spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhCảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết

Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết

Nhiều người lấy làm lạ vì những năm trở lại đây, không còn tình trạng người dân xếp hàng dài trước những máy rút tiền tự động.
Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết- Ảnh 1.

Tình trạng “tắc nghẽn” tại các cây ATM giảm hẳn.

ATM “ế khách” ngày Tết

Khoảng vài năm trước, cứ đến những ngày áp Tết, các cây ATM lại đông nghẹt người đến rút tiền. Không chỉ phải xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng máy ATM lỗi, máy ATM ngừng nhả tiền, khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình trạng này đã không còn tiếp diễn. Qua khảo sát những tuyến phố tập trung nhiều chi nhánh ngân hàng, đông đúc dân cư, phương tiện qua lại, lượng khách rút tiền tại các cây ATM tương đối thưa thớt, chỉ lác đác vài ba người. Tại điểm giao dịch tự động của một số ngân hàng lớn như như Agribank, BIDV, Techcombank,… tập trung đông khách hàng hơn, dẫu vậy các giao dịch cũng diễn ra nhanh chóng, không gặp sự cố gián đoạn, người rút tiền không phải chờ đợi quá lâu.

Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết- Ảnh 2.

ATM “vắng khách ngày Tết” (Ảnh: Linh San)

Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết- Ảnh 3.

ATM “vắng khách ngày Tết” (Ảnh: Linh San)

Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết- Ảnh 4.

ATM “vắng khách ngày Tết” (Ảnh: Linh San)

Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết- Ảnh 5.

Một số cây ATM lác đác khách (Ảnh: Linh San)

Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết- Ảnh 6.

Một số cây ATM lác đác khách (Ảnh: Linh San)

Cảnh tượng “lạ” tại các cây ATM ngày Tết- Ảnh 7.

Một số cây ATM lác đác khách (Ảnh: Linh San)

Chị N.T.H (42 tuổi, Bắc Ninh) cho biết: “Những năm trước, thanh toán bằng chuyển khoản, mã QR chưa phổ biến nên trước khi về quê ăn Tết, mình phải chạy ngược chạy xuôi rút tiền, đổi tiền, có lúc phải đi đến hai, ba cây ATM mới rút được. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, công nghệ phát triển, ngay cả ở quê người ta cũng chấp nhận quét mã, chuyển khoản, mình thấy không có nhu cầu về tiền mặt nhiều nữa, để khoảng 5 triệu dự phòng là đủ, đỡ cảnh chen chúc ở các cây ATM”.

Anh V.Q.H (49 tuổi, Hà Nội), đang rút tiền tại một cây ATM, cũng chia sẻ: “Anh vào đây rút tạm một, hai triệu thôi. Đang muốn mua cành đào ở bên kia đường, mà tự nhiên app ngân hàng bị lỗi, không chuyển khoản được nên vào đây rút tiền trả cho người ta. May mà không đông khách, máy hoạt động trơn tru, không gặp lỗi gì”. Anh cũng nói thêm: “Năm nay chủ yếu giữ tiền mặt là để mừng tuổi, chứ còn để chi tiêu mua sắm vẫn ưa dùng điện thoại chuyển tiền cho tiện”.

Hình ảnh những máy ATM vắng khách phần nào thể hiện sự suy giảm đáng kể trong nhu cầu về tiền mặt của người dân, trong bối cảnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang “lên ngôi”. Theo số liệu mới nhất từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong năm 2024, giao dịch trên ATM đã giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng giao dịch ATM đến nay chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống. Ngoài ra, số lượng cây ATM trên khắp cả nước gần đây cũng có xu hướng giảm.

Trong khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng đầy ấn tượng. Theo Ngân hàng nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị,…

Những con số trên cho thấy người dân ngày càng ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong các giao dịch thường ngày, nhờ đó mà tình trạng tắc nghẽn tại các cây ATM thời điểm cận Tết giảm thiểu đáng kể.

Thoát cảnh xếp hàng rút tiền nhưng lại đau đầu vì “app ngân hàng lỗi”

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày một phổ biến, người dân chuộng giao dịch trực tuyến, thoát cảnh xếp hàng mòn mỏi tại các cây ATM để rút tiền mặt là một dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vào các dịp cao điểm như cuối năm, kỳ nghỉ lễ hay mùa khuyến mãi lớn, khi nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng cao, nhiều khách hàng phản ánh về tình trạng ứng dụng ngân hàng liên tục lỗi hệ thống, bảo trì,…khiến họ không thể thanh toán, chuyển tiền hay thâm chí là đăng nhập.

Mới đây nhất, từ khoảng 18h đến 21h tối 22/1, khách hàng của một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 cho biết họ không thể đăng nhập vào ứng dụng Smart Banking để thực hiện các giao dịch trực tuyến. Khi cố gắng truy cập, họ chỉ nhận được thông báo với nội dung khác nhau, khi thì “kết nối tới hệ thống bị gián đoạn, quý khách vui lòng thử lại sau” sau đó lại chuyển thành “ngân hàng sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống Smart Banking…., trong thời gian này, dịch vụ Smart Banking có thể bị gián đoạn”. Đáng nói, ngân hàng tiến hành bảo trì, nâng cấp nhưng không hề báo trước, dẫn đến tình huống khi khách hàng có nhu cầu thì không thanh toán được

Một sự cố khác gần đây xảy ra với một ngân hàng có đến 12 triệu người dùng. Từ đêm 11/12/2024, các khách hàng không thể thực hiện giao dịch do không vào được ứng dụng. Sự cố này kéo dài 23 tiếng đồng hồ, đến tối muộn ngày 12/12/2024 mới được khắc phục.

Trong bối cảnh mà người dân không còn thói quen giữ nhiều tiền mặt, việc các phương tiện thanh toán điện tử lỗi, trục trặc có thể gây ra nhiều phiền toái, bất tiện. Minh chứng là câu chuyện nổi sóng mạng xã hội gần đây, khi một khách hàng đã không thể đăng nhập được app ngân hàng để thanh toán đĩa miến xào vào lúc 4h sáng và phải chấp nhận vay trả góp nhiều triệu đồng qua ứng dụng ngân hàng khác để có tiền trả cho chủ quán miến.

Sau hàng loạt sự cố với app ngân hàng diễn ra liên tục, nhiều người “mách” kinh nghiệm nên mở tài khoản tại ít nhất 2 ngân hàng và phải duy trì số dư ở cả 2 tài khoản đề phòng khi 1 trong 2 tài khoản dính lỗi, sự cố thì người dùng không rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như trên.

Về phía ngân hàng, để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và giữ vững lòng tin, cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng công nghệ, tăng cường khả năng dự phòng và cải thiện quy trình bảo trì hệ thống.

Liên quan với nhu cầu giao dịch tăng cao dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo các dịch vụ ngân hàng hoạt động thông suốt, thuận lợi, phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán cũng như các nhu cầu khác của doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật