spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChuyện gì đây: Amazon tinh giản vị trí quản lý, hạ cấp...

Chuyện gì đây: Amazon tinh giản vị trí quản lý, hạ cấp nhân sự ngay đầu năm

Kế hoạch cải tổ của Amazon có thể tác động đến hàng nghìn nhân viên.

Nỗ lực tinh giản đội ngũ quản lý cấp trung của Amazon đang thành hình. Công ty gần đây đã yêu cầu một số nhà quản lý tăng số lượng nhân viên báo cáo trực tiếp, giảm tuyển dụng nhân sự cấp cao, đồng thời hạ cấp hoặc cắt giảm lương một số vị trí.

Vào tháng 9, Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy đã công bố kế hoạch cắt giảm các tầng quản lý, với hy vọng công ty sẽ hạn chế văn hóa quan liêu và bước đi nhanh hơn. Các hướng dẫn nội bộ cho thấy kế hoạch cải tổ của Amazon có thể tác động đến hàng nghìn nhân viên.

Đây không phải là lần đầu tiên Amazon thực hiện những thay đổi như thế này. Vào năm 2017, nhà sáng lập và cựu CEO của Amazon, Jeff Bezos đã yêu cầu mọi nhà quản lý phải có ít nhất 6 báo cáo trực tiếp như một phần của kế hoạch giảm bớt chồng chéo trong công ty.

Lệnh mới nhất đã khiến một số nhân viên lo ngại. Tại một cuộc họp toàn thể nội bộ vào tháng 11, Jassy đã giải quyết vấn đề này, thừa nhận rằng trước đó Amazon đã tuyển dụng quá ồ ạt.

“Tôi ghét chế độ quan liêu”, Jassy nói trong cuộc họp.

Người phát ngôn của Amazon nói với BI rằng quy mô nhóm lý tưởng sẽ khác nhau và không có yêu cầu nào trên toàn công ty yêu cầu tất cả các nhà quản lý phải có một số lượng báo cáo trực tiếp nhất định. Các hướng dẫn dành cho nhóm bán hàng AWS đã yêu cầu tạm dừng tuyển dụng quản lý mới, song việc này sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Được biết, Amazon đang khuyến khích chuyển đổi cấu trúc của nhóm từ hình kim cương sang kim tự tháp, trong đó hơn một nửa tập trung ở các vị trí cấp thấp. Xu hướng này đang diễn ra ở nhiều công ty Mỹ, trong đó có Meta, Citi và UPS.

Trong một lưu ý được công bố tuần trước, các nhà phân tích của Bank of America ước tính rằng Amazon có thể tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ USD chi phí hàng năm từ việc cắt giảm quản lý. Công ty điều chỉnh việc tuyển dụng dựa trên nhu cầu kinh doanh và tiếp tục có các vị trí quản lý mở.

Một số vị trí quản lý bị hạ cấp xuống cộng tác viên. Họ nhận lương thấp hơn, song bù lại, không bị đuổi việc.

Đối với một số nhân viên Amazon, công cuộc tái tổ chức đang tạo ra một vấn đề lớn: nền văn hóa sợ hãi. Họ cho biết các nhà quản lý dường như ngại chấp nhận rủi ro vì không muốn chịu trách nhiệm, sợ rằng bản thân sẽ trở thành mục tiêu của các đợt cắt giảm.

“Không ai muốn trở thành người thất bại cả”, một người nói.

Không chỉ riêng kế hoạch tinh giản đội ngũ quản lý, chính sách quay trở lại văn phòng của Amazon cũng đang gây ra không ít khó khăn. Một số nhân viên cho biết chính sách văn phòng mới, được áp dụng từ đầu năm nay, đã dẫn đến tình trạng bãi đậu xe chật kín, thiếu bàn làm việc và phòng họp. Đồ đạc thậm chí còn bị mất cắp.

BI đã trao đổi với 7 nhân viên hiện tại của Amazon. Họ chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn nhóm trên Slack và các hình thức liên lạc riêng tư khác.

“Vui lòng quay lại RTO3”, một nhân viên Amazon đã viết trên Slack, ám chỉ đến chính sách trước đây của Amazon cho phép nhân viên làm việc tại nhà 2 ngày/ tuần. “Cho phép nhân viên tùy chọn làm việc tại nhà nếu phù hợp và có hiệu suất cao”.

Tuy nhiên, bài đăng trên Slack chỉ thu hút được ít nhất 22 biểu tượng cảm xúc ủng hộ. Những người công khai phàn nàn về trải nghiệm RTO chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong lực lượng lao động của công ty.

Khiếu nại có thể là phản ứng tự nhiên trước sự thay đổi lớn trong cuộc sống hàng ngày của hàng nghìn nhân viên vốn đã dần quen với việc làm việc tại nhà trong đại dịch. Peter Cappelli, giám đốc Trung tâm Nguồn nhân lực của Wharton, nói với BI rằng việc buộc nhân viên quay trở lại văn phòng có thể gây ra một sự phẫn nộ lớn.

“Nhà tuyển dụng mới là người có toàn quyền quyết định ở đây”, Cappelli nói thêm.

Trong email gửi BI, người phát ngôn của Amazon cho biết công ty tập trung vào việc đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra “dễ dàng nhất có thể”.

“Những gì chúng tôi đang thấy là năng lượng tuyệt vời trên khắp các văn phòng và chúng tôi rất phấn khích trước sự đổi mới, hợp tác và kết nối”, đại diện Amazon nói.

Năm ngoái, CEO Andy Jassy cho biết chính sách mới nhằm cải thiện sự hợp tác của nhóm và củng cố hơn nữa văn hóa của công ty. CEO AWS Matt Garman cũng nói với nhân viên vào tháng 10 rằng, 9 trong số 10 người mà ông đã nói chuyện đều háo hức trước sự thay đổi này.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy công ty chưa chuẩn bị đầy đủ cho những thách thức về mặt hậu cần. Một số nhân viên thấy không có đủ bàn làm việc và phải tìm chỗ trong căng tin hoặc hành lang. Số khác không có đủ ghế trong văn phòng và phòng họp.

Ngoài ra, một nhân viên từ văn phòng Amazon tại Nashville cho biết thời gian chờ để xin thẻ đỗ xe bị chậm trễ trong nhiều tháng. Một số đồng nghiệp phải tham gia họp buổi sáng trên ô tô vì lượng nhân viên tăng thêm khiến thời gian đi lại rất mất thời gian.

Theo: Business Insider, The NY Times

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật