Với việc công bố danh sách tỷ phú toàn cầu Hurun mới nhất, sự biến động tài sản của các tỷ phú lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Năm nay, lĩnh vực kinh doanh toàn cầu vẫn sôi động, Elon Musk (53 tuổi) lần thứ tư trong 5 năm giữ vị trí người giàu nhất thế giới nhờ những thành tựu kinh doanh xuất sắc.
Tại Trung Quốc, nhà sáng lập ByteDance, Trương Nhất Minh (42 tuổi), đã vượt qua “ông vua nước đóng chai” Chung Thiểm Thiểm để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Bên cạnh những vị trí dẫn đầu toàn cầu và Trung Quốc, các tỷ phú đứng đầu từng tỉnh thành cũng là chủ đề được cư dân mạng quan tâm.
Trong danh sách do Hurun công bố năm nay, vợ chồng Chu Quần Phi – Trịnh Tuấn Long với khối tài sản 80 tỷ NDT (khoảng 285.000 tỷ đồng) dù chỉ xếp thứ 219 nhưng đã thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Không phải việc họ một lần nữa giành danh hiệu người giàu nhất Hồ Nam mà bắt nguồn từ hành trình đi đến thành công của đôi vợ chồng tỷ phú này, đặc biệt là Chu Quần Phi – nữ tỷ phú với những thành tựu kinh doanh phi thường.

Chu Quần Phi.
“Nếu thất bại, tôi sẽ làm công cả đời”
Chu Quần Phi sinh năm 1970 tại một ngôi làng nhỏ ở Tương Hương, Hồ Nam, trong một gia đình đầy bất hạnh. Cha cô mù lòa sau một tai nạn, mẹ qua đời khi cô mới 5 tuổi, để lại gia đình trong cảnh túng quẫn. Từ nhỏ, Chu Quần Phi đã quen với việc cắt cỏ, chăn lợn và làm nông để giúp đỡ gia đình. Nhưng ngọn lửa khao khát đổi đời luôn cháy bỏng trong lòng cô.
Năm 15 tuổi, áp lực tài chính buộc Chu Quần Phi bỏ học và rời quê đến Thâm Quyến làm công nhân tại một nhà máy quang học. Trong môi trường khắc nghiệt của dây chuyền sản xuất, Chu Quần Phi không ngừng học hỏi. Ban ngày làm việc, ban đêm học bổ túc, Chu Quần Phi lần lượt đạt được các chứng chỉ kế toán, vận hành máy tính, thông quan và bằng lái xe. Sự chăm chỉ và tài năng sớm khiến Chu Quần Phi nổi bật, được thăng chức quản lý bộ phận in lụa chỉ sau một thời gian ngắn.
Đầu thập niên 90, Chu Quần Phi đối mặt với bước ngoặt lớn. Khi nhà máy nơi Chu Quần Phi làm việc sắp đóng cửa do ông chủ rút vốn, cô mạnh dạn đề nghị tiếp quản. Với lời hứa “Tôi đã nắm được tất cả các kỹ thuật của công ty, chỉ cần một cơ hội. Nếu thành công, lương tùy ngài quyết định; nếu thất bại, tôi sẽ làm việc cho ngài cả đời!”, cô thuyết phục được ông chủ và trở thành giám đốc nhà máy.
Dưới sự quản lý của cô, nhà máy nhanh chóng trở thành đơn vị hiệu quả nhất công ty.
Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm kinh doanh với chủ sở hữu, Chu Quần Phi quyết định rời đi và tự lập nghiệp. Tháng 3 năm 1993, trong một căn hộ ba phòng nhỏ bé tại Thâm Quyến, Chu Quần Phi cùng người thân khởi nghiệp với mô hình xưởng gia đình, tập trung vào in lụa. Dù điều kiện thiếu thốn, cô tận dụng từng mét vuông để sản xuất, biến phòng khách thành xưởng và bếp thành nhà ăn. Sự kiên trì giúp công việc kinh doanh dần khởi sắc.

Khi làm việc tại nhà máy, Chu Quần Phi không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức để bù đắp quãng thời gian không được đến trường.
Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 là thử thách lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội kinh doanh cho “doanh nghiệp” của Chu Quần Phi. Khi khách hàng không trả được tiền, họ dùng thiết bị cũ để trừ nợ. Chu Quần Phi nhanh chóng đầu tư thêm máy móc, xây dựng dây chuyền sản xuất kính đồng hồ hoàn chỉnh. Công ty của cô bắt đầu nổi danh trong ngành.
Năm 2001, một đơn hàng từ TCL đã thay đổi tất cả. Chu Quần Phi áp dụng công nghệ kính đồng hồ vào sản xuất tấm kính cho điện thoại nắp gập, thay thế kính hữu cơ truyền thống. Thành công của TCL3188 – chiếc điện thoại màn hình kính đầu tiên tại Trung Quốc – mở ra tiềm năng khổng lồ của thị trường kính điện thoại. Năm 2003, cô thành lập Lens Technology, tập trung vào nghiên cứu và sản xuất kính điện thoại.
Nhờ kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và đổi mới không ngừng, Lens Technology nhanh chóng giành được đơn hàng từ các “ông lớn” như Motorola và Apple. Đặc biệt, năm 2007, khi Apple tìm nhà cung cấp màn hình cho iPhone thế hệ đầu, Chu Quần Phi dẫn dắt đội ngũ làm việc ngày đêm, vượt qua các bài kiểm tra khắt khe để trở thành đối tác cốt lõi. Mối quan hệ với Apple, từ thời Steve Jobs đến Tim Cook, đã giúp Lens Technology tăng trưởng vượt bậc, đạt doanh thu gần 70 tỷ NDT (khoảng 249.000 tỷ đồng) vào năm 2024.
Từ một nữ công nhân dây chuyền sản xuất, giờ đây bà đã trở thành “nữ hoàng kính điện thoại” thực thụ.

Lens Technology của Chu Quần Phi thường được gắn mác “phụ thuộc vào Apple”.
Nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc không mang danh “người thừa kế”
Sự thăng hoa của Chu Quần Phi gắn liền với hiệu suất ấn tượng của Lens Technology. Theo báo cáo tài chính mới công bố của Lens Technology, năm 2024, công ty đạt doanh thu hơn 69 tỷ NDT (khoảng 245.000 tỷ đồng), tăng gần 30% so với 54 tỷ NDT (khoảng 192.000 tỷ đồng) của năm trước, đồng thời lập kỷ lục doanh thu kể từ khi niêm yết.
Về lợi nhuận, Lens Technology đạt 36,24 tỷ NDT (khoảng 129.000 tỷ đồng) lợi nhuận ròng, tăng gần 20% so với 30,21 tỷ NDT (khoảng 107.000 tỷ đồng) của năm trước. Con số này chỉ đứng sau mức 48,96 tỷ NDT (khoảng 174.000 tỷ đồng) của năm 2020, trở thành mức lợi nhuận cao thứ hai kể từ khi niêm yết năm 2015.
Với những khoản lợi nhuận khổng lồ đó đã đưa Chu Quần Phi và chồng trở thành những tỷ phú hàng đầu Trung Quốc.
Năm 2015, khi Lens Technology niêm yết trên sàn giao dịch ChiNext, Chu Quần Phi đã trở thành tỷ phú trăm tỷ chỉ sau một đêm. Tháng 10 cùng năm, danh sách nữ tỷ phú Hurun 2015 cho thấy Chu Quần Phi (45 tuổi) với khối tài sản 50 tỷ NDT (178.000 tỷ đồng) đã vượt qua Trần Lệ Hoa và Dương Huệ Nghiên, trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Chu Quần Phi bằng nghị lực và tài năng đã từ cô gái công xưởng trở thành tỷ phú.
Năm đó, Chu Quần Phi cũng đồng thời là “nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới”, cũng là nữ tỷ phú thứ tư trong 10 năm kể từ khi danh sách nữ tỷ phú Hurun được công bố. Đó là thời khắc huy hoàng nhất trong cuộc đời Chu Quần Phi.
Đến năm 2021, tài sản của vợ chồng Chu Quần Phi – Trịnh Tuấn Long đạt mức cao nhất là 107 tỷ NDT (khoảng 381.000 tỷ đồng), so với năm đó, tài sản của họ hiện tại đã giảm 27 tỷ NDT (khoảng 96.000 tỷ đồng). Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến việc họ trở thành người giàu nhất Hà Nam.
Năm Chu Quần Phi trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Hurun đã từng nhận xét: “Trước đây không ai chú ý đến Chu Quần Phi, không ngờ cô ấy vừa lên sàn đã trở thành nữ doanh nhân thành công nhất Trung Quốc, đồng thời cũng là nữ doanh nhân thành công nhất thế giới.”
Điều này càng làm nổi bật tài năng kinh doanh xuất chúng, kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược, sự kiên trì, và khả năng đổi mới của Chu Quần Phi. Bởi khác với các nữ tỷ phú như Dương Huệ Nghiên của Country Garden, Tông Phục Lợi của Wahaha Group mang danh “người thừa kế”, Chu Quần Phi đã tự mình viết nên câu chuyện cổ tích của mình, từ một cô gái công xưởng trở thành tỷ phú trăm tỷ.

Trong khi Dương Huệ Nghiên đang phải vật lộn đưa Country Garden thoát khỏi khủng hoảng, thì Chu Phi Quần ngày càng khẳng định tài năng kinh doanh của mình.
Cuộc hôn nhân với người chồng kín tiếng
Chu Quần Phi và Trịnh Tuấn Long là cặp vợ chồng nổi tiếng trong giới kinh doanh Trung Quốc, không chỉ vì thành công của Lens Technology mà còn bởi sự đồng hành bền chặt trong cả cuộc sống cá nhân và sự nghiệp.
Chu Quần Phi và Trịnh Tuấn Long kết hôn vào năm 2008, sau khi Chu Quần Phi đã trải qua một cuộc hôn nhân trước đó và có một cô con gái. Trịnh Tuấn Long, một doanh nhân, từng là giám đốc nhà máy tại Lens Technology, nơi ông làm việc dưới sự lãnh đạo của Chu Quần Phi. Mối quan hệ của họ bắt đầu từ môi trường làm việc, nơi cả hai chia sẻ tầm nhìn và đam mê trong lĩnh vực công nghệ sản xuất.
Tuy nhiên, không giống nhiều tỷ phú khác, Chu Quần Phi và Trịnh Tuấn Long sống khá kín tiếng. Họ hiếm khi xuất hiện trong các sự kiện xa hoa hay chia sẻ chi tiết về đời tư. Sự tập trung của họ dường như luôn hướng vào công việc và gia đình, các nguồn tin mô tả họ như một cặp đôi “thực dụng” và “hợp sức” trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Dù ít công khai xuất hiện cùng nhau, đặc biệt, Trịnh Tuấn Long rất ít xuất hiện trước truyền thông nhưng Chu Quần Phi luôn nhấn mạnh rằng sự thành công của Chu Quần Phi không thể thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là Trịnh Tuấn Long. Ông không chỉ là người bạn đời mà còn là người đồng nghiệp đáng tin cậy, chia sẻ áp lực trong việc điều hành một công ty quy mô lớn. Ngược lại, Trịnh Tuấn Long được cho là rất tôn trọng tài năng và tầm nhìn của vợ, đóng vai trò hậu phương vững chắc. Dù sau này ông không còn giữ vai trò điều hành chính thức, Trịnh Tuấn Long vẫn là cổ đông lớn và đóng vai trò cố vấn, hỗ trợ chiến lược cho Chu Quần Phi.
Từ vai trò giám đốc nhà máy đến người bạn đời, Trịnh Tuấn Long đã hỗ trợ Chu Quần Phi xây dựng Lens Technology thành một đế chế công nghệ.
Theo Sohu