghiệp mua nhiều Bitcoin nhất thế giới: Từ cái tên lụi tàn trong làng công nghệ đến mức tăng trưởng 3.300%, thu về 14 tỷ USD/quý- Ảnh 3.

Tiếp đó hãng này bán cổ phiếu (Equity Sales), tận dụng giá cổ phiếu tăng vọt để phát hành thêm cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi, thu về hàng tỷ USD để tiếp tục mua Bitcoin.

Mọi nguồn vốn huy động được đều được đổ vào việc tích lũy Bitcoin một cách bền bỉ, biến Strategy thành nhà nắm giữ Bitcoin lớn nhất trong số các công ty niêm yết công khai.

Điểm mấu chốt tạo nên thành công vang dội của Strategy chính là việc Michael Saylor đã tạo ra một “vòng quay Bitcoin” (Bitcoin Flywheel) độc đáo.

Thị trường nhận thấy Strategy là một “proxy” (đại diện) đáng tin cậy để đầu tư vào Bitcoin, khiến giá cổ phiếu MSTR tăng vọt, thường còn nhanh hơn cả Bitcoin.

Giá cổ phiếu cao và sự quan tâm của thị trường giúp Strategy dễ dàng hơn trong việc huy động thêm vốn mới với chi phí thấp hơn, và chu kỳ này cứ thế tiếp diễn.

Hệ quả là Strategy không chỉ là một công ty phần mềm, mà đã trở thành một quỹ ETF Bitcoin không chính thức, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận tài sản kỹ thuật số này thông qua một kênh truyền thống.

Chiến lược của Michael Saylor đã làm thay đổi toàn diện cách thế giới nhìn về mối quan hệ giữa tài chính truyền thống và tài sản số. Ông đặt cược sự nghiệp và danh tiếng vào một loại tài sản chưa từng có tiền lệ – và cho đến nay, ông thắng lớn.

Chiến lược của Michael Saylor đã biến MicroStrategy thành một hình mẫu và nguồn cảm hứng cho các công ty khác trong việc tích hợp Bitcoin vào kho bạc của họ.

Tuy nhiên, chiến lược này không phải không có rủi ro. Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Bitcoin khiến Strategy cực kỳ nhạy cảm với sự biến động của thị trường tiền điện tử. Một giai đoạn “thị trường gấu” kéo dài có thể gây áp lực lớn lên tài chính và giá cổ phiếu của công ty. Ngoài ra, việc sử dụng đòn bẩy để mua Bitcoin cũng đi kèm với rủi ro tài chính cao hơn.

Canh bạc đổi đời của doanh nghiệp mua nhiều Bitcoin nhất thế giới: Từ cái tên lụi tàn trong làng công nghệ đến mức tăng trưởng 3.300%, thu về 14 tỷ USD/quý- Ảnh 4.

Việc liên tục phát hành nợ và cổ phiếu để mua Bitcoin làm tăng các nghĩa vụ nợ và có thể gây áp lực lãi/cổ tức lớn hơn.

Thậm chí một số nhà phân tích và nhà đầu tư bày tỏ sự hoài nghi về mô hình này, cho rằng giá trị của công ty không nên cao hơn giá trị Bitcoin mà nó nắm giữ.

Bất chấp những rủi ro đó, Michael Saylor vẫn kiên định với tầm nhìn của mình. Ông đã chứng minh rằng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đôi khi, sự táo bạo và khả năng nhìn xa trông rộng có thể tạo nên những giá trị phi thường, biến những gì tưởng chừng là “bèo bọt” trở thành “vàng ròng” trên thị trường chứng khoán. Câu chuyện của Strategy sẽ còn được nhắc đến như một case study kinh điển về sự đổi mới và lòng dũng cảm trong kỷ nguyên số.

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là “tiền ảo”, “tiền số” chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

*Nguồn: Fortune, BI

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật