spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChuỗi buffet nổi tiếng phá sản khởi đầu cho làn sóng vỡ...

Chuỗi buffet nổi tiếng phá sản khởi đầu cho làn sóng vỡ bong bóng 3.000% của nhà hàng: Ngành kinh doanh ẩm thực có đứng trước cuộc khủng hoảng?

Kinh doanh chuỗi nhà hàng trên thực tế là đầu cơ BĐS. Khi BĐS bị bán hết, thương hiệu nhà hàng thực tế chỉ còn là cái vỏ rỗng.

“Ngành nhà hàng là một kênh đầu tư khó khăn, hơn một nửa trong số đó phá sản chỉ trong 6 tháng” là những gì mà nhân vật Charles Grodin trong bộ phim “Midnight Run” năm 1988 phải thốt lên.

Trên thực tế, đây chính là những gì đang diễn ra với ngành nhà hàng tại Mỹ khi nhà đầu tư rót tiền vào mảng ẩm thực với kỳ vọng người dân sẽ chi tiêu trở lại hậu đại dịch Covid-19, thế nhưng thực tế lại khó khăn hơn vậy.

Hàng loạt những cái tên nổi tiếng tại Mỹ như Red Lobster của Golden Gate Capital, TGI Fridays và Smokey Bones phải nộp đơn phá sản hay đóng cửa đã cho thấy một thực tại khắc nghiệt khi bong bóng nhà hàng bắt đầu xì hơi.

Chuỗi buffet nổi tiếng phá sản khởi đầu cho làn sóng vỡ bong bóng 3.000% của nhà hàng: Ngành kinh doanh ẩm thực có đứng trước cuộc khủng hoảng?- Ảnh 1.

3.000%

Dữ liệu từ PitchBook cho thấy các khoản đầu tư vốn tư nhân vào các nhà hàng bình dân đã tăng từ 7,7 triệu USD năm 2013 lên 231 triệu USD năm 2023, tương đương mức tăng gần 3.000%.

Chỉ tính riêng năm 2024, Blackstone đã mua 1.400 quán Tropical Smoothie Cafes và nắm giữ phần lớn cổ phần tại Jersey Mike’s, nhờ đó giúp chuỗi cửa hàng này được định giá lên tới hàng tỷ USD.

Trong khi đó Sycamore Partners cũng đã mua 250 địa điểm của Playa Bowls, còn nhà hàng Địa Trung Hải Cava đã huy động được gần 750 triệu USD từ các nhà đầu tư tư nhân trước khi IPO vào năm 2023.

Tương tự, SoftBank Vision Fund đã bơm hàng trăm triệu USD vào các startup phát triển công nghệ ứng dụng cho nhà hàng trong thập kỷ qua.

Tất cả số tiền mặt đó đã dẫn đến sự bùng nổ của những cái tên như Chipotle, Shake Shake và Sweetgreen.

Từ năm 2009 đến năm 2018, số lượng nhà hàng bình dân ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong khi doanh số tăng gần gấp ba. Số tiền mà người Mỹ chi cho việc ăn uống bên ngoài đã tăng gần 60% kể từ năm 2009 và điều này khiến việc đổ tiền vào các chuỗi nhà hàng có vẻ không phải là một khoản đầu tư tồi.

Thế nhưng câu chuyện lại chẳng như là mơ. Chuỗi nhà hàng nổi tiếng Red Lobster đã tuyên bố phá sản vào đầu năm nay sau 10 năm dưới sự quản lý của vốn tư nhân.

Thay vì mô hình kinh doanh bất động sản nhà hàng hiệu quả như của McDonald’s, những chuỗi nhà hàng bình dân này lại hướng đến dịch vụ ăn uống là chính, bán hết bất động sản (BĐS) đi và cuối cùng chỉ còn lại cái vỏ rỗng.

Ngay cả trong mảng kinh doanh ẩm thực, những chuỗi nhà hàng bình dân tại Mỹ cũng chẳng cạnh tranh được với các chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng. Ví dụ ở Manhattan, một chiếc burger phô mai Burger King có giá 3,40 USD, rẻ một nửa so với một chiếc burger Shake Shack có giá 7,79 USD dù chúng chẳng có nhiều sự khác biệt.

“Các chuỗi đồ ăn nhanh đang mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm bữa ăn tốt hơn, ngang bằng hoặc trong một số trường hợp tốt hơn nhà hàng bình dân, với thời gian nhanh gọn và rẻ hơn”, giáo sư Alex M. Susskind tại Đại học Cornell thừa nhận.

Thế rồi khả năng mở rộng chi nhánh theo chiến lược kinh doanh BĐS như kiểu McDonald’s cũng đang khiến nhiều chuỗi nhà hàng bình dân không theo đuổi kịp. Tờ Business Insider (BI) cho hay những chuỗi nhà hàng như Chipotle mất 18 tháng để hoàn vốn chi phí xây dựng so với 5 năm như của Cheesecake Factory.

Chuỗi buffet nổi tiếng phá sản khởi đầu cho làn sóng vỡ bong bóng 3.000% của nhà hàng: Ngành kinh doanh ẩm thực có đứng trước cuộc khủng hoảng?- Ảnh 2.

Đồng quan điểm, CEO Chris Macksey của Prix Fixe Accounting cho hay biên lợi nhuận chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh dao động từ 10% đến 15%, trong khi các cửa hàng bình dân chỉ là 5% đến 8% khiến nhà đầu tư dần nản lòng sau quãng thời gian kỳ vọng người dân Mỹ sẽ chi tiêu lại hậu đại dịch.

Nếu cuối thập niên 1990, hàng loạt những thương hiệu nhà hàng bình dân như Applebee’s, TGI Fridays và Olive Garden cất cánh thì giờ đây chính những chuỗi này đang phải vật lộn để sống sót.

Làm giàu từ đất

Theo BI, ngành nhà hàng chủ yếu kiếm tiền từ BĐS. Hoạt động kinh doanh của họ không phải là làm giàu cho cộng đồng mà là tìm kiếm những người thuê đáng tin cậy nhất có thể trả nhiều tiền thuê nhất.

Trong lĩnh vực bất động sản nhà hàng, điều đó thường có nghĩa là các thương hiệu thức ăn nhanh và bình dân cần được các đầu tư vốn lớn để mua BĐS. Những chuỗi thương hiệu này chỉ cần quảng bá hình ảnh để có thể cho thuê đất giá cao hơn.

“Các chuỗi nhà hàng cố gắng đánh bại đối thủ cạnh tranh trong khi không quan tâm đến số tiền kiếm được trong lĩnh vực ẩm thực, đó là bởi nó họ nhắm đến cuộc chiến lớn hơn trong ngành BĐS nhà hàng chứ không phải doanh số bán món ăn từng chi nhánh”, chuyên gia Talia Berman tại công ty tư vấn dịch vụ khách sạn Friend of Chef cho biết.

Đây chính là cốt lõi khiến những thương hiệu như Red Lobster phải nộp đơn xin phá sản khi không hiểu được giá trị thực sự từ chuỗi buffet có 719 chi nhánh khắp thế giới này nằm ở đâu.

Năm 2014, trong bối cảnh doanh thu sụt giảm và áp lực từ các nhà đầu tư, Darden đã phải bán Red Lobster với giá 2,1 tỷ USD cho Golden Gate Capital, một công ty cổ phần tư nhân ở San Francisco.

Tuy nhiên điều trớ trêu hơn là Golden Gate không có đủ tiền mặt để thực hiện thương vụ và đã phải thế chấp và sau này là bán các bất động sản của Red Lobster nhằm hoàn tất hợp đồng.

Tập đoàn này ngay lập tức gặp khó khăn khi Red Lobster phải mua lại các địa điểm nhà hàng để kinh doanh nhưng giá BĐS đã đi lên, khiến chi phí thuê mặt bằng tăng cao.

Theo BI, chính BĐS mới là thứ giá trị nhất của Red Lobster chứ không phải thương hiệu hay chiến dịch ăn tôm hùm thả ga nổi tiếng của họ. Bởi vậy việc dỡ BĐS ra bán để lấy tiền được cho là một hành vi kém thông minh do khi kinh doanh ẩm thực sa sút, doanh số sụt giảm thì chi phí đi thuê lại mặt bằng đắt đỏ trở thành cái gai trong mắt các cổ đông.

Giám đốc Eileen Appelbaum của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (CEPR) cho biết một khi nhà đầu tư bán hết BĐS thì họ đã thu hồi vốn, thậm chí kiếm lãi lớn từ thương vụ mua Red Lobster.

“Ngày tận thế của một thương hiệu nhà hàng sẽ đến khi bạn bán hết BĐS dưới quyền để đi thuê mặt bằng trong bối cảnh lãi suất cao và nền kinh tế khó khăn như hiện nay”, giám đốc Appelbaum đánh giá.

Chuỗi buffet nổi tiếng phá sản khởi đầu cho làn sóng vỡ bong bóng 3.000% của nhà hàng: Ngành kinh doanh ẩm thực có đứng trước cuộc khủng hoảng?- Ảnh 3.

Đúng như dự đoán, Golden Gates đã bán 25% cổ phần của Red Lobster năm 2016 cho Thai Union-Thái Lan với giá 575 triệu USD và chuyển phần còn lại của công ty cho một nhóm nhà đầu tư có tên là Seafood Alliance cũng của Thái Lan.

Năm 2021, Red Lobster phải đảo nợ với người cho vay mới là Fortress Investment Group, qua đó cho thấy tình hình vẫn chẳng khá hơn khi đã bán hết BĐS nắm giữ.

Cuối năm 2023, các nhà đầu tư Thái Lan đã nản lòng và đang tìm cách thoái vốn của Red Lobster, khiến thương hiệu này đi đến bờ vực phá sản.

Mất chất

Chuyên gia Talia Berman của Friend of Chef nhận định một yếu tố nữa khiến nhiều nhà hàng phá sản hiện nay đến từ việc nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc mở rộng mà nới lỏng việc kiểm soát chất lượng, dẫn đến mất hình ảnh thương hiệu.

Để chứng minh cho các nhà đầu tư thấy, nhiều thương hiệu chấp nhận thuê mặt bằng giá cao để có doanh thu cao dù biên lợi nhuận giảm. Cái các nhà hàng nhắm đến là nguồn vốn tư nhân để mua BĐS mới, để mở rộng quy mô hào nhoáng mà bỏ qua chất lượng dịch vụ, vốn là một phần làm nên tên tuổi thương hiệu.

Thêm vào đó, các dự án trung tâm thương mại cũng cần lấp đầy các nhà hàng với hợp đồng vài năm. Hậu quả là thực khách sẽ thấy hàng loạt nhà hàng ngày càng giống nhau về hình thức, hương vị.

“Khi bạn lái xe trên đường và nhìn thấy những biển quảng cáo nhà hàng, chúng chẳng có gì khác biệt khi đã mất chất. Liệu các nhà hàng vội vã mở rộng quy mô có thể đảm bảo nhân viên phải làm một miếng khoai tây chiên hoàn hảo dài 3,7 inch hay không?”, CEO Thomas Crosby của chuỗi Pal’s Sudden Service có 31 cửa hàng tại Tennessee nhận định.

Việc cố gắng sao chép thành công của McDonald’s không sai nhưng để làm hài lòng nhà đầu tư, các chuỗi nhà hàng sẽ dần mất chất và khi thương hiệu giảm sút giá trị, thực khách dần quay lưng thì cũng là lúc tiền thuê đất chẳng thể cao được nữa.

Hậu quả là kinh doanh bán đồ ăn không có lãi, đến nguồn thu BĐS cũng ảnh hưởng.

Giáo sư Susskind tại Cornell tin rằng sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực ăn uống bình dân cuối cùng cũng sẽ sụp đổ vì quan điểm chỉ chú trọng vào lợi nhuận của cổ đông.

Trong trường hợp của Red Lobster, chuỗi nhà hàng 55.000 lao động này với truyền thống lịch sử lâu đời từ năm 1968 từng nổi tiếng với chương trình ăn tôm hùm thả ga trong khoảng 6 tuần, khiến mọi người đổ xô đến thưởng thức.

Tuy nhiên vào giữa tháng 4/2024, chuỗi nhà hàng Red Lobster này đã phải xem xét nộp đơn xin bảo hộ phá sản mà một phần nguyên nhân đến từ việc nhà hàng này thực hiện chiến dịch marketing “Tôm hùm bất tận”, nghĩa là kéo dài chương trình ăn tôm hùm thả ga mãi mãi thay vì 6 tuần như trước đây.

Chuỗi buffet nổi tiếng phá sản khởi đầu cho làn sóng vỡ bong bóng 3.000% của nhà hàng: Ngành kinh doanh ẩm thực có đứng trước cuộc khủng hoảng?- Ảnh 4.

Trên thực tế vào năm 2003, chuỗi buffet này cũng đã thực hiện một chương trình tương tự nhưng là với sản phẩm cua tuyết. Chỉ với giá 20 USD, thực khách có thể ăn thả ga món sang chảnh này và Red Lobster tự tin thương hiệu sẽ bùng nổ vì thu hút nhiều thực khách.

Thế nhưng do quá nhiều thực khách “kém văn minh” xuất hiện mà hãng đã lỗ tổng cộng 3,3 triệu USD trong 7 tuần, tạo nên làn sóng bán tháo 405,9 triệu USD cổ phiếu chỉ trong 1 phiên giao dịch, khiến CEO Edna Morris khi đó phải từ chức.

Tương tự, chuỗi BurgerFi có 93 chi nhánh đã nhận được 80 triệu USD đầu tư chỉ vài năm trước thì nay đã vỡ nợ 51 triệu USD và phải nộp đơn phá sản vào tháng 9/2024.

Một trường hợp khác là Mod Pizza đã nhận được tổng cộng 334 triệu USD trong khoảng 2015-2019 để phát triển lên đến 512 chi nhánh với hơn 12.000 nhân viên. Thế nhưng từ đầu năm 2024, hãng đã phải đóng cửa hơn 40 địa điểm.

Liệu sự phá sản của Red Lobster có là điểm khởi đầu cho bong bóng ngành nhà hàng tan vỡ?

*Nguồn: BI

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật