spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhCổ phiếu ngân hàng đua nhau tăng giá phiên 25/9: Tâm điểm...

Cổ phiếu ngân hàng đua nhau tăng giá phiên 25/9: Tâm điểm MSB, STB, MBB, VPB và VCB

Phiên 25/9, cổ phiếu ngân hàng diễn biến đầy tích cực với 21 mã tăng giá. Trong đó, MSB, STB và MBB xanh mạnh nhất, còn VCB là trụ cột chính kéo điểm thị trường chung.
Cổ phiếu ngân hàng đua nhau tăng giá phiên 25/9: Tâm điểm MSB, STB, MBB, VPB và VCB- Ảnh 1.

Nối tiếp đà hưng phấn ngày hôm qua, lực cầu mạnh tiếp tục giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững đà tăng điểm trong phiêm giao dịch 25/9, với tâm điểm vẫn đến từ nhóm cổ phiếu trụ cột bank – chứng – thép.

Đối với nhóm ngân hàng, cổ phiếu ngành này diễn biến tích cực trong phiên hôm nay với 21 mã tăng, 2 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu.

Trong đó, MSB bất ngờ bật tăng hơn 3% với thanh khoản cao nhất kể từ tháng 2/2024. Mới đây, MSB đã hoàn thành việc phát hành 600 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 30% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu).

Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông MSB 2024 cũng đã phê duyệt chủ trương chia cổ tức với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu từ lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ. Chia sẻ với truyền thông tại Đại hội vừa qua, đại diện MSB cho biết nếu được cổ đông thông qua và kết quả kinh doanh đạt kỳ vọng, ngân hàng sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt ngay trong quý 4 năm nay.

Cổ phiếu STB của Sacombank cũng bật tăng 2,7% trong phiên hôm nay lên 32.700 đồng/cp. Tương tự, cổ phiếu MBB và VIB cũng có được mức tăng giá tốt khi xanh lần lượt 1,98% và 1,83%.

Là mã kéo điểm Vn-Index mạnh nhất phiên hôm nay, VCB kết phiên tăng 1,75% với thanh khoản cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Liên quan đến cổ phiếu này, chiều 24/9, cho ý kiến về chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Vietcombank, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết, mức vốn và phương án bổ sung vốn Nhà nước tại VCB như trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung gần 20.700 tỷ đồng vốn điều lệ cho Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại (sau thuế, sau trích lập các quỹ và sau khi đã chi trả tiền mặt) lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

Ngoài VCB, một số cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30 cũng có được mức tăng tốt trong phiên hôm nay như ACB (+1,55%), BID(+1,52%), TPB (+1,3%), VPB(+1,3%), TCB (+1,06%).

Trong đó, cổ phiếu TPB bật tăng phiên thứ hai liên tiếp đi cùng hoạt động mua ròng của khối ngoại, sau khi TPBank chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% vào ngày 24/9. Cụ thể, TPBank sẽ phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.420 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu lưu hành là gần 2,642 tỷ đơn vị. Trước đó, TPBank đã thực hiện thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5% vào tháng 7/2024. Tổng số tiền mà ngân hàng chi ra là hơn 1.100 tỷ đồng.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh phiên hôm nay còn có một số ngân hàng trên thị trường UPCoM và HNX như ABB (+2,63%), BVB (+2,63%), NVB (+2,2%), VAB (+2,15%).

Nhìn chung, thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ở mức cao so với bình quân những phiên gần đây. Trong đó, VPB dẫn đầu toàn ngành với 45,9 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn. Đứng sau lần lượt là MBB (32 triệu cp), STB (28,6 triệu cp), TCB (23,4 triệu cp), ACB (23 triệu cp), MSB (22,4 triệu cp).

Nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục là tâm điểm hút tiền và sự chú ý của thị trường trong những phiên gần đây, sau khi ngành này đón nhận nhiều thông tin tích cực.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm trong phiên 16/9, từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8.

Đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng. Trước đó, Nhà điều hành cũng đã hạ lãi suất này từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm trong phiên giao dịch 5/8.

Việc cắt giảm lãi suất này đã đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2024, khi NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng vào trung tuần tháng 4 và tháng 5/2024, từ 4% lên 4,25% và sau đó từ 4,25% lên 4,5%.

Trước đó, NHNN đã có loạt chính sách điều hành mang tính nới lỏng. Cụ thể, Nhà điều hành đã thông báo kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu phân bổ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD đó.

Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN cũng đã chủ động ngừng phát hành trên kênh tín phiếu nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Theo giới chuyên môn, các động thái mang tính nới lỏng của NHNN sẽ giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, thúc đẩy hoạt động cho vay trong giai đoạn cuối năm; qua đó tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của ngành này.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật