Cuộc thảo luận ngắn ngủi
Cuộc gặp chớp nhoáng diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang thúc đẩy động thái ngày càng cấp bách để đạt được thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.
Các bức ảnh do Văn phòng Tổng thống Ukraine công bố cho thấy hai nhà lãnh đạo đang khẽ khàng ngồi thảo luận mà không có trợ lý ở cạnh.
Cuộc họp diễn ra ngay bên ngoài Nhà nguyện Baptistry, gần lối vào Vương cung thánh đường Thánh Peter, và cuộc nói chuyện không được báo trước.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng đi cùng Tổng thống Trump cho biết hai nhà lãnh đạo “đã gặp riêng hôm nay và có một cuộc thảo luận rất hiệu quả”. Các quan chức từ cả hai phía đều cho biết cuộc họp kéo dài khoảng 15 phút và các nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục đàm phán, có thể là vào cuối thứ Bảy.ngày 26/4.
Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và ông Zelensky kể từ cuộc họp thảm họa tại Nhà Trắng hôm 28/2, khi Phó Tổng thống JD Vance và các quan chức Hoa Kỳ khác công khai chỉ trích ông Zelensky vì không biết ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, dẫn đến việc Washington tạm thời đình chỉ hỗ trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo.

(Ảnh: Sky News)
Trước chuyến thăm ngắn ngủi của Tổng thống Mỹ tới Rome, các quan chức đã hạ thấp triển vọng ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Zelensky hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác, nhường chỗ cho mục đích trang trọng của chuyến đi là tưởng nhớ cố Giáo hoàng Francis.
Sơ đồ chỗ ngồi giữa các nhà lãnh đạo tại lễ tang đã tạo nên những tương tác ngắn ngủi, bao gồm cả với nhiều nguyên thủ mà ông Trump dường như đã tránh kể từ khi nhậm chức. Ông đã có cuộc trò chuyện ngắn với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người mà ông đã chưa hề trao đổi kể từ khi trở lại nhiệm sở trong bối cảnh tranh chấp thương mại và quốc phòng với Liên minh Châu Âu.
Ông Trump đã trao đổi những lời xã giao với một số nhà lãnh đạo khác, những người đã cùng nhau nỗ lực giải quyết cuộc chiến tranh Ukraine. Ông bắt tay với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong nghi thức cầu nguyện hòa bình tại lễ tang Giáo hoàng Francis.
Nga – Ukraine tiến đến “rất gần” một thỏa thuận
Hoa Kỳ đã gây thêm áp lực lên Ukraine sau khi đe dọa vào tuần trước rằng Washington có thể rút khỏi các cuộc đàm phán “trong vòng vài ngày” nếu không thể đạt được thỏa thuận rõ ràng.
Ngày 25/4, ông Trump cho biết rằng Nga và Ukraine “rất gần với một thỏa thuận” tiến đến việc chấm dứt cuộc xung đột mà Nga đã manh nha vào năm 2014 và đỉnh điểm là cuộc chiến toàn diện vào nước láng giềng của mình vào năm 2022.
“Một ngày tốt lành trong các cuộc đàm phán và họp với Nga và Ukraine. Họ rất gần với một thỏa thuận và hai bên hiện nên gặp nhau ở cấp rất cao để kết thúc'”, ông Trump viết trên Truth Social sau khi hạ cánh tại Rome để dự tang lễ của Giáo hoàng Francis vào sáng 26/4.

Ông Trump đã trao đổi những lời xã giao với một số nhà lãnh đạo khác, những người đã cùng nhau nỗ lực giải quyết cuộc chiến tranh Ukraine, bên lề tang lễ Giáo hoàng Francis, ngày 26/4, tại Italy. (Ảnh: Sky News)
Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff, đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ba giờ vào ngày 25/4, mà theo trợ lý Tổng thống Nga – Yuri Ushakov, người cho biết các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng và rất hữu ích”.
Trước khi rời Kiev đến Rome, ông Zelensky đã đề xuất một số thỏa hiệp với mục tiêu thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, tôi nhấn mạnh một lần nữa, ở bất kỳ hình thức nào với bất kỳ ai”, ông Zelensky nói, nhưng “chỉ sau khi có tín hiệu thực sự rằng Nga sẵn sàng chấm dứt chiến tranh. Tín hiệu như vậy là lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện”.
Kiev và Moscow đã không gặp nhau trực tiếp kể từ những tuần đầu tiên sau khi bùng nổ xung đột vào tháng 2/2022.
Về vấn đề Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần hay không, ông Zelensky cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta phải thực tế. Chúng ta phải hiểu những đảm bảo an ninh mà Ukraine cần”.
Zelensky cho rằng những đảm bảo đó có thể bao gồm một đội quân từ châu Âu, theo cái mà ông gọi là “biện pháp dự phòng” từ Hoa Kỳ. “Đối với chúng tôi, biện pháp dự phòng không nhất thiết phải là bộ binh trên bộ ở Ukraine, nhưng có thể bao gồm phòng thủ mạng và trên hết là hệ thống phòng không Patriot”.
Hôm 24/4, Kiev đã hứng chịu đợt tấn công bằng tên lửa lớn nhất của Nga kể từ tháng 7 năm ngoái, khiến 12 người thiệt mạng.
‘Khung thỏa thuận Ukraine’ vẫn còn nhiều rào cản
Ông Zelensky cũng đã nói vào thứ Sáu về những gì ông gọi là các đề xuất “mang tính xây dựng” được đưa ra tại London trong tuần này giữa các quan chức Ukraine và châu Âu.
Reuters đã có được một bản sao của những đề xuất đó, có tên là “Khung thỏa thuận Ukraine”, đề xuất ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trên không, trên bộ và trên biển, như Ukraine đã đồng ý trước đó.
Theo bản dự thảo mà Reuters có được, hoạt động giám sát lệnh ngừng bắn sẽ do Hoa Kỳ dẫn đầu và được các nước thứ ba hỗ trợ. CNN đã xác nhận nội dung của bản dự thảo.
Bản dự thảo đề xuất Ukraine sẽ nhận được “các đảm bảo an ninh mạnh mẽ bao gồm từ Hoa Kỳ, trong khi không có sự đồng thuận giữa các Đồng minh về tư cách thành viên NATO”. Những điều này sẽ tương tự như những điều khoản trong Điều 5 của NATO, theo đó tất cả các thành viên có nghĩa vụ hỗ trợ một quốc gia bị tấn công.
Một phần của bản dự thảo có khả năng bị Moscow phản đối cho biết “các quốc gia bảo lãnh sẽ là một nhóm các quốc gia châu Âu và các quốc gia không thuộc châu Âu sẵn sàng hỗ trợ”. Sẽ không có “hạn chế nào đối với sự hiện diện, vũ khí và hoạt động của các lực lượng nước ngoài thân thiện trên lãnh thổ Ukraine” cũng như quy mô của quân đội Ukraine.
Bản dự thảo cho biết các cuộc đàm phán về lãnh thổ sẽ bắt đầu sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực và thời điểm bắt đầu của chúng.