
Phát biểu trên một chương trình truyền hình vào thứ Sáu, ông Kato nhấn mạnh rằng mặc dù mục tiêu chính của việc nắm giữ lượng lớn tài sản này là nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho các động thái can thiệp trên thị trường tiền tệ, Tokyo “vẫn cần đặt mọi quân bài lên bàn” khi tham gia đàm phán.
Tính đến đầu năm 2025, Nhật Bản là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với khoảng 1,17 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ – con số này đã giảm nhẹ từ mức đỉnh 1,27 nghìn tỷ USD trong các năm trước, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ. Đây là một phần trong kho dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 1,27 nghìn tỷ USD của Nhật Bản, phần lớn được cho là đầu tư vào các công cụ nợ của chính phủ Mỹ.
“Liệu chúng tôi có thực sự sử dụng quân bài đó hay không là một câu hỏi khác,” ông Kato nói và cho biết thêm sẽ thận trọng trong việc xem xét việc bán tháo trái phiếu như một đòn bẩy thực sự. Tuy nhiên, phát biểu của ông cho thấy Tokyo không loại trừ khả năng dùng khối tài sản này như một yếu tố tạo áp lực trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ vẫn còn nhiều thách thức.
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục ghi nhận thặng dư thương mại lớn với Mỹ, điều này đã khiến Washington nhiều lần phàn nàn về sự mất cân bằng thương mại giữa hai nền kinh tế. Theo số liệu năm 2024, thặng dư thương mại hàng hóa của Nhật Bản với Mỹ vào khoảng 70 tỷ USD, phần lớn đến từ xuất khẩu ô tô, linh kiện điện tử và máy móc. Trong khi đó, Nhật Bản nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là nông sản, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay.
Washington từ lâu đã áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô – ngành xuất khẩu chủ lực của Tokyo. Chính quyền Mỹ từng nhiều lần gây sức ép buộc Nhật Bản phải mở cửa thị trường và giảm bớt xuất khẩu vào Mỹ, lập luận rằng điều này ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp nội địa.
Trong bối cảnh tình hình địa chính trị, thương mại trên toàn cầu ngày càng bất ổn và chuỗi cung ứng thay đổi, Nhật Bản cũng đang nỗ lực tái cân bằng chính sách thương mại và tài chính. Việc nhắc đến “quân bài” trái phiếu kho bạc Mỹ không chỉ là một tín hiệu chiến lược mà còn phản ánh thực tế rằng mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc này có tính ràng buộc cao: Mỹ cần người mua ổn định cho nợ chính phủ, còn Nhật Bản cần duy trì ổn định tỷ giá đồng yên để hỗ trợ xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu Nhật Bản thực sự bán tháo lượng lớn trái phiếu Mỹ, điều này có thể gây xáo trộn lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, làm tăng lợi suất trái phiếu và gây áp lực lên đồng USD. Do đó, khả năng Tokyo sử dụng “quân bài” này trên thực tế là rất thấp.
Tham khảo Reuters