spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChủ tịch Lưu Trung Thái: "Room" ngoại không quá quan trọng với...

Chủ tịch Lưu Trung Thái: "Room" ngoại không quá quan trọng với MB

MB là một trong số ít ngân hàng ở Việt Nam đủ điều kiện để nới "room" ngoại từ 30% lên 49%. Tuy nhiên theo lãnh đạo nhà băng này, câu chuyện "room" ngoại không quan trọng đối với MB.

MB không quan trọng chuyện nới room ngoại 

Theo Nghị định số 69/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2025, MB – một trong những ngân hàng hoàn tất nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ đủ điều kiện để nới “room” ngoại lên 49%.

Được biết, hiện MB chốt tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 23,23%. Sở hữu thực tế của cổ đông nước ngoài cũng đang gần “kín room” khi tỷ lệ sở hữu đạt 22,14%.

Nói về việc có đủ điều kiện nới “room” ngoại lên 49%, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết: “Thực tế, room ngoại không quá quan trọng với MB”.

“Room ngoại thường hướng đến hai mục tiêu chính: thu hút nhà đầu tư chiến lược và tìm kiếm giá trị cổ phiếu cao hơn. Nhưng hiện tại với MB, quan trọng là giá trị nội tại và sức mạnh doanh nghiệp”, ông nói.

Chủ tịch MB cũng chia sẻ, ngân hàng được khá nhiều quỹ đầu tư quan tâm thời gian qua. MB cũng đánh giá cao điều này và cũng được các quỹ đầu tư đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, các thông tin và gợi ý. Những nhà đầu tư này có yêu cầu tương đối cao về minh bạch thông tin và MB cũng có trách nhiệm cao hơn trong hoạt động này. “Đối với khía cạnh khác như tăng vốn, tiền mặt từ việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì MB không quá quan trọng”, ông nói.

Mua cổ phiếu quỹ để bảo vệ lợi ích cổ đông

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, MB mới đây đã cập nhật tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên. Theo đó, dự kiến tại cuộc họp ngày 26/4 tới đây, HĐQT MB sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ. Mục đích nhằm “bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của MB”.

Ông Lưu Trung Thái cho rằng, năm 2025 là năm có nhiều biến động sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư riêng lẻ. “Không một hành nào đủ mạnh bằng việc ngân hàng có thể công bố mua lại cổ phiếu quỹ trong giai đoạn này. Chúng tôi coi đây hành động để bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ giá trị cổ phiếu MBB trong giai đoạn có những bất trắc về chiến tranh thương mại toàn cầu”, ông nói.

Chủ tịch MB cũng cho biết thêm, việc mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ cũng sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng. “Hiện nay P/E của ngành ngân hàng tương đối thấp, MB cũng tương đối thấp. Đó cũng là một trong những lý do chúng tôi đề xuất phương án mua cổ phiếu quỹ”.

Lợi thế để là tập đoàn tài chính dẫn đầu

Cuối năm 2024, tổng tài sản của MB đã chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, có quy mô tệp khách hàng lớn nhất ngành ngân hàng.

Ông Lưu Trung Thái cho biết, định vị của MB là tập đoàn tài chính dẫn đầu. MB xác định tư duy theo hướng doanh nghiệp số, tức dùng mô hình kinh doanh của doanh nghiệp số vận dụng vào ngành ngân hàng, đây cũng là ngành có điều kiện để chuyển đổi số nhanh chóng.

“Doanh nghiệp số có thể hiểu như là Google, Facebook chứ không chung chung là tin học hoá, số hoá kinh doanh. Với logic như vậy, MB kết hợp kinh doanh nền tảng, marketing cộng với việc đẩy mạnh quy mô khách hàng, doanh thu trên nền tảng số. Cách tiếp cận như vậy là khá sớm ở Việt Nam, và chúng tôi đã làm từ cách đây 6-7 năm, cho đến nay có kết quả khá tốt”, ông nói.

“Có món nào trên bàn thì MB có đầy đủ nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay. Cấu trúc này giúp MB phát triển hệ sinh thái đầy đủ, hướng tới tập đoàn tài chính dẫn đầu thị trường”, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB.

Người đứng đầu MB cũng cho hay, MB có lợi thế để là tập đoàn tài chính dẫn đầu khi đang là mô hình tập đoàn có đầy đủ công ty thành viên trong các lĩnh vực khác nhau. “Có món nào trên bàn thì MB có đầy đủ nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay. Chúng tôi đã có 2 công ty bảo hiểm trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tài chính tiêu dùng và 2 ngân hàng, một ngân hàng ở nước ngoài, một trong nước. Cấu trúc này giúp MB phát triển hệ sinh thái đầy đủ, hướng tới tập đoàn tài chính dẫn đầu thị trường. Đấy là định vị của MB”.

Trong bối cảnh kinh tế đang có những biến động mạnh, đặc biệt là tác động từ thuế quan, căng thẳng thương mại toàn cầu, ông Thái cho rằng, bài toán tăng trưởng năm nay là bài toán khó không chỉ với MB mà toàn ngành ngân hàng, toàn nền kinh tế. MB đang theo dõi sát sao để có kế hoạch kinh doanh tốt nhất. “Cách giải này dựa trên nguồn lực của mỗi quốc gia. Tôi tin vào cách ứng xử của Việt Nam, với một số lợi thế về nhân công, tài nguyên, độ mở nền kinh tế, chúng ta sẽ tìm ra cách để hoá giải những rủi ro tiềm tàng, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật