Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 diễn ra ngày 9/7 ở Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Công nghiệp Công nghệ thông tin – Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Luật Công nghiệp công nghệ số đánh dấu lần đầu trong lịch sử Việt Nam quy định tính pháp lý cho tài sản số.
“Luật coi tài sản số là một loại tài sản theo pháp luật dân sự, tức được bảo vệ giống như tài sản thực”, ông cho hay.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Truyền thông chia sẻ tại sự kiện
Theo Cục trưởng, Việt Nam hiện có khoảng 21 triệu người đầu tư vào tài sản mã hóa (crypto). Trước đây, hoạt động giao dịch, sở hữu tài sản số chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Luật Công nghiệp công nghệ số, được Quốc hội ban hành trong tháng 6 và có hiệu lực từ 1/1/2026, đưa người sở hữu tài sản mã hóa ra khỏi “vùng xám” pháp lý.
Theo Luật, tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử. Tài sản mã hóa là tài sản số được tạo, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.
Ông Lịch cho biết, từ góc độ Chính phủ, có ba xu hướng lớn về quản lý tài sản. Thứ nhất là tính cá nhân hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Thứ hai là tài sản số gắn với công nghệ blockchain, hay một cái xu thế có thể nói của nó là token hóa tài sản. Thứ ba là xu hướng giao dịch, đầu tư xuyên biên giới.
Theo ông, để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số như Chính phủ kỳ vọng, cần mở ra không gian phát triển mới, đó là không gian số. Với lượng giao dịch crypto mỗi năm hơn 100 tỷ USD của người Việt, ông đánh giá tài sản số là “bệ phóng” cho kinh tế số.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cũng cho rằng hành lang pháp lý mới thay đổi cách thức vận hành của thị trường tài sản mã hóa, vốn chịu ảnh hưởng bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài.
Trước khi có luật, hoạt động gọi vốn thường diễn ra trong hội nhóm kín, nhiều giao dịch trên nền tảng chưa được cấp phép. Với Luật Công nghiệp công nghệ số, các hoạt động này sẽ chuyển sang hình thức công khai và được bảo vệ theo pháp luật. “Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và hệ lụy cho nhà đầu tư, đồng thời tạo ra cơ hội mới cho các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chân chính”, ông nhận định
Ông Trung cho biết, thị trường đang hướng tới những thay đổi quan trọng – nổi bật là đề án sàn giao dịch tài sản số thí điểm do Chính phủ khởi xướng. Ông kỳ vọng sàn thí điểm này, dù chưa hoàn thiện về mặt pháp lý, sẽ là nơi mở đường cho các thử nghiệm quan trọng trong lĩnh vực huy động vốn và đổi mới tài chính.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Techcom Securities, nhận định các công nghệ mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường đầu tư. Theo đó, ngoài cổ phiếu và trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân có thêm cơ hội tiếp cận các loại tài sản như crypto, crowdfunding (gọi vốn cộng đồng). Việc giảm chi phí tiếp cận thị trường sẽ tạo điều kiện để nhiều người tham gia đầu tư với quy mô nhỏ.