spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhĐà tăng của đồng USD sẽ đối mặt với thử thách trong...

Đà tăng của đồng USD sẽ đối mặt với thử thách trong năm 2025

Chuyên gia cho rằng các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump và các đợt cắt giảm lãi suất của Fed có thể sẽ gây áp lực lên “đồng bạc xanh” vào nửa cuối năm 2025.

Từ Morgan Stanley đến JPMorgan Chase, có nhiều ý kiến cho rằng đồng tiền dự trữ của thế giới này sẽ đạt đỉnh vào giữa năm sau trước khi bắt đầu giảm. Trong đó, Societe Generale dự đoán Chỉ số USD ICE sẽ giảm 6% vào cuối năm sau.

Một năm khởi sắc

Đồng USD đã tăng mạnh trong năm nay, và đang trên đà ghi nhận đợt tăng mạnh nhất kể từ năm 2015, nhờ chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã thúc đẩy các nhà giao dịch giảm dự báo về số lần Fed cắt giảm lãi suất vào năm tới. Ông Kit Juckes, người đứng đầu về chiến lược tiền tệ tại Societe Generale, cho rằng sức mạnh của đồng bạc xanh đang ở mức “không bền vững trong dài hạn.”

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng khoảng 6,3% trong năm nay, với một phần lớn mức tăng đó đến từ giai đoạn trước và sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11. Đà tăng này được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng các chính sách thuế quan và cắt giảm thuế của ông Trump sẽ thúc đẩy lạm phát và làm phức tạp nhiệm vụ hạ lãi suất của Fed trong những tháng tới. Điều đó đã tạo động lực cho các nhà đầu tư toàn cầu chuyển tiền sang Mỹ.

Hiện tại, ông Trump đang gia tăng những tuyên bố cứng rắn về thương mại. Gần đây nhất, đồng peso của Mexico và CAD của Canada đã giảm giá sau khi ông cam kết áp thuế 25% đối với hàng hóa của hai nước này. Đầu tháng này, ông Trump đã chỉ trích nhóm các nền kinh tế mới nổi vì đã thách thức vị thế đồng tiền hàng đầu thế giới của đồng USD.

Sự tăng giá gần đây của “đồng bạc xanh” đã khiến các đồng tiền khác suy yếu trên diện rộng. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 11 sau cuộc bầu cử Mỹ, gần đạt mức ngang giá với đồng USD. Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của MSCI Inc. hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất trong bốn tháng, trong khi Trung Quốc có thể để đồng NDT giảm xuống mức 7,50 NDT đổi 1 USD vào năm tới – mức yếu nhất kể từ năm 2007.

Nhiều nhà đầu tư đặt cược vào sự tăng giá của đồng USD vì tin rằng chính sách thương mại của ông Trump trong nhiệm kỳ hai sẽ có lợi cho đồng bạc xanh. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp dựa trên số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cho tuần kết thúc vào ngày 10/12, các nhà giao dịch vẫn đang nắm giữ vị thế mua đồng USD khoảng 24 tỷ USD – gần mức cao nhất kể từ tháng Năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Citigroup, nếu khả năng gia tăng căng thẳng thương mại bị đẩy lùi, thì những nhà đầu tư này sẽ thất vọng vì đồng USD có thể sẽ không tăng giá như kỳ vọng.

Lịch sử lặp lại?

Tuy nhiên, theo các chiến lược gia vĩ mô và tiền tệ của Morgan Stanley, dù đồng USD sẽ được hưởng lợi từ những yếu tố trên, nhưng cuối cùng đồng tiền này sẽ giảm xuống dưới mức hiện tại vào thời điểm này năm sau. Các chuyên gia này cho rằng sự kết hợp giữa việc lãi suất thực tế giảm ở Mỹ và khẩu vị rủi ro gia tăng sẽ tạo nên kịch bản tiêu cực nhất đối với “đồng bạc xanh”.

Lịch sử có thể cung cấp một số manh mối về diễn biến của đồng USD trong nhiệm kỳ của ông Trump. Sau một đợt tăng vọt ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tám năm trước, chỉ số USD của Bloomberg đã chứng kiến mức giảm cả năm lớn nhất từng ghi nhận trong năm 2017, khi nền kinh tế Mỹ mất đà trong khi tăng trưởng ở châu Âu tăng tốc.

Đà tăng của đồng USD sẽ đối mặt với thử thách trong năm 2025- Ảnh 1.

Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần này, Phố Wall không nghĩ rằng đồng USD sẽ giảm mạnh như vậy, nhưng theo các nhà phân tích của MUFG, đồng tiền này có thể đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2025. Ngay cả thị trường quyền chọn, vốn vẫn đang dự đoán đồng USD sẽ tăng giá trong năm tới, cũng đã giảm bớt phần nào kỳ vọng tăng giá của mình, so với sự hưng phấn về đà tăng của đồng USD vào tháng 11 sau chiến thắng của ông Trump.

Bà Sophia Drossos, chiến lược gia của công ty quản lý tài sản Point72 Asset Management, cho rằng giá USD hiện tại đã phản ánh quá nhiều yếu tố tích cực, nên bất kỳ sự tăng trưởng kinh tế nào bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu (nơi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh đang hạ lãi suất để kích thích kinh tế), đều có thể khiến USD suy yếu so với các đồng tiền khác.

Các chiến lược gia tiền tệ hàng đầu dự đoán rằng Fed, vốn là nguồn hỗ trợ lớn nhất cho đồng USD trong những tháng gần đây, sẽ trở thành một yếu tố bất lợi cho đồng tiền này vào cuối năm 2025.

Theo các chuyên gia của Morgan Stanley, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ được dự đoán sẽ giảm nhanh hơn so với lợi suất trái phiếu của các nước khác trong năm tới, điều này sẽ thu hẹp chênh lệch lợi suất – một yếu tố vốn từ lâu đã có lợi cho đồng USD.

Một số chuyên gia khác còn lo ngại rằng chính sách thương mại của ông Trump có thể cản trở khả năng tăng giá hơn nữa của đồng USD. Lý do là nếu hàng nhập khẩu bị đánh thuế cao hơn, giá thành sản xuất của các công ty Mỹ sẽ tăng lên, gây bất lợi cho nền kinh tế và gián tiếp làm giảm sức hút của đồng USD.

Bên cạnh đó, đồng USD còn đối mặt với nguy cơ từ việc thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng tăng và kéo theo đó là rủi ro khi nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn cũng tăng theo.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật