spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChủ tịch Jerome Powell dùng một từ 22 lần, gióng cảnh báo...

Chủ tịch Jerome Powell dùng một từ 22 lần, gióng cảnh báo về nền kinh tế Mỹ: Kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed liệu có thay đổi?

Một từ bỗng xuất hiện lặp đi lặp lại trong các phát biểu của quan chức cấp cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đó là "bất định".

Mọi chuyện bắt đầu vào tuần trước. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã sử dụng từ này 22 lần trong cuộc họp báo ngày 19/3, ngay sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất.

“Mức độ bất định đang cực kỳ cao”, ông Powell nói về triển vọng kinh tế Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách khác cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Chủ tịch Fed New York – John Williams đã nhắc đến từ “bất định” 12 lần trong bài phát biểu ngày 22/3.

Tuần này, Thống đốc Fed Adriana Kugler cũng đề cập đến “mức độ bất định gia tăng”. Trong khi đó, Chủ tịch Fed St. Louis – Alberto Musalem cảnh báo về “sự thiếu chắc chắn” khi đánh giá tác động của các mức thuế mới đối với lạm phát.

Sự thận trọng của Fed cũng thể hiện rõ trong Báo cáo Dự báo Kinh tế hàng quý công bố ngày 20/3. Mặc dù vẫn giữ nguyên dự báo sẽ có 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, các quan chức Fed đã điều chỉnh đánh giá của họ. Lạm phát có thể cao hơn so với dự báo trước đây, trong khi tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại.

Chủ tịch Jerome Powell dùng một từ 22 lần, gióng cảnh báo về nền kinh tế Mỹ: Kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed liệu có thay đổi?- Ảnh 1.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ từ 2018 đến nay.

Theo Chủ tịch Fed Powell, nguyên nhân chính của những thay đổi này là sự không chắc chắn liên quan đến kế hoạch áp thuế mới của ông Trump.

“Rất khó để dự đoán chính xác nền kinh tế sẽ diễn biến như thế nào”, ông Williams nói vào ngày 22/3. Ông thừa nhận rằng chính sách tiền tệ luôn đi kèm với mức độ bất định nhất định.

Không chỉ Fed, giới doanh nghiệp cũng sử dụng từ “bất định” khi nói về triển vọng lợi nhuận và doanh thu. FedEx tuần trước đã hạ dự báo lợi nhuận. Giám đốc tài chính của công ty cho biết “triển vọng lợi nhuận phản ánh sự suy yếu và bất định kéo dài trong nền kinh tế công nghiệp Mỹ”. Delta Air Lines cũng cho biết doanh thu và lợi nhuận quý 1 sụt giảm do “sự bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng gia tăng”.

Người tiêu dùng Mỹ cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Chỉ số niềm tin tiêu dùng mới nhất do Conference Board công bố đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Phần lớn họ lo ngại về chính sách của chính quyền Tổng thống Trump. Đặc biệt, dự đoán về lạm phát đã gia tăng mạnh, từ 5,8% vào tháng 2 lên 6,2% trong tháng 3.

Chủ tịch Jerome Powell dùng một từ 22 lần, gióng cảnh báo về nền kinh tế Mỹ: Kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed liệu có thay đổi?- Ảnh 2.

Kỳ vọng về nền kinh tế của người tiêu dùng chạm mức thấp nhất 12 năm.

Cả giới kinh doanh và Phố Wall đều hy vọng tình hình sẽ sáng tỏ hơn vào tuần tới. Ông Trump sẽ công bố danh sách thuế quan đối ứng vào ngày 2/4. Thậm chí, một số chuyên gia còn lạc quan rằng các mức thuế mới có thể sẽ thấp hơn so với dự đoán ban đầu.

Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách của Fed, điều này có thể chỉ dẫn đến một giai đoạn bất định mới. Các quan chức sẽ phải cố gắng xác định liệu lạm phát gia tăng có phải chỉ là tác động tạm thời hay không. Tuần trước, ông Powell nhận định rằng “kịch bản cơ bản” của ông là bất kỳ đợt tăng giá nào do thuế quan gây ra cũng sẽ chỉ là tạm thời.

Nhưng Chủ tịch Fed St. Louis Musalem lại cảnh báo rằng các mức thuế mới có thể có tác động dai dẳng hơn đến lạm phát. Ông Musalem phát biểu tại Kentucky vào ngày 27/3: “Tôi rất thận trọng khi cho rằng tác động của việc tăng thuế lên lạm phát chỉ mang tính tạm thời”.

Ông đưa ra ví dụ về ngành bia. Nếu bia nhập khẩu từ Canada bị áp thuế 25%, người tiêu dùng Mỹ có thể chuyển sang uống Budweiser (một thương hiệu sản xuất trong nước). Khi nhu cầu đối với Budweiser tăng lên, hãng này có thể tận dụng cơ hội để tăng giá, từ đó khiến lạm phát gia tăng.

Theo Yahoo Finance

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật