spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChâu Âu giữa "cơn khát": Sợ ông Trump biến LNG thành công...

Châu Âu giữa "cơn khát": Sợ ông Trump biến LNG thành công cụ địa chính trị, EU tính quay lại với Nga

Reuters (Anh) ngày 14/4 đưa tin, hơn ba năm sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, an ninh năng lượng của châu Âu đang trở nên mong manh.

Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã giúp lấp đầy khoảng trống về nguồn cung của Nga tại châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng 2022-2023.

Tuy nhiên, giờ đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm rạn nứt mối quan hệ với châu Âu được thiết lập từ sau Thế chiến II và biến năng lượng trở thành một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại, các doanh nghiệp đang trở nên cảnh giác: việc phụ thuộc vào Mỹ đã trở thành một điểm yếu khác.

Trong bối cảnh này, các giám đốc điều hành tại các công ty lớn của châu Âu đã bắt đầu nói về điều mà một năm trước đây không hề nghĩ tới: nhập khẩu một ít khí đốt của Nga, bao gồm cả từ gã khổng lồ nhà nước Gazprom của Nga, có thể là một ý tưởng hay.

Châu Âu giữa "cơn khát": Sợ ông Trump biến LNG thành công cụ địa chính trị, EU tính quay lại với Nga- Ảnh 1.

Toàn cảnh nhà máy Leuna-Harze – một nhà sản xuất sản phẩm hóa dầu – tại Công viên hóa chất Leuna, Đức. Ảnh: Reuters

Điều đó sẽ đòi hỏi một sự thay đổi chính sách lớn khác của Liên minh châu Âu (EU) vì khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, EU đã cam kết chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027.

Tuy nhiên, châu Âu có rất ít lựa chọn. Các cuộc đàm phán với Qatar – quốc gia hàng đầu về LNG – về việc cung cấp thêm khí đốt đã bị đình trệ, và mặc dù việc triển khai năng lượng tái tạo đã được đẩy nhanh, nhưng tiến độ vẫn chưa đủ nhanh để EU cảm thấy an toàn.

“Nếu có một nền hòa bình hợp lý ở Ukraine, chúng ta có thể quay trở lại với dòng chảy 60 tỷ m3, có thể là 70 tỷ m3 mỗi năm, bao gồm cả LNG”, Phó chủ tịch điều hành Công ty điện lực đa quốc gia Engie (Pháp) Didier Holleaux trả lời phỏng vấn Reuters.

Nhà nước Pháp sở hữu một phần Engie – vốn từng là một trong những bên mua khí đốt lớn nhất của Gazprom. Holleaux cho biết Nga có thể cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu của EU, giảm so với mức 40% trước xung đột.

Patrick Pouyanne – người đứng đầu công ty dầu mỏ hàng đầu của Pháp TotalEnergies – cảnh báo châu Âu không nên quá phụ thuộc vào khí đốt Mỹ. “Chúng ta cần đa dạng hóa, nhiều nguồn cung, không nên quá phụ thuộc vào một hoặc hai nguồn”, Pouyanne nói với Reuters.

Theo Reuters, TotalEnergies là nhà xuất khẩu LNG lớn của Mỹ và cũng bán LNG của Nga từ công ty tư nhân Novatek.

“Châu Âu sẽ không bao giờ quay lại nhập khẩu 150 tỷ m3 từ Nga như trước chiến sự… nhưng tôi đánh cược là có thể ở mức 70 m3”, Pouyanne nói thêm.

Đức “khủng hoảng nghiêm trọng và không thể chờ đợi được nữa”

Theo Reuters, Pháp – quốc gia sản xuất rất nhiều điện hạt nhân – đã có một trong những nguồn cung cấp năng lượng đa dạng nhất ở châu Âu.

Nhưng Đức phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt giá rẻ của Nga để thúc đẩy ngành sản xuất của mình cho đến khi xảy ra chiến sự tại Ukraine và có ít lựa chọn hơn. Nga từng đáp ứng 60% nhu cầu năng lượng trong nước của Đức, chủ yếu thông qua đường ống Nord Stream đã bị phá hủy sau vụ nổ bí ẩn vào năm 2022.

Tại Công viên hóa chất Leuna – một trong những cụm hóa chất lớn nhất của Đức, nơi có các nhà máy của Dow Chemical và Shell cùng nhiều doanh nghiệp khác, một số nhà sản xuất cho biết khí đốt Nga sẽ nhanh chóng quay trở lại.

“Chúng tôi đang trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và không thể chờ đợi được nữa”, Christof Guenther – giám đốc điều hành InfraLeuna, đơn vị điều hành Công viên hóa chất Leuna – cho biết.

Ông cho biết ngành công nghiệp hóa chất của Đức đã cắt giảm việc làm trong 5 quý liên tiếp, điều chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

“Việc mở lại các đường ống [khí đốt] sẽ giúp giảm giá nhiều hơn bất kỳ chương trình trợ cấp nào hiện nay”, ông cho biết.

Guenther cho biết thêm rằng nhiều đồng nghiệp của ông cũng đồng tình với việc quay trở lại sử dụng khí đốt Nga.

“Chúng tôi cần khí đốt của Nga, chúng tôi cần năng lượng giá rẻ – bất kể nó đến từ đâu”, Klaus Paur – giám đốc điều hành của Leuna-Harze, nhà sản xuất sản phẩm hóa dầu cỡ trung tại Công viên hóa chất Leuna – cho biết. “Chúng tôi cần Nord Stream 2 vì chúng tôi phải kiểm soát chi phí năng lượng.”

Theo Reuters, gần 1/3 người Đức đã bỏ phiếu cho các đảng thân Nga trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2.

Một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu xã hội và phân tích thống kê Forsa (Đức) thực hiện cho thấy, tại tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern – khu vực phía đông nước Đức nơi đường ống Nord Stream chạy từ Nga dưới Biển Baltic cập bờ, 49% người Đức muốn quay lại với nguồn cung cấp khí đốt Nga.

Daniel Keller – người đứng đầu ngành kinh tế của bang Brandenburg, nơi có nhà máy lọc dầu Schwedt, đồng sở hữu bởi công ty dầu mỏ Rosneft của Nga nhưng được chính phủ Đức quản lý – cho biết, ngành công nghiệp muốn chính phủ liên bang tìm kiếm năng lượng giá rẻ.

“Chúng tôi có thể hình dung tới việc tiếp tục nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu Nga sau khi hòa bình được thiết lập ở Ukraine”, Keller nói.

Châu Âu giữa "cơn khát": Sợ ông Trump biến LNG thành công cụ địa chính trị, EU tính quay lại với Nga- Ảnh 2.

Christof Guenther – giám đốc điều hành InfraLeuna, đơn vị điều hành Công viên hóa chất Leuna. Ảnh: Reuters

“Ngày càng khó để coi LNG của Mỹ là một mặt hàng trung lập”

Reuters đưa tin, khí đốt Mỹ chiếm 16,7% lượng nhập khẩu của EU vào năm ngoái, sau khí đốt Na Uy (33,6%) và khí đốt Nga (18,8%).

Thị phần khí đốt Nga sẽ giảm xuống dưới 10% trong năm nay sau khi Ukraine đóng cửa các đường ống. Các nguồn còn lại chủ yếu là LNG từ Novatek.

EU cũng đang chuẩn bị mua thêm LNG Mỹ vì Tổng thống Trump muốn châu Âu giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

“Chắc chắn, chúng ta sẽ cần nhiều LNG hơn”, Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic cho biết vào tuần trước.

Nhà nghiên cứu Tatiana Mitrova tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, cuộc chiến thuế quan đã làm gia tăng mối lo ngại của châu Âu về sự phụ thuộc vào khí đốt Mỹ.

“Ngày càng khó để coi LNG của Mỹ là một mặt hàng trung lập: đến một thời điểm nào đó, nó có thể trở thành một công cụ địa chính trị”, Mitrova nói thêm.

Arne Lohmann Rasmussen – nhà phân tích trưởng tại công ty cung cấp giải pháp phòng ngừa rủi ro Global Risk Management (Đan Mạch) – cho biết, nếu chiến tranh thương mại leo thang, sẽ có nguy cơ là Mỹ có thể hạn chế xuất khẩu LNG.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU – phát biểu với điều kiện giấu tên – đồng ý với nhận định này, nói rằng không ai có thể loại trừ “đòn bẩy này được sử dụng”.

Warren Patterson – người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) – cho biết, trong trường hợp giá khí đốt trong nước của Mỹ tăng vọt do nhu cầu công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI) gia tăng, Mỹ có thể hạn chế xuất khẩu sang tất cả các thị trường.

Theo Reuters, vào năm 2022, EU từng đặt ra mục tiêu không ràng buộc là chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027, nhưng đã hai lần trì hoãn việc công bố kế hoạch về cách thức thực hiện.

 (Theo Reuters)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật