spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhCuộc đối đầu lãi suất giữa Nhà Trắng và FED: Ai sẽ...

Cuộc đối đầu lãi suất giữa Nhà Trắng và FED: Ai sẽ thắng thế?

Căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch FED Jerome Powell leo thang khi Nhà Trắng thúc ép cắt giảm mạnh lãi suất nhằm giảm chi phí vay nợ. Trong khi đó, FED kiên quyết bảo vệ vai trò độc lập và kiểm soát lạm phát – tạo nên một cuộc giằng co chưa từng có giữa chính trị và chính sách tiền tệ tại Mỹ.

Cuộc đối đầu lãi suất giữa Nhà Trắng và FED

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ thông tin sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, nhưng thị trường tài chính tuần qua đã có phen chấn động. Đã nhiều tháng nay, ông Trump chỉ trích Chủ tịch FED vì những gì ông mô tả là “chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất”.

Tổng thống Mỹ muốn FED cắt giảm lãi suất tới 3 điểm phần trăm từ mức hơn 4% hiện nay, để giảm chi phí vay nợ liên bang. Nhưng sự can thiệp này lại không dễ dàng, bởi nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vai trò và vị thế hoạt động độc lập của FED.

Cuộc đối đầu lãi suất giữa Nhà Trắng và FED: Ai sẽ thắng thế?- Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)

Nhưng hiện nay, cuộc đối đầu giữa ông chủ Nhà Trắng – Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch FED Powell đang thách thức tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – cơ quan được tự do trong việc vận hành và quyết định chính sách tiền tệ từ hơn 70 năm qua, tách biệt khỏi ảnh hưởng trực tiếp từ Tổng thống hay Quốc hội Mỹ. Vậy những lí lẽ của hai bên trong cuộc đối đầu hiện nay là gì?

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay: “Lẽ ra ông ấy nên cắt giảm lãi suất từ lâu rồi. Châu Âu đã cắt giảm lãi suất 10 lần trong một thời gian ngắn, còn chúng ta thì không cắt giảm lần nào. Lần duy nhất ông ấy cắt giảm lãi suất là ngay trước cuộc bầu cử”.

Ông Jerome Powel – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết: “Về cơ bản, tất cả dự báo lạm phát của Mỹ đều tăng đáng kể do hậu quả của thuế quan. Vì vậy, chúng tôi không phản ứng gì cả. Chừng nào nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, chúng tôi nghĩ rằng điều cần làm là chờ đợi, tìm hiểu thêm và xem những tác động có thể là gì”.

Vấn đề chính của Tổng thống Trump với Chủ tịch FED Powell là FED đã không cắt giảm lãi suất trong năm nay – một động thái lẽ ra sẽ giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ dễ dàng vay vốn để mua nhà, xây dựng nhà máy và thúc đẩy nền kinh tế. Lãi suất thấp hơn cũng giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm chi phí lãi vay liên bang hàng năm – hiện lên tới khoảng 1.200 tỷ USD, khi mà nợ công Mỹ đã vượt 36.000 tỷ USD.

Trong khi đó, Chủ tịch FED Powell thì cho rằng lạm phát lõi của Mỹ vẫn chưa đủ thấp và ổn định để có thể cắt giảm mạnh lãi suất. Nếu giảm lãi suất quá sớm, có thể khiến lạm phát quay trở lại, phá hủy thành quả kiềm chế giá cả trong 2 năm qua. Và quan trọng hơn cả, FED cần duy trì uy tín độc lập, tránh bị tác động chính trị – điều cực kỳ quan trọng với thị trường toàn cầu.

Ông Joe Hegener – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Asterozoa Capital Management nhận định: “Nếu Tổng thống Trump được toại nguyện và có một đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp 3 điểm phần trăm vào ngày mai, thì mọi chuyện sẽ rất tồi tệ. Nếu phần đầu của đường cong lợi suất giảm 3%, chúng tôi nghĩ rằng phần cuối dài hạn của đường cong lợi suất sẽ tăng mạnh. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm rất có thể sẽ tăng đến 9%. Đó còn chưa tính đến uy tín của Cục Dự trữ Liên bang sẽ bị tổn hại, dẫn đến việc phá giá đồng đô la và một số tài sản rủi ro bị bán tháo”.

Những kịch bản từ Nhà Trắng

Trong bối cảnh trên, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu sẽ xảy ra kịch bản Tổng thống Trump thay đổi vị trí Chủ tịch FED? Và nếu vậy những tác động sẽ là gì?

Theo ông Larry Greenwood – Cố vấn cao cấp tại BowerGroupAsia: “Rõ ràng là Tổng thống Trump không có thẩm quyền pháp lý để làm điều đó trừ khi có lý do chính đáng, nghĩa là FED đã làm điều gì đó bất hợp pháp hoặc dính líu đến một vụ bê bối nào đó. Vì vậy, việc cách chức Chủ tịch một cách hợp pháp không hề dễ dàng”.

Tổng thống Trump đã gia tăng chỉ trích đối với dự án cải tạo văn phòng trị giá 2,5 tỷ USD của FED khi cho rằng có sự lãng phí và quản lý yếu kém trong nhiều năm.

“Chi phí mà chúng ta đang nói đến hiện nay là 2,5 tỷ USD. Nếu bạn nhìn vào Cung điện Versailles, theo số liệu hiện đại, thì nó sẽ là 3 tỷ USD. Điện Capitol tốn khoảng 2,5 tỷ USD. Hãy nhìn vào những tòa nhà lớn nhất trên thế giới và con số này đang tiến gần đến mức đó. Và vì vậy, Ủy ban Quy hoạch Thủ đô Quốc gia giờ đây sẽ có cơ hội đặt ra một số câu hỏi hóc búa cho Cục Dự trữ Liên bang”, ông Russell Vought – Giám đốc Cơ quan Quản lý và Ngân sách Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Powell không phải là người duy nhất đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ, mà đó là một Ủy ban gồm 7 thống đốc Ngân hàng Trung ương ở Washington và 5 Chủ tịch của các ngân hàng khu vực của FED. Đa phần đều không ủng hộ việc hạ lãi suất ngay lập tức.

Ông Larry Greewood – Cố vấn cao cấp tại BowerGroupAsia đánh giá: “Đó là một cuộc bỏ phiếu về lãi suất. Vì vậy, Chủ tịch FED cũng không thể ép buộc việc thông qua quyết định. Do vậy, việc thay đổi chủ tịch FED trước thời điểm hết nhiệm kì ông Powell vào tháng 5 tới, sẽ có tác động lớn đến thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Và điều đó, đồng nghĩa với việc chi phí vay nợ của chính phủ liên bang sẽ cao hơn, khó khăn tài chính sẽ gia tăng ở Mỹ. Vì vậy, có rất nhiều ràng buộc, không chỉ về mặt pháp lý, đối với ông Trump khi cố gắng thay thế Chủ tịch Powell trước tháng 5 tới”.

Nhiệm kỳ Chủ tịch của ông Powell dự kiến kết thúc vào tháng 5 năm sau, trong khi nhiệm kỳ Thống đốc của ông kéo dài đến tháng 1 năm 2028. Tuy nhiên, quá trình kế nhiệm Chủ tịch FED đã được chính quyền ông Trump tiến hành. Ứng cử viên hàng đầu là Cố vấn kinh tế cấp cao Kevin Hassett.

Ngay cả khi Tổng thống Mỹ không sa thải ông Powell trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, ông Trump đã thể hiện rõ mong muốn rằng người đứng đầu FED tiếp theo phải tuân theo yêu cầu của ông: Đó là hạ lãi suất!

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật